TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 24 June 2012

***TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 20



Hình bìa tập san số 20 

 

THÔNG BÁO

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG 20 (ĐẠI LỄ VU LAN 31.8.2012)


Tập san PHTQ số 19 (ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN) đã phát hành xong và hiện nay không còn tại Văn phòng. VP.PHTQ.CANADA chân thành cảm tạ sự ủng hộ của quí vị.

Ban Biên Tập đang chuẩn bị nội dung Tập san PHTQ số 20 và sẽ phát hành hoàn toàn miễn phí nhân dịp ĐẠI LỄ VU LAN 31.8.2012.

NỘI DUNG:
- Hạnh phúc ở đâu ?
- Thiên đàng ở đâu ? Địa ngục ở đâu ?
- Xin đừng lạy Phật.
- Tuyên dương chánh pháp, giải thích chân lý tối thượng không phân biệt tôn giáo, kể cả Phật giáo (còn hình thức tôn giáo là còn mê tín).
- Tìm hiểu đời sống an lạc & hạnh phúc trong ánh sáng từ bi & trí tuệ.
- Bài trừ mê tín lẫn lộn trong Phật giáo chẳng hạn như: dâng sớ cầu an, tiền mất tật mang, cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới, niệm chú 108 biến vào chai nước, vào cát mạn đà la, úm ba la trị tà ma, trị bá bệnh, xem ngày tang lễ, xem tuổi tang chủ, cho bùa làm ăn, nhất bổn vạn lợi, bùa gọi người về, hóa giải tai kiếp, soi căn xem tướng.

Quí vị thiện hữu, phát tâm góp bài, đóng góp ý kiến, khởi tâm bảo trợ, hùn phước ấn tống, cúng dường tịnh tài, tùy duyên thỉnh sách, xin gửi cước phí $10/quyển, qua thư bưu điện, không qua điện thoại, gửi về VP.PHTQ.CANADA trước 30.4.2012.
 Hoan hỷ liên lạc:
 Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ,
108 - 123 Railroad St., Brampton, ON, L6X-1G9.
Canada.
Tel: 647-828-1016. Email: cutranlacdao@yahoo.com
 

Trân trọng thông báo,
Ban Biên-Tập
PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA


Xin liên lạc qua Email: VP.PHTQ.CANADA cutranlacdao@yahoo.com


SỨC MẠNH CỦA MỘT LỜI NÓI

Thả một hòn sỏi vào trong nước:
trong phút chốc bạn lãng quên.
Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn,
hòa vào con sóng lớn.
Bạn đã xáo động một đại dương hùng vĩ
chỉ bằng một hòn sỏi mà thôi
Thả một lời nói không tốt, không cẩn trọng:
trong phút chốc bay đi.

Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, lan tỏa
Và không có cách nào lấy lại - một khi bạn đã nói ra.
Thả một lời nói không tốt: trong phút chốc bạn lãng quên.
Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn mãi
Có thể bạn đã làm ứa một dòng nước mắt
trên con tim buồn.
Bạn đã xáo động một cuộc đời hạnh phúc
chỉ vì những lời nói kia.
Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng:
chỉ trong giây lát chúng bay đi.

Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn, xoay tròn mãi.
Mang hy vọng, niềm vui, an ủi trong mỗi con sóng xô bờ.
Bạn sẽ không ngờ được sức mạnh của một lời nói tốt
bạn cho đi.
Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng:
trong giây lát bạn lãng quên.
Nhưng niềm vui dâng tràn,
và những gợn sóng reo vui xoay tròn mãi.
Bạn đã làm cho con sóng được vỗ về trong điệu nhạc êm ái
có thể nghe thấy trên hàng hải lý
từ việc thả một lời nói tốt mà thôi.



BUÔNG XẢ NHẸ NHÀNG 


- Bạn đang cầm cái gì thế?
- Cái tách
- Nặng không?
- Không
- Bạn cầm được bao lâu?
- Chừng 10 phút thôi.
- Tại sao vậy?
- Cái tách thì không nặng, nhưng cầm giữ càng lâu, càng thấy nặng.

SUY NGẪM

Trên đường đời, người đi bộ mang trên vai hay trên lưng một ba lô hành lý vừa sức.

Đường càng dài, người đi bộ cảm thấy hành lý đó càng nặng thêm, cho đến một lúc phải bỏ xuống, nghỉ ngơi.

Đó là nói về phương diện vật chất, thể lực, hay hình tướng bên ngoài.

Về phương diện tâm linh, tinh thần, do sự bất như ý, hay bất trắc trong cuộc sống hàng ngày, con người mang một khối tâm sự nặng nề, khó giải tỏa, khiến cho tâm trí bất an, cuộc sống kém vui.

Có những người vô minh đến mức, họ thề rằng: «sống để dạ, chết mang theo».

Người có trí liền nhận biết điều này càng kéo dài, càng bất lợi cho sức khoẻ thể chất cũng như tâm thần, cho nên tìm cách buông bỏ, xả bỏ, không nhớ nghĩ đến những điều bất như ý đó nữa. Có những chuyện cãi vã nhau, người kia đã quên mất, còn người kém trí thì mang khối tâm sự đó về nhà chia cho chồng (hay vợ) cùng chịu phiền não khổ đau chung.

Người có trí học hạnh của đất, kham nhẫn những điều như ý hay bất như ý người khác khó làm, nhận chịu với tâm từ, bi, hỷ, xả. Nhẫn mà không thấy nhục.

Với sự hiểu biết, người có trí biết thông cảm hoàn cảnh, biết yêu thương người khác, chính là yêu thương bản thân, nên không phiền não, không khổ đau.

 BBT.PHTQ. (trích PHTQ số 20)



CHUYỆN TU HÀNH

- Thế nào gọi là tu?

- Khi mình nghe một câu chuyện về một người nào đó, mình không quen biết, không rõ câu chuyện thực hư ra sao, mình không nên vội tin, nhất là không nên loan truyền câu chuyện đó cho người khác.
Như vậy gọi là tu đó.

- Vâng, con xin cám ơn lời nhắc nhở của Thầy. Nhưng nếu mình biết rõ câu chuyện đó có thực, và biết về người trong câu chuyện, thì mình xử sự ra sao, thưa Thầy ?

- Sống trên đời này, mình còn chưa biết rõ về bản thân mình nữa là, làm sao dám nói rằng mình biết về người khác. Nay mình thương, mình có cảm tình, mình suy nghĩ như thế này. Mai mình ghét, mình mất cảm tình, mình suy nghĩ thế khác. Còn sự việc xảy ra trên đời, thường có nhiều uẩn khúc, thấy vậy mà không phải vậy, người trong cuộc đôi khi còn chưa hiểu rành rẽ ngọn ngành, huống là người bàng quan.

Bởi vậy, nếu muốn yên thân để tu tập, mình chỉ nên quan sát chính bản thân mình, xem coi mình là người thế nào, tốt hay xấu, thiện hay ác, dễ tin hay sáng suốt, mê hay ngộ, tiến hay lùi, không nên nghe, bàn chuyện thị phi, thiên hạ sự, chẳng ích lợi gì cho sự tu tập, chẳng ích lợi gì cho hạnh phúc bản thân và gia đình. Phóng tâm ra nghe bàn chuyện bên ngoài chỉ làm loạn tâm mà thôi. Nên nhiếp tâm quán xét bản thân.
Như vậy gọi là tu đó.

người ngu trên đời này
thường nghe lời đồn nhảm
tin theo rồi loan truyền
phiền não và khổ đau
*
người trí không quan tâm
chuyện thế gian thị phi
không loan truyền tin đồn
tâm an nhiên tự tại 

Ban Biên-Tập PHTQ



COI LẠI ĐÈN DẦU
Một người nọ mù luôn hai mắt,
Bạn anh ta tặng cặp đèn pin.
Anh mù rất đỗi ngạc nhiên:
“Mắt tôi chẳng thấy, khỏi phiền tới anh.”
Anh bạn đáp: “Cũng cần đèn chứ,
Khi ra đường anh cứ giơ lên,
Đang khi đi giữa màn đêm,
Người ta nhìn thấy tránh bên kịp thời.”
Nghe có lý anh thời vui nhận,
Vừa đi xa một đoạn bất ngờ,
Có người đêm tối đụng vô,
Bực mình anh quát: “Bộ mờ mắt sao?
Đèn pin sáng giơ cao như vậy,
Sao anh không chịu thấy giùm cho?”
Người kia khi ấy phân bua:
“Đèn anh tắt tự bao giờ rồi nha!”
Nguyễn Tường Dec 31, 2010 

THIỀN TRONG CHÉN NƯỚC
Giáo sư nọ nghe môn thiền đạo,
Gặp thiền sư tham khảo, xem qua.
Ông này mời uống nước trà,
Chiếc ly tràn đổ vậy mà chẳng ngưng.
Giáo sư nói: “Xin đừng rót nữa,
Ly đã tràn ông chớ rót thêm.”
Thiền sư khi ấy đứng lên:
“Giáo sư, tôi nhắc chớ quên ý này:
Ông đầu óc đã đầy kiến thức,
Nếu không ngay lập tức cạn đi,
Học thiền như thế ích gì,
Cũng như ông thấy chiếc ly đã tràn.”
Nguyễn Tường Dec 31, 2010



Kính mời tham khảo các bài viết của BBT PHTQ:


BÍ QUYẾT SỐNG LẠC QUAN
BƯỚC SEN THỨ 7-QUẢ VỊ PHẬT
http://www.phtq-canada.blogspot.ca/2012/05/buoc-sen-thu-bay-qua-vi-phat.html

THẾ NÀO LÀ ÁI NGỮ
Ý NGHĨA CÚNG HOA, HƯƠNG, ĐÈN
HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
MUỐN TU THÌ PHẢI HỌC
PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN
THƯ NGÕ VÀ MỤC LỤC PHTQ SỐ 19
THÔNG BÁO CỦA PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 19


KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN 2012

Wednesday 20 June 2012

*** GIÁ TRỊ CỦA CON NGƯỜI (CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 3)


TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ phương đông sang đến phương tây, từ Á châu sang đến Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Úc châu, khi bàn về vấn đề giá trị của con người, người ta có vô số cách nhận định, có vô số căn cứ, có vô số cơ sở, có vô số thước đo, có vô số tiêu chuẩn, có vô số khía cạnh và có vô số căn bản, để bàn bạc, để thảo luận, để tranh cãi, để thẩm định giá trị của con người. Không ai đồng ý với ai. Không thời điểm nào giống thời điểm nào. Không địa phương nào hợp với địa phương nào. Không sắc tộc nào đồng quan điểm với sắc tộc nào. Không tôn giáo nào đồng ý với tôn giáo nào. 
 
Trong phạm vi xã hội, phải chăng con người có nhiều tài sản, tiền bạc, của cải thì có giá trị hơn?  Phải chăng con người có nhiều quyền thế, lắm chức tước, địa vị cao thì có giá trị hơn?  Phải chăng con người có kiến thức rộng, hiểu biết sâu thì có giá trị hơn?  Phải chăng con người có nghề nghiệp chuyên môn, bằng cấp cao thì có giá trị hơn? Phải chăng con người có nhiều danh vọng, nhiều tiếng tăm thì có giá trị hơn?  Phải chăng con người có sắc đẹp mỹ miều, duyên dáng thì có giá trị hơn?  Phải chăng con người có nhiều tài năng, khéo léo thì có giá trị hơn? 
 
Trong phạm vi tín ngưỡng hay tôn giáo, phải chăng người tu sĩ có giá trị hơn quảng đại quần chúng tín đồ?  Phải chăng vị tu sĩ nào tu nhiều năm, hay có phẩm trật cao thì có giá trị hơn?  Phải chăng tín đồ nào đi cúng kiến, lễ bái, xem lễ, cầu nguyện nhiều thì có giá trị hơn? Phải chăng người nào biết làm việc phước thiện, biết làm công quả, biết làm đồng công, biết giúp đỡ nhiều người, biết bố thí kẻ nghèo, biết cúng dường các bậc tôn túc, biết phân biệt phải trái, trắng đen thì có giá trị hơn? 
 
Trong muôn ngàn câu hỏi đó, trong muôn ngàn ý kiến của muôn triệu người, tự cổ chí kim, từ đông sang tây, từ Á sang Âu, vấn đề cần suy tư hiện nay của chúng ta là gì?  Đó chính là hai câu hỏi: 
 Đâu là giá trị chân thật của con người?
Tìm hiểu giá trị chân thật của con người được ích lợi gì? 

Trong khi bàn về vấn đề giá trị của con người, thông thường người ta có thể xem xét về hai phương diện: vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, người đời thường đánh giá cao những con người ăn mặc lịch sự, sang trọng, đúng thời trang, những con người sống trong những ngôi nhà cao, cửa rộng, những tòa biệt thự đồ sộ, nguy nga, tráng lệ, những con người đi trên những chiếc xe hơi lộng lẫy, đắt tiền, đầy đủ tiện nghi, những con người rộng rãi, hào phóng, xài tiền như nước. Bên cạnh đó, người đời cũng thường đánh giá cao những con người có sắc đẹp quyến rủ, những con người dung mạo tuyệt trần, những con người có thân hình lực lưỡng, cân đối, những con người khỏe mạnh, tráng kiện, những con người có uy quyền, có thế lực, có danh vọng, những con người có địa vị trong xã hội, những con người có tài sản kếch sù, những con người có nhiều cơ sở làm ăn, buôn bán, kinh doanh khắp nơi, những con người hét ra lửa mửa ra khói, những con người tiền hô hậu ủng, những con người có kẻ ăn người ở, có kẻ hầu người hạ, phục dịch trong ngoài, những con người có sức mạnh vô địch, những con người có võ công tuyệt luân
 
Những con người như vậy sở dĩ được đánh giá cao, bởi vì đó là mục tiêu nhắm đến, là niềm mơ ước đạt được của hầu hết mọi người nam nữ, già trẻ, lớn bé, trên thế gian này. Bằng đủ mọi cách, mọi thứ, mọi phương pháp, mọi phương tiện, mọi mưu mô, mọi kế sách, mọi thủ đoạn, mọi chiến thuật, mọi chiến lược, mọi sách lược, con người trên thế gian này đều chỉ mong đạt được, đoạt được những điều mơ ước đó, dù có phải chà đạp lên sanh mạng hay nhân phẩm của người khác hay nhiều người khác. Lắm khi con người bất chấp sanh mạng và tiền đồ của cả một dân tộc, hay của cả nhân loại trên quả địa cầu này, chỉ vì những tiêu chuẩn giá trị trên đây. Thật thảm thương thay! 
 
Về phương diện tinh thần, người đời thường đánh giá cao những con người có nhiều bằng cấp chuyên môn, những con người có kiến thức rộng rãi, thông thuộc lịch sử đông tây kim cổ, những con người có sự hiểu biết bao quát mọi vấn đề trong cuộc sống, những con người có nhiều năng khiếu đặc biệt, những con người đạt được nhiều thành tích trong mọi lãnh vực, những con người có hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, đàng hoàng, bề ngoài đứng đắn, từ tốn, chậm rãi, những con người thực hiện được những chuyện cao cả, những chuyện dị thường, những chuyện huyền bí, những chuyện kinh dị, những chuyện kinh thiên động địa, những chuyện không ai làm nổi, những chuyện không ai tưởng tượng nổi. 
 
Tất cả những con người kể trên được đánh giá là những con người có giá trị trong xã hội. Nói cách khác, giá trị của con người trong thế gian hiện nay được xem xét không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần. Nếu không giàu sang thì cũng phải tài giỏi.  Nếu không quyền thế thì cũng dòng dõi quý phái, danh gia, vọng tộc.  Nếu không có chức thì cũng phải có bằng. Nếu không tốt tướng, khỏe mạnh, đẹp đẽ, mặn mà thì cũng phải nết na, duyên dáng, thùy mị, đạo đức. Chính vì những tiêu chuẩn qui định giá trị của con người như trên, cho nên cuộc đời trên thế gian này đầy dẫy những bất công, gian trá, phiền não và khổ đau. 
 
Nếu tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là tiền tài, của cải, giàu sang thì tức nhiên những con người thuộc giới bình dân sẽ bị khinh khi, chà đạp. Như vậy, nhân phẩm không còn được tôn trọng, nhân quyền không còn được bình đẳng. Những con người không có nhiều tiền tài, của cải, giàu sang thường mang mặc cảm tự ti, thấp kém, dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, đối phó, đôi co, cãi cọ, bực bội, khi "thấy" người khác khinh dể mình, khi "nghe" người khác khinh dể mình, khi "nghi" người khác khinh dể mình. Đôi khi chưa thấy ai khinh dể mình, chỉ nghe thoang thoáng, nghe đồn đại, nghe phong thanh người khác khinh dể mình, hoặc nghi người khác khinh dể mình, thì mình đã nỗi trận lôi đình, nỗi giận đùng đùng, ầm ầm, tam bành lục tặc nỗi lên cuồn cuộn. Bởi vậy mới biết trong lòng mỗi người chúng ta, ai ai cũng đều có một ngọn hỏa diệm sơn cả. 
 
Tâm trạng của những người không có nhiều tiền tài, của cải, giàu sang thường bất an, xáo trộn. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ hay một ý nghĩ "vô ý" nào đó cũng có thể làm bùng nổ những cuộc tranh luận, những cuộc tranh chấp, những cuộc tranh biện, những cuộc tranh đấu, những cuộc cãi vã giữa hai người, giữa hai nhóm người, giữa hai đoàn thể. Và như vậy thường dẫn đến chuyện ấu đả nhau, tìm cách chơi nhau cho đến chết, cho tán gia bại sản, cho sạt nghiệp luôn, cho dẹp tiệm luôn, cho đóng cửa báo luôn, cho tơi bời hoa lá nhà người, cho chúng khỏi ngóc đầu lên nổi. Hoặc con người tìm cách kiện tụng nhau, lôi nhau ra trước ba tòa quan nhớn quan nhỏ, tóc quăn mũi lõ, nhờ phân xử những bạn bè cũ người đồng hương, nếu như lời nói, cử chỉ hay ý nghĩ đó là "cố ý" miệt thị người khác nghèo hơn mình, ít tiền tài hơn mình, miệt thị nhóm người khác ít của cải, ít vốn liếng, ít tiền bạc hơn mình, miệt thị đoàn thể khác ít uy tín hơn đoàn thể mình.
 
Trái lại, những con người nhiều tiền lắm bạc thường kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, coi trời bằng nắp vung, dễ gây ác cảm, thù hận đối với mọi người. Những con người thừa tiền lắm của thường có thái độ mục hạ vô nhân, họ nhìn đời bằng nửa con mắt, họ nhìn đời bằng cặp kiếng đen; dù rằng tiền bạc và của cải, họ đang sở hữu, không có xuất xứ trong sạch, không có xuất xứ rõ ràng, minh bạch và thực là không đáng hãnh diện, không đáng khoe khoang, không đáng tự hào chút nào cả!  Chính vì tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là tiền tài, của cải, giàu sang, gây nên hậu quả an ninh của xã hội cũng bấp bênh, đạo đức suy đồi, tranh chấp triền miên. 

Cuộc đời đầy dẫy những phiền não và khổ đau, cho cả hai hạng người "có hay không có" tiền tài, của cải, giàu sang. Nếu tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng, thì tức nhiên những con người thuộc giới bình dân sẽ bị khinh khi, chà đạp.  Như vậy, nhân phẩm không còn được tôn trọng, nhân quyền không còn được bình đẳng. Những con người không có quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng,  thường mang mặc cảm tự ti, thấp kém, dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, đối phó, đôi co, cãi cọ, bực bội, khi "thấy" người khác khinh dể mình, khi "nghe" người khác khinh dể mình, khi "nghi" người khác khinh dể mình. 
 

Trái lại, những con người quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng, thường kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, dễ gây ác cảm, thù hận đối với mọi người.  Những con người quyền cao chức trọng, những con người ăn trên ngồi trước, những con người bằng này cấp kia, những con người có chức có tước, thường có thái độ mục hạ vô nhân, họ nhìn đời bằng nửa con mắt, họ nhìn đời bằng cặp kiếng đen; dù rằng quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng của họ chỉ là dõm, là hư, là giả tạm, là hão huyền, và thực là không đáng hãnh diện, không đáng khoe khoang, không đáng tự hào chút nào cả! 
 
Chính vì tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng, gây nên hậu quả an ninh của xã hội cũng bấp bênh, đạo đức suy đồi, tranh chấp triền miên.  Cuộc đời đầy dẫy những phiền não và khổ đau, cho cả hai hạng người "có hay không có" quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng. 
 
Nếu tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, thì tức nhiên những con người thuộc giới bình dân sẽ bị khinh khi, chà đạp.  Như vậy, nhân phẩm không còn được tôn trọng, nhân quyền không còn được bình đẳng. Những con người không có bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, thường mang mặc cảm tự ti, thấp kém, dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, đối phó, đôi co, cãi cọ, bực bội, khi "thấy" người khác khinh dể mình, khi "nghe" người khác khinh dể mình, khi "nghi" người khác khinh dể mình. 
 
Tâm trạng của những người không có bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, thường bất an, xáo trộn. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ hay một ý nghĩ "vô ý" nào đó cũng có thể làm bùng nổ những cuộc tranh luận, cãi vã giữa hai người, hai nhóm người, hai tông phái. Và như vậy thường dẫn đến chuyện ấu đả nhau, tìm cách chơi nhau cho đến chết, cho tán gia bại sản, cho sạt nghiệp luôn, cho dẹp tiệm luôn, cho đóng cửa báo luôn, cho tơi bời hoa lá nhà người, cho chúng khỏi ngóc đầu lên nổi. 

Hoặc con người tìm cách kiện tụng nhau, lôi nhau ra trước ba tòa quan nhớn quan nhỏ, tóc quăn mũi lõ, nhờ phân xử những bạn bè cũ người đồng hương, nếu như lời nói, cử chỉ hay ý nghĩ đó là "cố ý" miệt thị người khác xấu xí hơn mình, không sang trọng bằng mình, không oai phong bằng mình, không nỗi tiếng bằng mình, miệt thị nhóm người khác không quí phái bằng nhóm mình, miệt thị tông phái khác không được chính tông, chính phái, chân truyền như mình, không trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, đĩnh đạc như mình. 
 
Trái lại, những con người có bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, thường kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, dễ gây ác cảm, thù hận đối với mọi người. Những con người bộ vó trang nghiêm, những con người ra vẻ quí phái, những con người có tướng oai phong, những con người có tiếng có tăm, thường có thái độ mục hạ vô nhân, họ nhìn đời bằng nửa con mắt, họ nhìn đời bằng cặp kiếng đen, dù rằng bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi của họ chỉ là cái võ không ruột và thực là không đáng hãnh diện, không đáng khoe khoang, không đáng tự hào chút nào cả! 
 
Chính vì tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, gây nên hậu quả an ninh của xã hội cũng bấp bênh, đạo đức suy đồi, tranh chấp triền miên. Cuộc đời đầy dẫy những phiền não và khổ đau, cho cả hai hạng người "có hay không có" bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi.
 
Như vậy, chúng ta phải công nhận rằng các yếu tố, các căn cứ, các tiêu chuẩn qui định giá trị của con người trên đây thường dẫn đến những vụ xáo trộn, những vụ tranh cãi, những vụ tranh chấp, những vụ tranh đấu, những vụ tranh biện, những vụ tranh luận, những vụ tranh đua, những vụ kiện tụng, những vụ con kiến đi kiện củ khoai, những vụ vạch áo cho người  xem lưng, những vụ vạch lá tìm sâu, những vụ đào xới tam đại tổ tiên người khác để sỉ vả, nhục mạ, mắng nhiếc, chửi bới, bêu riếu, những trận bút chiến, những sự chia rẽ, những hiện tượng phân hóa, những bất công trong xã hội.  Đồng thời, các tiêu chuẩn qui định giá trị của con người trên đây cũng dẫn đến những phiền não và khổ đau trong tâm tư của tuyệt đại đa số con người trên thế gian này trong mọi hoàn cảnh. 
 
Thí dụ như chỉ cần nghe người nào đó chê mình nghèo, chê mình bất tài, chê mình ngu, chê mình dốt, dù là chê trước mặt hay chê sau lưng, thì chúng ta cũng khó mà nhịn được.  Đôi khi, chưa nghe trực tiếp người nào nói, chỉ cần nghe đồn, nghe nói, hay tưởng tượng người nào đó nói xấu mình điều gì đó, mình chẳng bao giờ bận tâm dành một phút để suy xét xem mình có thực xấu như người ta nói đó hay không, nhiều khi chưa kịp suy nghĩ phải trái gì hết, thì ngọn hỏa diệm sơn trong lòng chúng ta đã bùng lên dữ dội, khó mà ngăn nổi. Cho dù có nhịn được bề ngoài, làm tỉnh ngoài mặt, chúng ta cũng khó lòng dẹp được những niệm sân, khởi lên trong tâm trí.  Cho dù có dẹp được những niệm sân đó trong tâm trí hôm nay, nhưng sau này, mỗi khi chúng ta nhớ lại cảm giác bị khinh chê đó, tâm trí cũng khởi những niệm sân, như thể câu chuyện mới vừa xảy ra vậy. 

Thí dụ như chỉ cần đọc báo, xem phim thấy tác giả hay đạo diễn nào đó viết lách, kể chuyện, dựng phim, ngụ ý châm biếm, khôi hài, chế giểu, đùa cợt, chê bai, khích bác, công kích những thói hư tật xấu của một nhân vật nào đó trong truyện hay trong phim, giống y chang như mình, hay na ná giống như mình, thì chúng ta khó mà nhịn được, khó mà dằn được cơn tức giận trào lên như sóng cồn ngoài biển cả, khó mà nín được, không thể không phản ứng, không thể không viết bài đáp lại, nhẹ thì đính chánh, thanh minh thanh nga, nặng thì mạt sát, hèn nhát thì sáng tác thư rơi, ném đá dấu tay, tuyên truyền rỉ tai, bươi móc đời tư, tam đại nhà người ta cho hả hê cái lòng dạ hỏa diệm sơn lâu đời của mình, cho đả cơn tức giận vô cùng vô tận trong lòng mình, còn chưa chịu thôi, nữa là phải nhịn hay sao? 
 
Nếu không làm vậy, chúng cho là mình ngu, không biết gì cả.  Chúng nó ngu chứ mình đâu có ngu dại gì!  Nhất định phải làm tới, phải làm cho ra nhẽ mới thôi.  Dại gì mà nhịn chứ!  Tại sao lại phải nhịn?  Nhịn thì nhục!  Cự thì đục!  Có khi người ta thực sự không có ý ám chỉ mình, nhưng mình cứ la toáng hoáng lên và nhận bừa rằng họ ám chỉ mình, để rồi tự mình chuốc lấy phiền não và khổ đau, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng được! 

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng:
Không nên tìm lỗi của kẻ khác,
không nên xét những việc kẻ khác có làm hay không làm.
Hãy tìm lỗi của chính mình,
hãy xét những điều đã làm hay không làm
trong hành động của chính mình. 
 

Thực ra, dù người ta nói mình ngu, mình không ngu thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. Người ta nói mình ngu, mình tức giận lên, thì đúng là mình ngu quá rồi, còn gì nói nữa!  Người ta nói mình làm bậy, mình không có làm bậy thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. Người ta nói mình dính lọ trên mặt, mình không có dính lọ trên mặt thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. Người ta nói mình bị mất uy tín, mình đâu có uy tín để mất thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. Người ta nói mình nghèo đến mức không có khố để che thân, mình không có nghèo đến mức đó thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. Người ta nói mình ngu đến mức không có chữ nghĩa để đem bán độ nhựt, mình không có ngu, không có dốt đến mức đó thì thôi, hơi đâu phí sức tức giận cho mệt. 
 
Trong Pháp Tứ Y, Đức Phật có dạy: "Y nghĩa bất y ngữ ". 
Nghĩa là muốn có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta đừng cố chấp, đừng quan tâm đến những "lời nói vô nghĩa" như trên. Chúng ta chỉ có hai bàn tay, làm sao có thể bụm miệng thế gian cho xuể? Thôi thì kệ họ đi. Được như vậy thì khỏe quá chừng chừng!  Khỏe re! Còn cố chấp thì nặng như bò kéo xe!  Trong thời Đức Phật còn tại thế, khi Ngài đi khất thực, có người đi theo sau quấy rầy, dùng đủ mọi lời thô tháo, mắng nhiếc, nhục mạ. Ngài vẫn thản nhiên bước đi trong chánh định, như không có chuyện gì xảy ra cả.  Người đó thấy Đức Phật tiếp tục lặng thinh, nên tức giận quá, chặn đường và hỏi:  Này ông Cồ Đàm, có nghe ta nói gì không, có chịu thua chưa? Đức Phật từ tốn nói bài kệ như sau: 
 Người hơn thì thêm oán.
Kẻ thua ngủ chẳng yên.
Hơn thua đều xả hết.
 Giấc ngủ được an lành. 

Như vậy, nếu chúng ta không quan tâm đến chuyện hơn thua, không chấp những lời nói vô nghĩa, những câu văn, ngôn ngữ, bài viết xuất phát từ lòng hận thù, ganh tị, đố kỵ, ghen ghét, ai muốn nói gì cũng chẳng sao, ai muốn nghĩ gì cũng được, thì chắc chắn chúng ta sẽ không phiền não và khổ đau, ngày ăn cơm ngon lành, tối đến ngủ thẳng giấc. Chẳng hạn như khi chúng ta đi ăn tiệc, mãn tiệc ra về, chủ nhà gói quà biếu tặng, nhưng chúng ta không nhận, thì chủ nhà đương nhiên phải giữ món quà đó lại.
 
Cũng vậy, người đời thường "tặng" chúng ta những lời khen, tiếng chê đầu môi chót lưỡi, chúng ta "không nhận", thì chẳng ảnh hưởng gì, sẽ được an giấc ngủ. Nếu nhận lời khen, dù biết là không đúng, thì cũng khoái chí quá ngủ chẳng được. Nhận tiếng chê, tiếng chì, tiếng bấc, dù biết là đúng, thì cũng bực dọc quá, bực bội quá, bực mình quá, bực tức quá, tức nhiên ngủ cũng chẳng được. Như vậy, nếu chẳng những nhận vào tâm thức những lời khen, tiếng chê, còn quyết tâm sống để dạ chết mang theo, thì chúng ta ngu hay không ngu?  Kệ họ nói gì, nghĩ gì thì có phải là khỏe biết mấy! Người ta nói lời khen, tiếng chê xong rồi, họ về nhà quên mất, ngủ thẳng cẳng. Còn chúng ta cứ nhớ mãi, nhớ mãi, còn đem san sẻ chia sớt cái tâm thần bất an vì những lời khen, tiếng chê đó cho những người thân trong gia đình, vợ chồng con cái, để mỗi người mất ngủ vài đêm giống như mình vậy, thử hỏi chúng ta ngu hay khôn? 
 
Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy: Tắng ái bất quan tâm. Trường thân lưỡng cước ngọa. 
 
Nghĩa là nếu những chuyện thương thương ghét ghét chẳng bận lòng, chẳng đem vào tâm thức, thì chúng ta sẽ nằm thẳng hai chân ra mà an giấc ngủ, giấc ngủ được an lành, khỏi phải trằn trọc suốt canh trường, nằm đếm số từ một đến vài trăm ngàn! Thiệt là khỏe re! Khỏe ru bà rù!  Trong tam tạng kinh điển, Đức Phật có dạy về "pháp nhẫn ba la mật". Nếu thực sự chúng ta biết được, hiểu được và thực hành được như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi phiền não và khổ đau, chúng ta sẽ sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc ngay trên thế gian đầy tranh chấp này. 
 
Thế nào là "pháp nhẫn ba la mật"? 
Đó là phương pháp nhẫn nhịn, kham nhẫn, chịu đựng mọi chuyện trên đời, mọi cơn sóng gió của thế gian. Đó là phương pháp "nhẫn nhịn mà không thấy nhục nhã"  như người đời thường nghĩ. Bởi vì, nếu nhẫn nhịn mà còn thấy là nhục nhã, thì chúng ta chỉ có thể nén giận để nhịn, chắc là không lâu, không quá ba lần. Chúng ta nên nhận định một cách sáng suốt rằng những lời thị phi "không có nghĩa" gì cả, cho nên chúng ta "không cần chấp" làm gì. Chúng ta không chấp vào những lời nói, phê bình, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, vu khống, vu cáo, thay trắng đổi đen, lộng giả thành chơn, thì chắc chắn chúng ta sẽ an ổn, bình yên, không ai xâm phạm được. 
 
Thí dụ như khi người ta đưa lửa tới đốt, chúng ta đưa bổi ra đón, lửa có điều kiện cháy lớn hơn.  Nếu chúng ta không đón ngọn lửa do người ta đem tới, thì ngọn lửa đó chỉ đốt hư không mà thôi, hư không không có gì để đốt cháy được, lúc nào đó lửa cũng sẽ tắt queo, không gây thiệt hại gì!  Cũng vậy, khi bị người khác công kích, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, chúng ta không chấp vào đó, coi chuyện đó là những chuyện "đương nhiên phải có" ở thế gian đầy tranh chấp, ganh tị, đố kỵ, chúng ta sẽ an ổn, bình yên, không ai xâm phạm được.
 
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: đó là "thập như thị", tức là mười thứ như thị, gồm có: như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.
 Nghĩa là: do tâm tánh của con người như vậy cho nên hình tướng của con người là như vậy; do bản thể của con người như vậy cho nên nghiệp lực của con người là như vậy; do tạo tác của con người như vậy gây ra nghiệp nhơn như vậy cộng thêm nghiệp duyên như vậy cho nên nghiệp quả của con người là như vậy; vì nghiệp báo của con người như vậy cho nên từ xưa đến giờ cứu cánh của con người cũng là như vậy.  Hiểu được mười điều đương nhiên như thị, như thế, như vậy, tức là chúng ta đã thấy tột chơn tướng của mọi pháp trên thế gian này. Được như vậy, được như thế, được như thị, chúng ta sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc, bởi vì chúng ta đã giác ngộ và giải thoát. Nhưng làm thế nào thực hành được pháp nhẫn ba la mật?
 
Câu trả lời đó là: "Người muốn thực hành được pháp nhẫn ba la mật, phải đạt được trạng thái vô ngã". 
 
Trước hết, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người không còn chấp "cái ta" tầm thường, như mọi người trên thế gian này thường chấp. Người đời thường chấp, thường cho rằng, tấm thân tứ đại mấy chục ký lô chính là "mình", chính là "ta". Khi được hỏi mình là ai, người đời thường chỉ ngay ngực, hay chỉ vào tấm thân tứ đại nặng nề và trả lời: Ta đây nè!  Cho nên, hể ai đụng đến "ta", thì phải phản ứng ngay, phải đối phó ngay, nhịn không nổi, nín không được. Trái lại, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tấm thân, do đất nước gió lửa hợp thành này, không phải là "ta" thực sự. Đó chỉ là cái trạm dừng tạm thời của kiếp này, trong vô số kiếp, của "ta" mà thôi.  Đến khi mãn kiếp này đời này, "ta" sẽ bỏ lại cái tấm thân đó mà ra đi, tìm cái thân xác khác, trong sáu nẻo luân hồi. Nếu không khéo, do lòng tham lam lâu đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con heo, hoặc do lòng sân hận lâu đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con rắn mãng xà, hay do lòng si mê lâu đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con bò, thì khốn khổ biết là bao nhiêu.

Sở dĩ gọi đó là "tấm thân tứ đại", do "đất nước gió lửa" hợp thành, bởi vì nếu không có những chất từ đất ra như thức ăn, những chất từ nước như thức uống, những chất từ gió như dưỡng khí, những chất từ lửa như hơi ấm, bồi bổ liên tục mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, thì chúng ta đã vong mạng từ lâu rồi vậy.  Đó chỉ là "tấm thân tứ đại", không phải thực là "ta" vậy. 
 
Thứ đến, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tâm trạng của mình luôn luôn thay đổi trong từng sát na, trong từng giây phút. Những tâm niệm, những suy tư, nghĩ tưởng trong giây phút trước đây, bây giờ đã khác đi hay không còn nữa. Tâm tánh của mình có khi hiền thiện như thánh nhơn, cũng lắm khi độc hại còn hơn ác quỉ. Mình chỉ thấy mọi người khác gian ác, mọi người khác nguy hiểm, mọi người khác sai lầm, đáng bị trừng phạt, đáng bị bỏ tù, đáng bị xử tử, để cho xã hội này, cho thế gian này, trong đó có mình, được sống bình yên, được hưởng sung sướng! Con người thường thấy là mình đúng, khi đòi hỏi phải trừng phạt thật nặng, đòi hỏi phải bỏ tù rục xương, đày đọa địa ngục, xô xuống hỏa ngục, những người khác phạm tội ác.

Con người thường suy nghĩ, sáng chế, yêu cầu thi hành những hình phạt ghê rợn nhất để trừng phạt, trừng trị đích đáng những phạm nhân đã sát hại thân nhân mình và nghĩ rằng người quá cố sẽ vui lòng nơi suối vàng. Thực ra, đó là tâm trạng của chính mình muốn như vậy mà thôi. Người đã chết có nói gì đâu, có yêu cầu gì đâu, có đòi hỏi gì đâu?  Bởi vậy có câu: "Suy bụng ta ra bụng người... chết! ". Mấy ai nghĩ được rằng: nếu làm như vậy, cả hai gia đình phạm nhân và nạn nhân cũng đều thiệt hại một nhân mạng, đều cùng đau khổ như nhau.  Thỉnh thoảng báo chí cũng có đăng các tin rất cảm động, gia đình nạn nhân xin giảm tội, xin xử nhẹ tội, hay xin tha tội cho phạm nhân. 
 
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: 
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan. 
 

Con người thường nhân danh công lý, nhân danh tôn giáo, nhân danh lẽ phải, nhân danh thượng đế, nhân danh đủ các thứ có thể nhân danh được, để kết án, kết tội, trừng trị tất cả mọi người khác. Còn nếu mình phạm tội thì đáng được tha thứ, phải được tha thứ, người khác thì không đáng được! Cái chỗ bất công này là nguyên nhân chính, đưa tới xáo trộn, biến loạn trong xã hội là như vậy. Cuối cùng, người đạt được "trạng thái vô ngã" chính là người không còn chấp "cái ta" tầm thường như mọi người trên thế gian này thường chấp. Người đạt được"trạng thái vô ngã" người hiểu rõ ràng rằng: "ta" không phải là  cái thân tứ đại nặng nề, và cũng không phải là cái tâm suy nghĩ lăng xăng lộn xộn thường ngày, bởi vì những thứ đó bị vô thường chi phối, nay còn mai mất, chợt hiện chợt biến, không tồn tại vĩnh viễn. 
 
Như vậy, "cái gì" tồn tại vĩnh viễn, không bị vô thường chi phối, "cái gì" bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, theo như Đức Phật chỉ dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh? Đó chính là "cái ta chơn thật", đó chính là "con người chơn thật" của tất cả chúng ta. Mục đích cứu kính rốt ráo tột cùng của Đạo Phật chính là nhằm khai mở, chỉ bày "con người chơn thật" đó cho mọi người biết được, hiểu được, ngộ được, nhập được, sống được. Người nào được như vậy tức là được giác ngộ và giải thoát, được an lạc và hạnh phúc hiện đời. 
 
Trong kinh sách, Đức Phật có dạy:  "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". 
Nghĩa là trên trời dưới đất chỉ có "cái ta chơn thật" là điều độc nhứt đáng tôn trọng, đáng trân quí mà thôi. Cũng trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật có dạy: 
Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn. 
 Nghĩa là: Nếu chúng ta ngộ được, nhập được, sống được bằng "con người chơn thật" không tướng mạo, nên không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không kẹt nhị biên, thể nhập bất nhị pháp môn, thì tâm chúng ta không bị bất cứ cái gì có thể khủng bố, nên không còn sợ hãi, do không còn sợ hãi nên không có gì có thể khiến cho mình kinh khiếp hoảng sợ, chúng ta xa lìa được tất cả các chuyện điên đảo đảo điên, các chuyện mộng mơ mơ tưởng, các chuyện không thực ở thế gian, cuối cùng đạt được cảnh giới niết bàn vô sanh, không còn phiền não khổ đau, không còn sinh tử luân hồi. 
Đó mới chính thực là mục đích cứu kính của người theo đạo Phật bằng trí tuệ bát nhã. 

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng: Người nào ôm ấp tâm niệm nó mắng tôi, nó chửi tôi, thì không phải là người trí, chỉ chuốc khổ vào thân thôi. Người nào không ôm ấp những tâm niệm như vậy, thì người đó dẹp được lòng sân hận. Nghĩa là chúng ta đã thấy rõ như trên, bất cứ ai dù bị mắng chửi, bị mạ lỵ hay không bị mắng chửi, không bị mạ lỵ, mà cứ ôm ấp tâm niệm đó trong lòng, thì chỉ chuốc lấy phiền não và khổ đau cho chính mình, có khi còn đem lại bất an cho gia đình, cho những người chung quanh nữa mà thôi. 
 
Trong suốt những năm dài thuyết pháp độ sanh, Đức Phật luôn luôn khuyến khích mọi người nên thực hành hạnh nhẫn nại, nhẫn nhịn đến mức rốt ráo, cao tột, trong kinh điển gọi là "pháp nhẫn ba la mật". Đức Phật luôn luôn hành pháp nhẫn nại, dù lắm khi Ngài cũng bị chỉ trích, bị chửi mắng, thậm chí bị tấn công. Nhẫn nại không bao giờ là dấu hiệu của sự yếu đuối, ươn hèn, kém cỏi, chủ bại, đầu hàng, nhục nhã. Trái lại, nhẫn nại là sức mạnh bất khuất, sức mạnh vạn năng, sức mạnh vô song của người tự chủ, của người đã ngộ được và sống được với "cái ta chơn thật", cho nên không còn sợ bị chúng khinh khi, không còn sợ chúng "được đằng chân lân đằng đầu", không còn sợ chúng "được nước làm tới". Tại sao vậy?  Bởi vì "cái ta chơn thật" không phải là tấm thân tứ đại, không có tướng mạo, cho nên không ai có thể xâm phạm được. Điều nên sợ, đáng sợ chính là mình không thể kham nhẫn được, không thể chịu đựng nỗi, không thể tự thắng mình, không thể tự chủ được bản thân và bản tâm mình trước những thử thách, trước những sóng gió của cuộc đời mà thôi. 

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: 
Chiến thắng trăm ngàn quân không bằng tự thắng mình.
Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhứt. 
Nghĩa là chúng ta kham nhẫn được, thực hành được "pháp nhẫn ba la mật" là chúng ta đã "tự thắng tâm mình" rồi vậy. 

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng có dạy:
Hãy dứt trừ hết các tâm xấu của chính mình: tâm ghen ghét, tâm tà vạy, tâm vị ngã, tâm giả dối, tâm ngạo mạn, tâm khinh người, tâm tà kiến, cùng tất cả những hạnh bất thiện trong mọi thời mọi lúc, hãy luôn luôn thấy lỗi mình, không nói chuyện tốt xấu của người. Thấu hiểu được và thực hành được lời dạy trên đây của Lục Tổ thì không cần phải hỏi làm sao để cuộc sống được an lạc và hạnh phúc. Đó chính là an lạc và hạnh phúc vậy.  Trong vô lượng pháp môn tu theo đạo Phật, chỉ cần tu hạnh "nhẫn nhục ba la mật", nghĩa là "nhẫn mà không thấy nhục", thì cũng đạt đến chỗ cứu kính gọi là "vô sanh pháp nhẫn". 
 
Vô sanh pháp nhẫn là công phu tu chứng do sức kham nhẫn, sức chịu đựng được muôn pháp trên thế gian xảy đến, mà chúng ta không sanh khởi một niệm nào cả trong tâm trí.  Tâm trí luôn luôn thanh tịnh, an ổn, tự tại, không xáo trộn, không lay động. Muôn pháp trên thế gian này không ngoài tám thứ, chia làm bốn cặp, đó là: "lợi và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc". Tám thứ đó còn gọi là "Bát Phong", hay tám ngọn gió của thế gian, không bao giờ ngừng thổi, hết cơn gió này lại đến cơn gió khác. Khi gió thổi hiu hiu, nhè nhẹ, chúng ta có thể kham nhẫn nổi một cách dễ dàng. Thí dụ như những lúc tai họa xảy tới chút đỉnh, gặp vài chuyện xui xẻo nho nhỏ, bị các chuyện thị phi không đáng kể, nhưng nhờ có những phước báo đã làm từ nhiều đời trước và ngay cả đời này, cho nên chúng ta có thể lướt qua dễ dàng. Hoặc là những lúc được lợi lộc nho nhỏ tới, được những lời khen tặng tán dương, hay những chuyện vui nho nhỏ xảy ra, chúng ta cũng bị động tâm, khó giữ được sự thanh thản bình yên.
 
Khi gió thổi thành những trận cuồng phong, gây tổn thất không thể lường được. Đó là những lúc tai họa lớn xảy đến dồn dập, họa vô đơn chí, nhẹ thì tan nhà nát cửa, nặng thì mất mạng. Chẳng hạn như vừa bị bệnh hoạn, vừa mất công ăn việc làm, vừa gặp tai nạn xe cộ, vừa gặp hỏa hoạn thiêu rụi nhà cửa, vừa bị chúng kiện đòi bồi thường bạc triệu! Hoặc những lúc tán gia bại sản, làm ăn thua lỗ, những lúc bị chúng bêu xấu, làm nhục trước công chúng, làm mất thanh danh, gây tai tiếng, bị chúng phỉ báng, vu khống, vu cáo, vu oan giá họa. Trong những trường hợp như vậy, chắc chắn chúng ta thế nào cũng bị động tâm, loạn tâm, điên cuồng, chán đời, bi quan, yếm thế, không thể giữ được sự thanh thản, bình yên, thanh tịnh được. 
 
Người đạt được "vô sanh pháp nhẫn" là người kham nhẫn, chịu đựng nổi "bát phong" của cuộc đời, còn gọi là người "bát phong xuy bất động". Nghĩa là con người trải qua tám gió nói trên mà vẫn như như bất động. Đó mới chính thực là con người có giá trị chơn thật, bất tùy phân biệt, nam nữ, học thức, địa vị, tướng mạo, dung nghi, xuất xứ, tôn giáo, tuổi tác, sắc tộc, địa phương, thời gian, tu sĩ, cư sĩ, đồng cư trên thế giới ta bà này. 
 
Tóm lại, con người tuy có tiền của nhiều, tài sản to, địa vị tốt, bằng cấp cao, kiến thức rộng, danh vọng lớn, tài năng giỏi, đến khi bị suy sụp, đến khi bị hủy báng, đến khi bị phê phán, đến khi bị khỗ nạn, nhưng không giữ được tư cách, không giữ được nhân phẩm, tâm hồn không giữ được bình thản, thanh tịnh, thì ắt không phải là con người có giá trị rồi. Hơn nữa, những thứ như tiền của, tài sản, địa vị, bằng cấp, kiến thức, danh vọng, tài năng, sắc đẹp, hình tướng, phẩm trật, đều là những thứ giả tạm, vô thường, không cố định, luôn luôn biến dịch, luôn luôn thay đổi, cho nên tất cả đều không thể dùng để thẩm định giá trị của con người. 
 
Theo giáo lý của Đạo Phật, con người ở trên thế gian này không được đánh giá qua các cách nhận định, các thước đo, các tiêu chuẩn, các khía cạnh và các căn bản trên đây về cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Con người có giá trị là con người biết ngắm nhìn cuộc đời, biết lắng nghe cuộc đời, biết kham nhẫn và can đảm nhìn thẳng những phiền và khổ đau, biết chuyển hóa tam chướng thành tam nghiệp thanh tịnh.  Con người có giá trị là con người biết chấp nhận tất cả những gì xảy đến với mình từ cuộc đời, từ lúc sống cho đến lúc chết, không mong cầu, không van xin, không sợ hãi, sẵn sàng đón nhận phiền não hay khổ đau, an lạc hay hạnh phúc. Con người có giá trị là con người biết hàng phục tâm mình bằng cách độ vô biên chúng sanh trong tâm thức mình vào niết bàn, mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ và biết an trụ tâm mình bằng cách bố thí, xả bỏ không chấp bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không dính sáu trần sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, như lời

Con người có giá trị con người biết chiến đấu và chiến thắng nội tâm của chính mình, biết trưởng dưỡng tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, biết lấy ân đức đáp hận thù, như lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú. Con người có giá trị là con người biết sống với "tâm bình thường". Kinh sách có câu: "Bình thường tâm thị đạo". Con người có giá trị là con người "đối cảnh vô tâm", tức là con người vẫn sống trong cuộc đời như bao nhiêu người khác, nhưng không có tâm tham sân si, cho nên tâm không loạn động. 
 
Con người có giá trị là con người dám bước chân lên con thuyền không đáy, trôi giạt giữa trời nước mênh mông. Con thuyền đó chính là con thuyền bát nhã, trời nước mênh mông chính là cảnh giới trầm luân, khổ hải vạn trùng ba. Con người có giá trị theo quan niệm của nhà Phật là con người giác ngộ được bản ngã chân thật, bên ngoài không chấp trước, dính mắc chuyện trần đời, mắt trông thấy sắc rồi thôi, tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không, cho nên bên trong không có niệm khởi và giải thoát được những phiền não và khổ đau. 
 
Con người có giá trị là con người bát phong xuy bất động, là con người có cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời. Đó chính là đại sự nhân duyên mười phương tam thế chư Phật thị hiện ở đời, để khai thị cho con người ngộ nhập vào chân lý bất biến của vũ trụ vậy.
 
TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
Kính mời quí vị tham khảo thêm những bài viết sau đây:
Y NGHĨA BẤT Y NGỮ
ÂN OÁN CÕI ĐỜI
LỄ KÍNH CHƯ PHẬT
PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN
PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG
PHẬT TÂM PHẬT TƯỚNG (PHTQ 14)
PHẬT PHÁP NHIỆM MẦU
PHƯỚC BÁU