TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 8 July 2012

***TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?


Nhọc công tìm khắp đông tây
Nào hay hạnh phúc
ở ngay tâm mình

TKThích-Chân-Tuệ
Trước khi phát tâm tu học, con người cứ tưởng Phật pháp chỉ ở trong kinh điển, chỉ ở nơi niết bàn, hay ở cõi Phật và chỉ dành cho các nhà sư trong chùa chiền, tự viện.

Không ngờ Phật pháp ở khắp thế gian. Phật pháp ở tại thế gian. Sống trong thế gian, nhận được Phật pháp, đó mới là niềm an lạc và hạnh phúc chân thật nhất.
Hạnh phúc không có ở bên ngoài, không có ở địa phương nào, không có ở thành phố lớn hay thị xã nhỏ, dù nơi đó giàu sang hay đang phát triển, không có ở Việt Nam, không có ở Hoa kỳ, Canada, Âu châu hay Úc châu.

Hạnh phúc không có trong nhà, không có trong chợ, không có trong chùa.

Hạnh phúc ở trong tâm của mỗi người. Khi thân tâm an lạc, con người hưởng được hạnh phúc chân thật. Đó chính là niềm mơ ước của con người. Đó chính là câu chúc nhau chân thật nhất, trang nghiêm nhất. Chúc các bạn thân tâm an lạc.

Khi nào thân của con người được bình an?

Thân của con người được bình an là khi con người đang hưởng phước.

Nghĩa là: con người đầy đủ mắt tai mũi lưỡi, tứ chi lành lặn, không bệnh tật, được ăn no, mặc ấm, sống nơi an ninh, không gặp bất trắc, hiểm nguy.
Khi nào tâm của con người được hỷ lạc?

Tâm của con người được hỷ lạc là khi con người đang hưởng phước. Nghĩa là: con người được an nhiên tự tại trong cuộc sống, không bị sợ hãi bởi các lời hăm he, hù dọa, gạt gẫm của các tà sư, không lạc vào tà đạo, mê tín dị đoan, không bị tà kiến trói buộc, tà pháp sai sử. Tâm của con người được hỷ lạc nhất là khi con người sống đời tri túc, biết đủ, tri nhàn, biết thư giản, không còn tâm tham lam, sân hận và si mê.

Thân được bình an, tâm được hỷ lạc, không do lời cầu nguyện, hay chúc tụng, không do ơn trên, thánh thần thiên địa ban cho. Bởi lẽ, tại sao trời lại ban cho người này, không ban cho người kia, không ban cho tất cả mọi người? Thực ra, thân tâm an lạc có được, chính là phước báu, là công đức và phước đức, tạo nên do sự tu tâm dưỡng tánh của chính bản thân.

Có sáu phương cách để tạo nên phước báu, đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong kinh sách, gọi đó là  Lục Độ Ba La Mật.

Thực hành bố thí, tâm con người hoan hỷ, bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. Phước báu vô lượng.  

Thực hành trì giới, 5 giới căn bản, 10 giới thiện, 250 hay 348 giới xuất gia, tâm con người bớt loạn động, được an tịnh, nhứt tâm. Phước báu vô lượng.

Thực hành nhẫn nhịn, nhẫn mà không thấy nhục, nhịn mà không thấy thiệt, tâm con người từ bi hơn, khoan dung, độ lượng hơn.  Phước báu vô lượng.

Thực hành tinh tấn, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời không mệt mỏi, tâm con người an vui hơn khi thấy người khác an vui. Phước báu vô lượng.

Thực hành thiền định, tức giữ được sự bình tĩnh thản nhiên trong cuộc sống, tâm con người dễ dàng hỷ xả, không sân hận, không kích động; hành động, lời nói và ý nghĩ thảy đều thanh tịnh. Phước báu vô lượng.
Thực hành trí tuệ là bước cuối cùng, tâm con người sáng suốt, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi. Đây chính là cứu cánh tột cùng của đạo Phật.   Phước báu vô lượng.

Phước báu vô lượng tức là hạnh phúc vô biên.

Sách có câu:

Thứ nhứt thì tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ,
thứ ba tu chùa.

Người tu tại gia thực hành lục độ, tất được phước báu, rốt ráo sẽ được thân an tâm lạc, đó không còn là lời chúc tụng suông nữa.     Đó chính là sự thực.

Người tu tại gia, cũng phải ra chợ, tiếp xúc với đời, không tránh khỏi. Người tu tại chợ thực hành lục độ, cũng được thân an, tâm lạc, không nghi.
Đó chính là sự thực.

Người tu tại gia có lúc đến chùa, hoặc phát tâm xuất gia, thực hành lục độ, nhất định được thân an tâm lạc. Đó chính là sự thực.
Tất cả đều do tâm tạo. Tâm tạo được an lạc hạnh phúc, nếu trong cuộc sống, con người biết thực hành lục độ. Con người đã có an lạc hạnh phúc trong tâm, dù sống bất cứ ở nơi nào trên thế gian, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ thời đại nào, cũng cảm nhận được thân tâm an lạc.

Ngược lại, tâm tánh xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen, ganh tị, đố kỵ, hiềm khích, thù hận, cuồng tín, dù sống tại gia, tại chợ hay tại chùa, dù sống bất cứ nơi nào trên trái đất, con người cũng cảm thấy phiền não và khổ đau, không sao tránh khỏi.

Tóm lại, con người biết tu tập, nên quán xét tâm tánh chính mình, cố gắng tu tâm dưỡng tánh. Khi tâm tánh con người sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, không cần lập nguyện, cũng được vãng sanh tịnh độ. Sống hạnh phúc, chết bình an. Nhất thiết duy tâm tạo, chính là nghĩa đó vậy. []

Suốt đời tìm khắp đông tây
Ai hay hạnh phúc
ở ngay tâm mình



Đừng Vội Kết Án Ai

Vừa nhận được điện thoại, bác sĩ Nam vội vã tới bệnh viện. Ông khoác vội trang phục phẫu thuật và tiến ngay tới phòng mổ. Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa qua phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng. Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha nói ngay:
  
“Tại sao giờ này ông mới đến? Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao?
Thực lòng ông có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?” 

Bác sĩ điềm tĩnh trả lời:
“Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện.
Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây…
Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.

Người cha giận dữ:
“Tịnh tâm à?! Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu
thì ông có tịnh tâm được không?
Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”

Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời:
“Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh:
"Thân trần truồng sinh từ cát bụi, tôi sẽ trở về cát bụi thân trần truồng.
Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa".
Những bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống.
Ông hãy đi cầu nguyện cho con trai ông.
Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.
 
“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì
xem ra quá dễ dàng”. Người cha phàn nàn.

Cửa phòng phẫu thuật đóng lại.
Vị bác sĩ miệt mài vài giờ liền trong phòng mổ.
Và ông rời khỏi phòng giải phẫu trong niềm hạnh phúc:

“Cảm tạ Chúa. Con trai ông đã được cứu.
Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi”.

Không chờ câu trả lời của người cha,
vị bác sĩ tiến thẳng và rời khỏi bệnh viện.
 
Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay:
“Loại người gì mà lại cao ngạo đến như thế kia chứ!
Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết
hiện trạng con trai tôi ra sao”.

Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt, trong xúc động,
cô chậm rãi trả lời:
“Con trai duy nhất của bác sĩ mới qua đời hôm qua do một tai nạn.
Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu.
Thế nhưng vừa nhận được điện báo, bác sĩ ấy vội tới ngay để cứu con trai ông.
Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.


Đừng kết án ai.
Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào
cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ
và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua.



Học cách quan tâm
Bà mẹ than nhức đầu nhưng hai cô con gái vẫn vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Một cô cứ thản nhiên ngồi xem ti vi, cô còn lại cứ mải miết bấm điện thoại chát chít với bạn bè. Người hàng xóm sang chơi thấy thế bèn hỏi thăm bà mẹ kia đau như thế nào, rồi chạy ra tiệm thuốc Tây mua cho bà mấy liều thuốc uống.

Một người em đến nhà người chị để mời đám cưới cô con gái. Nghe người chị nói mình vừa trải qua cơn tăng huyết áp suýt bị tai biến, hiện việc đi lại còn khó khăn. Người em chẳng một lời thăm hỏi sức khỏe, bệnh tình của chị mình, cứ đưa thiệp mời đám cưới, nói chuyện đâu đâu rồi vô tư ra về. Không phải quan hệ tình cảm chị em không tốt mà người em không quan tâm đến chị mình, chỉ vì cái tính thờ ơ vô tâm mà như thế.

Người vợ bị cảm lạnh, nằm kế bên chồng vừa sổ mũi vừa hắt hơi liên tục, người chồng vẫn ngủ ngáy o o, thỉnh thoảng tiếng hắt hơi làm người chồng giật mình tỉnh giấc, anh ta càu nhàu: “Suốt đêm cứ nhảy mũi hoài làm không ai ngủ được!”, rồi anh ta ngủ tiếp.

Dân gian Việt Nam có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Người xưa thường dạy con cháu mình như thế, nhưng ngày nay dường như chẳng mấy ai quan tâm điều này. Người ta không chỉ cần học chữ nghĩa, kiến thức văn hóa, khoa học, mà còn cần phải học ăn uống, đi đứng, nói năng, học cách làm việc, học cách cư xử, học cách chăm sóc bản thân và quan tâm người khác v.v... Cái gì cũng cần phải học, chứ không phải chỉ học cách kiếm tiền, học cách ăn chơi hưởng thụ... Đôi khi chính sự thiếu hiểu biết làm hại bản thân và những người thân mà mình không hề nghĩ đến. Nếu mình không biết quan tâm đến ai thì cũng chẳng ai quan tâm đến mình. Nếu con cái chẳng học được gì ngoài sự thờ ơ, vô tâm của cha mẹ đối với những người thân của mình và mọi người, thì khi lớn lên chúng sẽ không biết gì khác ngoài việc dùng thái độ đó đối với cha mẹ chúng.

Các bậc cha mẹ cần dạy con mình từ nhỏ phải biết cách tự chăm sóc bản thân và biết cách quan tâm, chăm sóc những người thân xung quanh mình, gần thì có ông bà cha mẹ, anh chị em, xa thì có bạn bè, chòm xóm láng giềng những khi cần giúp đỡ. Có rất nhiều người không biết cách chăm sóc cho người thân của mình do từ nhỏ không được chỉ dạy, không tập làm cho quen. Ví dụ như, khi người thân bị nóng ho mà nấu thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ; khi con cái bị viêm họng mà cho uống nước đá lạnh, ăn kem; con bị cảm sốt, nhức đầu thì đè ra cạo gió rồi lấy chăn mền trùm kín; thấy con mệt mỏi do sốt thì lấy thuốc bổ cho con uống vào… Kết quả của cách chăm sóc như thế khiến người cần chăm sóc không khỏe mà còn mệt thêm, chẳng những không hết bệnh mà bệnh càng nặng thêm.

Đó đều do không có hiểu biết về bệnh và không biết cách chăm sóc người bệnh.

Có nhiều ông chồng sau giờ làm mặc tình la cà đó đây nhậu nhẹt, xem như mình kiếm tiền về nhà là đã làm xong trách nhiệm, chẳng màng quan tâm đến vợ con ở nhà, không hề nghĩ ở nhà có việc gì cần mình làm hay không, vợ con có đang trông chờ mình về hay không, con cái mình đi học về chưa, chúng học hành như thế nào rồi, mình nên thường xuyên tiếp xúc hỏi han con cái để tình cảm cha con không lạt lẽo… Có nhiều bà vợ ngày nào cũng bỏ khối thời gian cho việc trau chuốt làm đẹp hoặc đi mua sắm, làm bà tám với bạn bè, nhưng lại lười vào bếp để chuẩn bị cho chồng con một bữa ăn ngon, giặt ủi cho chồng con cái quần cái áo, hoặc thăm hỏi sức khỏe, đời sống cha mẹ mình. Sự thờ ơ, vô tâm tạo ra nhiều điều đáng buồn, đáng trách. 
Nên dạy con trẻ biết thăm hỏi ông bà cha mẹ, quan tâm lo lắng, chăm sóc ông bà cha mẹ khi ông bà cha mẹ ốm đau, bệnh tật. Từ bé thơ, trẻ phải được cha mẹ dạy những câu như: Cha có khỏe không?”, “Mẹ có khỏe không?”, “Con thương cha mẹ lắm!”, “Cha mẹ bị làm sao thế?” (Khi cha mẹ có biểu hiện bị bệnh hoặc gặp phải chuyện gì). Nên dạy con trẻ biết lấy thuốc cho cha mẹ uống khi cha mẹ bệnh (tất nhiên là cha mẹ chỉ cho con biết cần uống loại thuốc gì hoặc đi mua thuốc gì); nấu cháo cho cha mẹ ăn, đưa cha mẹ đi bệnh viện, phòng mạch, hoặc mời bác sĩ đến khám bệnh cho cha mẹ nếu như cha mẹ không thể đi; biết lấy áo ấm cho cha mẹ khi thời tiết lạnh; biết lấy nước cho cha mẹ uống và hỏi thăm khi cha mẹ đi làm về: “Cha mẹ có mệt lắm không? Để con lấy nước cho cha mẹ uống”. Khi lên mâm cơm, nên dạy con trẻ mời ông bà cha mẹ trước: “Con mời ông bà dùng cơm”, “Con mời cha mẹ dùng cơm”.
Cha mẹ có biểu hiện không vui, con cái phải quan tâm tìm hiểu, hỏi cha mẹ xem mình có làm điều gì khiến cho cha mẹ buồn không hay là cha mẹ không được khỏe? Cần phải dạy trẻ biết phụ giúp công việc gia đình, xem làm việc nhà là trách nhiệm của mình chứ không phải là việc không liên quan đến mình. Nên dạy trẻ phải biết quan tâm đến người khác chứ không phải chỉ biết nhận sự quan tâm và những gì người khác làm cho mình.
Phải dạy trẻ từ nhỏ về tình yêu thương, về bổn phận, trách nhiệm, dạy trẻ nuôi dưỡng những tình cảm đạo đức và hình thành những thói quen tốt, để khi lớn lên trẻ không là người sống thờ ơ, vô tâm đối với những người thân xung quanh, đối với gia đình và xã hội.
Thiện Tài



Đời thật bình yên

Đời thật  bình yên, êm ả quá!

Cảm ơn tình bạn, cảm ơn đời

Cảm ơn nhang khói  mờ lung linh

Cảm ơn ngọn nến hồng thắp sáng

Cảm ơn  đoá sen nồng hương linh
     
Cảm ơn Đức Phật cho bài Pháp

Liều thuốc nhiệm mầu vơi khổ đau

Con nguyện với lòng xin cố gắng

Biết chừa điều ác phòng tránh  xa

Diệt hết sân si, diệt muộn phiền

Diệt hết  nghiệp tham ân luyến ái

Diệt đi khổ não, bớt lạc lầm 
  
Lòng không dính mắc, không than vãn

Đời thật bình yên, thân tâm an      

NHƯ NGUYỆT

Kính mời tham khảo những bài viết theo link:

TỪ BI (HT THÍCH THANHTỪ)
Y NGHĨA BẤT Y NGỮ
THẾ NÀO LÀ ÁI NGỮ
Ý NGHĨA CÚNG HOA, HƯƠNG, ĐÈN
HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
MUỐN TU THÌ PHẢI HỌC