TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Sunday 20 January 2019

Dâng sớ cầu an & Cúng sao giải hạn


Inline image

Thắc mắc:
Ý chí và nội lực của con người có hạn. 
Khi con người bị đặt trước một tình thế quá sức hay quá giới hạn của ý chí và nội lực, thời phải cầu khẩn thần linh. 
Sai chỗ nào? 
Nếu không sẽ hết hy vọng.
Hồng Lĩnh

  
VP.PHTQ.CANADA:
Sai ở chỗ: cầu khẩn có được gì đâu?
Hy vọng được Chúa, được Trời,

được Phật ban cho phước lành là u mê
do tâm tánh ích kỷ.
Tại sao Chúa Trời Phật lại ban cho

người van xin cầu khẩn,
không ban cho ai khác?
Người van xin đó có xứng đáng hay chăng?
Xưa nay, có ai cầu gì được nấy chăng?
Trong thế chiến 2, 
hai phe đối nghịch đều cầu khẩn 
Thiên Chúa
Chúa giúp cả hai phe
cho nên hai phe đều te tua tơi tả.
 
Hiện nay,
Hoa Kỳ và Nga sô đối đầu, đều theo
Thiên Chúa.
Thiên Chúa sẽ ban cho thế chiến 3 chăng?
 

Dâng sớ cầu an & Cúng sao giải hạn
TK .Thích-Chân-Tuệ
VP. Phật-học Tịnh-Quang Canada


 Tối 13/2, hàng nghìn người tập trung trước chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Hà Nội) để tham gia lễ giải hạn sao La Hầu (Ảnh: Lê Nguyên)
 **
Dâng sớ cầu an 
Tiền mất tật mang
Cúng sao giải hạn
Tai nạn vẫn tới

Thiền môn chân chánh
Dạy người thực hành
Tu tâm dưỡng tánh
Theo bát chánh đạo

Việc ác không làm
Nên làm việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Như chư Phật dạy
 
Trong đời sống này,
dù đông hay tây, Việt Tàu Phi Ấn, Anh Pháp Mỹ Nga, hễ là người ta, không hề phân biệt, dù nam hay nữ, biết chữ hoặc không, tông môn giáo phái, tín đồ tu sĩ, bác sĩ luật sư, xuất xứ ngành nghề, trẻ già bé lớn, thường dân quan chức, học thức ít nhiều, không điều riêng tư, da trắng da đen, da vàng da đỏ, không bỏ một ai, thảy đều thường gặp:

Những chuyện may rũi, chuyện được chuyện mất, chuyện hên chuyện xui, chuyện vui chuyện buồn, luôn luôn thay đổi, trong mỗi phút giây, lúc được tán thán, khi bị phỉ báng, nhiều khi chán ngán, cái cảnh tình đời, lúc được lên voi, khi bị xuống chó, không ai thèm ngó, vợ bỏ con chê, lúc được lên hương, khi bị lọt mương, hết đường chạy chọt, lúc được hiển vinh, khi bị tủi nhục, ở tù rục xương, lúc được sung sướng, khi bị khổ đau, không sao kể xiết.  

Những lúc vui sướng, cuộc đời lên hương, chỉ biết thụ hưởng, phủ phê hỉ hả, không nhớ gì cả. Nhưng khi quá khổ, chịu đựng không thấu, tranh đấu đảo điên, khổ nạn liên miên, bấy giờ mới nhớ, đến chuyện cầu nguyện, khấn vái thần linh, van xin bồ tát, khẩn cầu thượng đế, ban cho phép lành, dành cho phép lạ, hy vọng cầu may, đổi thay vận mệnh.

Bởi vậy cho nên, mỗi dịp đầu năm, sau tết nguyên đán, mùng tám tháng giêng, người ta thường hay, chạy ngay vào chùa, nhân mùa thượng ngươn, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, cầu cho nạn khỏi, cầu cho tai qua, cầu cho toàn gia, bình an vô sự, kể từ đầu năm, chí những cuối năm.
Sẵn dịp trăng rằm, cầu luôn đủ thứ: nào được buôn may, gặp hên bán đắt, một vốn bốn lời, nhất bổn vạn lợi, không đợi kiếp sau, kiếp này trúng số, con cháu đỗ đạt, tiền bạc như nước, sắm xe tậu nhà,
tha hồ sung sướng.
Các chuyện cầu nguyện, van xin cầu khẩn, khấn vái như vậy, có thực hay không, có được gì không? 
 
Người thì nói có, hễ cầu thì được, linh ứng vô cùng, nên tin là có, mất mát gì đâu. Kẻ lại nói không, trông chi chuyện đó, nằm mơ thì có, mở mắt tay không, không vẫn hoàn không, uổng công dâng sớ, mất tiền cúng sao, mau mau tỉnh thức! Tại sao như vậy? Bởi vì, thử hỏi: Sớ kia ai đọc? đọc cho ai nghe? chấp nhận hay không? thực không ai biết! Sao nọ ở đâu? ảnh hưởng thế nào? thực không ai biết! 

Hãy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau, xét thử xem sao, cái chuyện đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, có đúng chánh pháp, có ích lợi gì, thực tế hay không? Thực ra nếu như, người ta tu nhân, tích phước nhiều đời, từ trước đến nay, thì được gặp may, không cần cầu nguyện, chẳng cần van vái, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Những người đạo khác, đâu có bận tâm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng họ có phước, họ vẫn gặp may, tiêu tai khỏi nạn, tam tai đại hạn, chẳng nghĩa lý gì, chẳng cần cúng sao, tào lao quá xá!
Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Bởi theo thông lệ, từ xưa tới nay, nhiều người thường hay, vào chùa đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng mà tai nạn, vẫn tới ào ào, làm sao giải thích? Theo đúng chánh pháp, chúng ta phát tâm, giúp đời giúp người, gặp chuyện khó khăn, khốn khó khổ đau, cùng nhau tu tập, hạnh nguyện bố thí, tài thí pháp thí, cùng vô úy thí, cứu nhân độ thế, giúp đỡ tiền của, giúp công giúp sức, giúp lời chỉ dẫn, khuyên lơn an ủi, cho người bớt lo, cho đời bớt khổ, bớt cơn sợ hãi, thấy đâu là phải, việc đúng thì làm, đúng với chánh đạo.

Làm được như vậy, chúng ta được phước, dù không mong cầu, chắc chắn không nghi. Khi tích được phước, dù ít hay nhiều, phước báo lai đáo, nghiệp báo tiêu trừ, chúng ta gặp may, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, tưởng như phép lạ. 

Thử xét thí dụ:
trên chuyến phi cơ, xe hơi xe lửa, xe đò tàu thủy, chỉ khi gặp nạn, mới biết người nào, có phước bao nhiêu. Người nào phước nhiều, thoát nạn hiểm nguy, đường tơ kẻ tóc, một cách lạ lùng, hoàn toàn an ổn, người đời cho là: phép lạ hiển linh, thần linh cứu độ, người đó số hên, cho nên mạng lớn. Người nào kém phước, cũng được người cứu, chậm hơn một chút, xây xát ít nhiều, người đời cho là: người đó cũng hên, nên còn cứu kịp. Người nào vô phước, rước họa vào thân, các kẻ ác nhân, làm việc thất đức, không chịu tích phước, chẳng chịu tu nhân, thân không giữ được, người đời cho là: tới số mạng vong, không ai cứu nổi! 

Lúc gặp hiểm nguy, người cầu Đức Mẹ, kẻ khấn Quán Âm, lâm râm cầu nguyện. Nếu như cả hai, cùng được thoát hiểm, vị nào cứu họ? Còn nếu cả hai, đều bị thảm tai, chúng ta thử hỏi: Hai ngài ở đâu, chẳng nghe kêu cứu? Bác ái từ bi, sao nghe chẳng cứu?  Thực ra đó là: chẳng có vị nào, cứu hay không cứu, các người gặp nạn. Chúng ta nên biết, sự thực chính là: chỉ có phước báu, do ở thiện tâm, cứu giúp con người, khi gặp tai biến, dù ở nơi đâu, trên đất trên không, trên sông trên biển. Còn phước thì sống, hết phước mạng vong, đừng mong cầu khẩn, hãy mau giác ngộ.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
Chỉ có phước báo, mới có thể làm, giảm thiểu nghiệp báo. Phước báo là do, việc làm phước thiện, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế ban cho, hay do cầu nguyện. Nếu cầu nguyện được, tại sao nhiều người, cùng cầu cùng nguyện, kẻ chết người sống? kẻ qua người vướng? 

Chúng ta nên biết, sự thực chính là: người nào tích phước, từ trước đến nay, không cần cầu nguyện, cuộc đời cũng an, ít gặp nguy nan, ít có sóng gió, ít có trắc trở, đở bớt phiền muộn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó hoá dễ. Khi tích phước đức, dù ít hay nhiều, đều được hưởng phước, rước được điều may, không hay thất bại, tại thế an vui, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, không chuốc ưu phiền, người hiền thường gặp, bệnh tật tiêu trừ, tưởng như phép lạ. Còn như cầu nguyện, mà không tích phước, thì cũng như không, chẳng nên trông mong, phép lạ xảy đến!  

Nghiệp báo cũng do, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế thần linh, hay bất cứ ai, xúi bảo mình làm. 

Chính do tâm tham, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin tiền tài, giàu sang sung sướng, một chút phẩm vật, nhỏ nhoi chút xíu, dâng cúng cho chùa, nhà thờ đền miếu, cầu xin bạc triệu, liệu còn chưa đủ, ngủ nghỉ ăn uống, muốn danh muốn lợi, tài sắc phù du, muốn tu nên bỏ.

Chính do tâm sân, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin thắng kiện, tàn hại kẻ thù, triệt hạ đối thủ, người họ không ưa, vui mừng khi thấy, kẻ thù thê thảm, sống trong khổ nhục, chết cũng không xong, họ mới hài lòng.

Chính do tâm si, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu nguyện vãng sanh, tây phương cực lạc, mà không cần tu, không gìn giữ giới, ngay trong hiện đời, đợi lúc hấp hối, nói với người nhà, rước nhiều ông bà, đến nhà hộ niệm, chỉ niệm mười tiếng, liền khiến được lên, cảnh giới Di Đà: thiệt là vô minh!  

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy,
thí dụ như sau:
Nếu một người nào, phải bị trừng phạt, nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ, biết là dường nào. Nếu bỏ nắm muối, vào một tô nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, hơn một chút xíu. Nếu bỏ nắm muối, vào một lu nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, nhiều hơn chút nữa. Nếu bỏ nắm muối, vào một hồ nước, rồi mới uống vào, thì dễ như không, không còn lớn chuyện.

Nắm muối tượng trưng, cho các nghiệp nhân, bất thiện chẳng lành, con người đã tạo, từ trước đến nay, bây giờ phải lãnh, nghiệp quả nghiệp báo, nói chung đó là: quả báo khổ đau, không sao tránh khỏi. Chỉ có phước báo, ít hay là nhiều, tượng trưng tô nước, lu nước hồ nước, mới có thể giúp, con người vượt qua, sóng gió ba đào, nạn tai đau khổ, như vậy mà thôi. Đó mới thực là: chí công vô tư.
Mình làm mình hưởng. Mình làm mình chịu. 

Con người nên lo, dừng nghiệp chuyển nghiệp, tự mình suy xét, chính bản thân mình, đừng nhìn người khác, tu sửa ba nghiệp: thân khẩu và ý, đừng làm bậy bạ, đừng nói tốt xấu, đừng nghĩ vẫn vơ, ngay từ bây giờ, đừng đợi đến khi, nghiệp báo xảy ra, dù có rên la, không còn kịp nữa, nghiệp báo vay trả, chẳng ai thoát cả, van xin cầu khẩn, thì cũng muộn màng! Cầu nguyện van xin, dù tin hay không, thực sự chẳng giúp, chẳng ích gì đâu. Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Dù cho lên non,
xuống biển vào hang,
nghiệp báo đã mang,
vẫn theo con người,
như hình với bóng,
không ai có thể,
tránh được thoát được.

Tóm lại xưa nay, cuộc đời đổi thay, vui buồn sướng khổ, cũng tại con người, tạo phước cũng có, tạo nghiệp cũng có, tạo phước hưởng phước, hưởng phước báo lành, tạo nhân lãnh quả, nhân thiện quả hiền, nghiệp ác quả dữ. Đúng luật nhân quả, áp dụng ba đời: quá khứ hiện tại, và cả vị lai, chẳng hề sai chạy, chẳng vị nể ai, bất cứ người nào, dù tin hay không, nếu đã gieo nhân, cũng đều gặt quả. Trong sách có câu, cổ nhân thường dạy: Lưới trời tuy thưa, mà chưa ai thoát. Chữ "trời" có nghĩa: nghiệp báo đã mang, đến giờ phải trả, chưa ai thoát được.

Thượng đế thần linh, ơn trên thiêng liêng, chí công vô tư, không bao giờ làm, theo lời cầu nguyện, van xin khấn vái, của những con người, chẳng tích phước đức, lại gây ác nhân, thất đức vô cùng.

Chẳng hạn như là: nay đâm bị thóc, mai thọc bị gạo, vu khống cáo gian, khai man lý lịch, lợi dụng pháp luật, xúi người kiện tụng, lợi dụng thần thánh, kiếm tiền bất chánh, giựt hụi quịt nợ, sang đoạt tài sản, chiếm hữu tác quyền, làm tiền trắng trợn, hung tợn hiếp người, bần cùng cô thế, bất kể khổ đau, của bao người khác. 

Ngày xưa chư Tổ, có lòng dạy dỗ, con người phát tâm, làm lành lánh dữ, tạo nên phương tiện, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Mục đích khuyến dụ, mọi người về chùa, cúng kiến lễ lạy, mong cầu an tâm, gia đạo hòa bình, tánh tình hướng thiện, rồi nhân dịp đó, truyền bá chánh pháp, thuyết giảng giáo lý, chỉ bát chánh đạo, đó là:
chánh kiến, và chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, cùng là chánh mạng, và chánh tinh tấn, chánh niệm chánh định, giảng luật nhân quả, giải lý vô thường, phước đức công đức, phước báo quả báo, đọc tụng kinh điển, chí tâm tu tập, dạy các pháp môn, niệm Phật ngồi thiền, hiền lành tạo phước, việc thiện làm trước, từ khước ác nhân, tu tâm dưỡng tánh, giúp đỡ con người, giác ngộ chân lý, thấy được sự thực, giải thoát khổ đau, xây dựng cuộc sống, an lạc hạnh phúc.

Ngày nay chúng ta, tâm Phật tâm ma, lẫn lộn khó phân, cho nên tạm dùng, phương tiện thiện xảo, cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, khi còn hoang mang, tâm thường bất an, gian nan khốn khổ, không chỗ nương tựa, vì chưa hiểu đạo, chẳng biết làm sao, thực hành thế nào, cho đúng chánh pháp.

Giờ đây thấu hiểu, rõ ràng không nghi, đâu là chánh pháp, chúng ta phát nguyện: dừng nghiệp chuyển nghiệp, quày đầu hướng thiện, quyết tâm trì chí, ý hướng tu hành, tu tâm dưỡng tánh, tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện, giữ tâm thanh tịnh, tích cực chuyển hóa, cuộc sống tâm linh, của bản thân mình, ngày được tốt hơn, tâm được an hơn, cuộc sống tốt hơn, an lạc hạnh phúc.
Như vậy thực tế, những người xung quanh, cùng chung phúc lạc, cho đến một ngày,
ngộ được chánh đạo, đạt được đỉnh cao:
niết bàn giải thoát.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
cutranlacdao@yahoo.com
 


Suy Ngẫm
Con người do tâm ích kỷ, muốn nhà chùa phục vụ
miễn phí,
việc gì cũng chỉ nghĩ đến cho riêng mình,
gia đình mình, dòng họ mình được vạn sự may mắn, thuận lợi.
Con người muốn được sự may mắn lớn trong đời
nhưng không muốn chi tiền cầu an cầu siêu
cúng sao giải hạn.
Con người muốn được lên cực lạc miễn phí,
được giải hạn miễn phí,
không tốn kém,
nhưng không muốn tu tâm dưỡng tánh.
Con người không nghĩ đến
việc cuộc sống sao cho lương thiện, sống với lương tâm,
sống với tâm từ bi hỷ xả,
Con người không biết rằng việc tu tâm tích phước
tạo được phước báo.
Chính phước báo do chính mình tạo nên
giúp mình tai qua nạn khỏi.
Cầu nguyện thực ra có ai được gì đâu?
Buông bỏ tâm ích kỷ,
con người sẽ tự giải thoát khỏi những ràng buộc
thế gian thường tình và được an nhiên tự tại.[]
 

Bàn về việc cúng sao giải hạn đầu năm.
Đâu là cách giải hạn tốt nhất?
 Nên nhớ rằng:
Quan niệm hay tín ngưỡng dân gian
không phải là chân lý,
không đúng trên thực tế,
và không phải giáo lý của đạo Phật

Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán,
khắp các ngôi chùa lại tấp nập người dân đến cúng sao, giải hạn, cầu an. Những ngôi chùa có tiếng như Quán Sứ, Phúc Khánh, lượng người đến đông tới mức tràn ra kín đường, gây tắc nghẽn giao thông.
Mặc cho thời tiết giá lạnh,
hàng nghìn người vẫn “thành tâm” đứng lẩm nhẩm khấn vái theo lời sư trụ trì.

Từ quan niệm biến thành nhu cầu tâm linh…
Theo quan niệm dân gian,
có 9 ngôi sao chiếu mệnh con người, trong đó có
4 sao tốt và 5 sao xấu.
Các sao tốt ở đây là sao Thủy Diệu,
sao Thái Dương, sao Thái Âm và sao Mộc Đức.
Còn về các sao xấu, đó là sao La Hầu, sao Thổ Tú,
sao Kế Đô, sao Thái Bạch và sao Vân Hán.
Tùy theo vòng luân chuyển, hàng năm lại có một vì sao chiếu mệnh vào một tuổi của từng người, mỗi tuổi lại có sao chiếu tương ứng hoặc tốt hoặc xấu.

Quan niệm dân gian cho rằng,
nếu được sao tốt chiếu mệnh thì năm đó bản mệnh sẽ gặp nhiều chuyện thuận lợi, tốt đẹp, còn nếu không may gặp phải sao xấu thì gặp nhiều xui xẻo, trắc trở.
Chính vì thế mà người ta có lễ dâng sao giải hạn,
gặp sao tốt thì cầu cho bình an phúc lành,
còn gặp sao xấu thì lập đàn cúng sao giải hạn,
mong hóa giải được những điềm hung hạn sắp tới.
 Dần dà, quan niệm này ảnh hưởng đến đa số người dân Việt Nam và biến thể thành nhu cầu tâm linh.
Ai cũng mong muốn năm mới đến được đón cát lành, đuổi hung hạn.
Vậy nên cứ tới dịp rằm tháng Giêng là các chùa đền lại tổ chức giúp người dân làm lễ dâng sao giải hạn.
Cho dù không có hạn gì trong năm, được sao tốt chiếu mệnh thì người ta vẫn quan niệm
“Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”
nên vẫn tới chùa làm lễ cầu an,
mong những điều an lành sẽ tới với cả gia đình.

… đến biến tướng thành “thương mại” tâm linh.
Trong một xã hội đầy biến động
và bất ổn như ngày nay, con người dường như luôn cảm thấy “tai họa” đang rình rập khắp nơi.
Những con số thống kê về tai nạn giao thông, chém giết, bệnh tật, các tệ nạn ngày một gia tăng, khiến nhiều người luôn “canh cánh” nỗi lo thường trực.
Lòng tin trong xã hội giảm sút, con người ngày càng
dè chừng nhau, sinh thêm ra nỗi lo bị chơi xấu,
mất chức quyền, bị lừa lọc.
Nếu “chẳng may” tai hoạ có xảy đến vào đúng năm “xấu”, những tin đồn truyền miệng kiểu như “năm nay sao Thái Bạch”, “tuổi 49 này dữ lắm”, v.v.. lại khiến nhiều người tin rằng sự cố đó là do “sao xấu” chiếu hơn là vì những nguyên nhân khác.
 Dần dà, sự ám ảnh ngày một lan rộng và in vào tâm thức, khiến tập quán dâng sao, giải hạn ngày một biến tướng thành sự mê tín dị đoan,
trở thành công cụ bị lạm dụng.
Chẳng biết từ bao giờ mà người ta kháo nhau phải dâng cúng, lễ lạt thật to, thật đầy thì mới chứng tỏ được sự “thành tâm”, càng giải được hạn, càng được hưởng nhiều lộc.
Nhiều gia đình giàu có và nhiều công ty sẵn sàng chi hàng chục triệu thuê thầy cúng về làm lễ.
Nhiều người dù gia cảnh khó khăn nhưng cũng phải cố gom góp chạy vạy để sắm cái lễ tươm tất.
Nhiều người cũng dần bị cổ súy theo suy nghĩ cúng sao thì phải đến chùa nào 
“linh” mới “ứng nghiệm”.
 Vậy nên dịp đầu năm, xung quanh các chùa có tiếng như Phúc Khánh, Quán Sứ ở Hà Nội, hàng nghìn người ùn ùn kéo đến làm lễ. Ba chòm sao Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô còn được thiết kế riêng cho từng buổi lễ giải hạn.
Mức giá trung bình cho việc “giải hạn” là 150.000 đồng, nếu thêm “cầu an” thì thêm 100.000 đồng nữa; hoặc có thể chọn làm cho cả gia đình với mức 
500.000 – 600.000 đồng.
 Đó được coi là những mức phổ biến cho số đông. Còn với những người cầu kỳ hơn, muốn cúng tuỳ theo lá số tử vi riêng, tùy vào “mệnh” trong năm tốt xấu mà mức giá có thể lên tới vô cùng.
Ước tính mỗi buổi lễ giải hạn, cầu an như vậy, số tiền người dân bỏ ra cho một ngôi chùa có tiếng có thể lên tới cả tỷ đồng.
 Hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng sẽ được chi tiêu trong công cuộc “hối lộ” Thần Linh để giải vận đen trong cả mùa rằm tháng Giêng trên cả nước như vậy.

Dâng sao giải hạn
không có trong giáo lý nhà Phật.

Trong các kinh thư Phật giáo không đề cập đến việc dâng, cúng sao để giải hạn. Giáo lý nhà Phật dạy về nhân quả, luân hồi, thiện ác hữu báo, những gì tốt hay xấu xảy ra đều có nguyên nhân từ những việc làm tốt, xấu từ trước của mỗi người,
cho nên không thể có việc do ngôi sao nào
chiếu mệnh mà con người nhờ đó lại
được phúc hay gặp họa.
Con người cũng không thể dùng tiền, lễ vật, vài lời khấn bái là có thể dễ dàng “xù nợ”, chỉ là con người luôn dùng tâm của mình đo lường Phật,
cho rằng Phật sẽ hành xử giống như cách nghĩ của mình.
Một số người cho rằng việc dâng sao giải hạn cho dù không phải là điều trong Phật giáo, nhưng cũng có thể thuận theo bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù ở Việt Nam mà nương theo, để người dân theo đuổi nhu cầu tâm linh, giải quyết vấn đề tâm lý.
Nhiều chùa lấy đó làm lý do
để tổ chức những buổi lễ dâng sao, giải hạn
cho đông đảo người dân và tín đồ Phật tử.
Thế nhưng, các chùa với các sư, ni cô đều vẫn đang là người tu hành, căn bản cần dựa theo giáo lý chân chính và nguyên thuỷ của Phật để tu và giúp đỡ chúng sinh.
Nếu họ tuỳ tiện nay thêm vào một chút,
mai cắt đi một chút, dần dần những giáo lý của Phật bị biến đổi đến không còn nhận ra, không còn khởi được tác dụng cảm hóa chúng sinh, dạy người hướng thiện, buông bỏ dục vọng, thậm chí khiến tín ngưỡng ngày một méo mó, sinh ra nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, biến dị.
Vậy nên, những nơi đền chùa tổ chức cúng sao giải hạn, phải chăng đều đang bất chấp giáo lý, lợi dụng sự mê muội của số đông quần chúng để làm thành cơ hội kiếm tiền “siêu lợi nhuận”?

Đâu là cách “giải hạn” tốt nhất?
Nếu tìm hiểu và đặt niềm tin vào lời Phật dạy,
sẽ thấy việc cúng sao giải hạn là việc đi ngược lại giáo lý nhân quả,
căn bản sẽ không có tác dụng gì.
Sự cầu khấn có chăng mang lại tác dụng trấn an về mặt tâm lý trong chốc lát, nhưng về lâu dài,
những nỗi sợ hãi vẫn luôn thường trực, thậm chí sẽ có xu hướng ngày càng tăng, dẫn đến sự phụ thuộc về tâm linh ngày càng lớn vào những thứ mơ hồ, 
cảm tính theo số đông.
Sự biến dị về mặt tâm lý đó hiện nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Người ta dễ dàng tin và gán cho những thứ lạ lùng là “linh”.
Một tảng đá, một con cá, một cái giếng đều dễ dàng được gắn chữ “thần”, khiến hàng trăm hàng nghìn người đua nhau tới xem, thậm chí cúng bái.
“Lỗ hổng” trong đời sống tâm linh ấy, phải chăng xuất phát từ một tinh thần trống rỗng, thiếu thốn đức tin, sau khi trải qua hàng thập kỷ di sản văn hóa tín ngưỡng bị phá bỏ,
khiến chánh tín của con người bị tổn hại nghiêm trọng.
Chỉ khi sống và thực hành đúng theo những lời Phật dạy như hành thiện, xả bỏ, tự tu sửa bản thân,
hiểu về sự được mất, về sự vô thường,
tự nhiên sẽ đạt được sự an lạc trong nội tâm,
sự bình yên trong mọi hoàn cảnh mà
không cần bất cứ lời cầu khấn, cúng bái nào.
Nếu mỗi người đều
áp dụng Bát Chánh Đạo trong cuộc sống,
đó chính là tu Phật chân chánh, là cách “giải hạn” tốt nhất. Như ai đó đã nói, chúng ta dường như đã bỏ quên “ngôi chùa” linh thiêng nhất,
chính là tâm của mỗi người.[]
Kính mời tham khảo bài viết
BÁT CHÁNH ĐẠO
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/11/bat-chanh-ao-cu-tran-lac-ao-1.html


Dâng Sao Giải Hạn

2019
Đêm nay đúng 23h35
hai vợ chồng tôi mới về được đến nhà,
vừa dắt xe vào nhà bà vợ tôi vội dâng lễ trên ban thờ.
Miệng vừa lẩm nhẩm khấn vái vừa giục tôi:
Chồng mau đem lộc ra để còn bày lên cho đủ lễ.
Vừa mệt, vừa buồn ngủ díp cả mắt, tôi thò tay vào áo đưa phần lộc cho vợ tôi sắp vào đĩa rồi tôi đi ngủ. Chưa kịp ngả lưng, tôi thấy vợ tôi thét lên kinh hoàng: Giời ạ, các của nợ gì thế này?
Vội chống mắt ngó vào đĩa lộc, tôi tự dưng á khẩu và đứng hình trong giây lát.
Từ trước tết hơn một tháng, bà vợ tôi đã lo lắng và bảo:
Sang năm chồng sao Thái Bạch đó, tôi phải tìm chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho khỏi tai ương. Các cụ nói “Thái Bạch bán sạch cửa nhà” đó.
Nghe vậy tôi bèn nói:
khiếp, nhiều đứa lô đề cờ bạc vẫn bán nhà đó thôi, cần gì phải sao Thái Bạch hay sao Thái Dương.
Vợ tôi mắng át đi:
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, ông đừng nhiều chuyện phá ngang nhé.
Biết không cãi được nên tôi đành kệ, sau nhiều lần hỏi han bạn bè.
Bà vợ tôi phấn khởi thông báo:
Đầu năm tới nhà mình sẽ dâng sao giải hạn tại chùa cây Đề nhé, đó là ngôi chùa vô cùng linh thiêng.
Sao bà biết nó thiêng, tôi vặn lại?
Thì tôi nghe nhiều người nói là nó thiêng, còn vì sao thiêng thì ai mà biết được, chắc xưa kia nó có thánh tích của Đức Phật chứ sao nữa.
Thôi thì đành chiều theo ý bà vợ, ngay từ 20 tết, hai vợ chồng tôi đã phải đến chùa làm lễ đăng ký.
Vợ tôi nói:
chùa thiêng nên đông lắm, nếu chậm chân là nhà chùa chốt sổ không nhận thêm nữa đâu.
Bà vợ tôi nói cũng không sai, sau khi nghe nói việc dâng sao giải hạn của vợ tôi, bà vãi giúp việc trong chùa chắc kiêm luôn thư ký, kiêm thu ngân cho sư trụ trì mở sổ ra và nói:
Sao Thái Bạch sẽ giải hạn đúng ngày rằm tháng hai nhé, chị nộp tôi 800 ngàn, còn 4 người khác trong nhà chị sao không xấu, mỗi người 500 ngàn.
Vị chi là 2 triệu 800 ngàn.
Nghe đến số tiền khổng lồ đó tôi suýt ngất, có mỗi cái lễ mà mất gần 3 triệu đúng là giết người không dao.
Nhìn vào cuốn sổ, tôi thấy tên nhà tôi cũng đang ở số 780 rồi. Chắc từ giờ đến lúc làm lễ phải tầm 2 ngàn người. Thấy bà vợ nộp một mớ tiền mà tôi thấy bần thần cả người, trên đường về tôi nói:
Cứ tính bình quân 500 ngàn một người, vậy nhân với 2 ngàn người là có 1 tỷ rồi, buôn gì cho lại. Chưa tính các sao xấu như: sao La Hầu, sao Kế Đô, đúng là làm giàu không khó, lại không mất xu thuế nào, cứ theo dòng suy nghĩ như vậy cho đến khi về nhà.
Bà vợ tôi nhìn nét mặt đầy tâm trạng của tôi bèn hỏi: Ông nghĩ gì thế?
Biết thế ngày xưa tôi đi tu cho nhàn,
tự nhiên có một mớ tiền tha hồ tiêu.
Thích điện thoại xịn, có ngay, thích xe ô tô 7 chỗ cũng có ngay,
tôi trả lời mà lòng đầy luyến tiếc.
Nghe thấy thế bà vợ tôi mắng luôn:
Giời ạ, ông chỉ nói linh tinh, xe ô tô là để các sư thầy đi hoằng dương đạo pháp, lấy đâu mà đi chơi, người như ông có mà tu hú, tu trên chùa lô đề ý.
Không buồn tranh luận với vợ, tôi chỉ bận tâm về mấy mớ tiền mà nhà chùa thu được vào mỗi dịp lễ mà thôi.
Đúng là giàu nghèo có số thật.
Như lịch hẹn từ trước tết, đúng ngày 15 tháng hai, nhà tôi chở nhau đến chùa, quả đúng như tôi dự đoán, hôm đó trong chùa lẫn ngoài sân đông nghẹt người, hai vợ chồng tôi chen mãi không vào nổi gian tam bảo để đặt lễ.
Nghe nói có người đã đi xí chỗ từ 9h sáng, dù 18h mới bắt đầu làm lễ. Cứ mỗi chiếc ghế nhựa con để ngồi trong sân chùa là mất phí 20 ngàn,
dù chiếc ghế đó ra chợ mua chắc cũng giá đó.
Nhưng vì đi muộn nên nhà tôi cũng chả còn chỗ để mà ngồi, trong gian chính thì khỏi bàn, không bao giờ có suất ngồi gần sư trụ trì rồi.
Đang tìm chỗ thì một bà vãi chỉ ngay sang dãy nhà đối diện chùa và nói:
Trong này đông lắm, hết chỗ rồi cô chú sang bên kia mà ngồi, Phật tại tâm mình nên bái vọng từ xa vẫn được.
Nghe thấy vậy hai vợ chồng tôi lại kéo nhau sang dãy nhà dân ngay gần chùa, hầu như nhà nào cũng có dịch vụ trông xe máy và ô tô với giá cắt cổ.
Thấy tôi bà chủ nhà nói luôn: 
Ngồi trên ban công tầng 3 vái vọng sang thì cho chị xin 50 ngàn một suất, có phục vụ trà nóng.
Ngồi trên sân thượng thì 30 ngàn và chỉ có nước lã đun sôi, cô chú chọn chỗ nào.
Vợ tôi tặc lưỡi:
cái áo còn lo được nữa là cái dải áo.
Thôi bác cho xin 2 suất ngồi ban công, nộp xong 100 ngàn nhà tôi lên ban công ngồi hóng sang sân chùa đợi chính lễ.
Ngoài ban công có hơn chục ghế và cũng gần đủ người. Một thằng cu tầm 16 ngồi ngay gần đó thông báo: 
Các bác đi tè cho cháu xin 5 ngàn, đi ị nhà cháu thu 10 ngàn nhé.
Đúng là dịch vụ quá chi li, ngồi từ 6h đến nửa đêm, kiểu gì chả đi tè, vậy là nhà này lại thu được mớ tiền.
Tranh thủ lúc chưa đến giờ làm lễ, tôi mò lên sân thượng, trên đó gần 30 con người đứng ngồi lố nhố trên này cũng có một thằng cu đang thông báo:
các bác đi tè nhà cháu xin 3 ngàn nhé,
không có có chỗ đi ị đâu.
Thấy lạ tôi bè hỏi: Này sao đi tè ở trên này rẻ thế?
Nó bèn chỉ cho tôi chỗ thoát nước mưa ở góc sân thượng và nói, trên này chỉ đứng và tè vào đây thôi nên rẻ hơn bác nhé.
Quả là hợp lý trong các mức dịch vụ, nhìn sang tất cả các nhà dân bên cạnh, hầu như nhà nào cũng có dịch vụ y chang như vậy.
Tôi thấy dịch vụ ở đây giống như dịch vụ đi máy bay vậy, trên sân thượng là hạng phổ thông economy, còn dưới ban công là hạng thương gia business. Ngó nghiêng chán chê, tôi quay xuống hạng thương gia của mình.
Đúng 18h tiếng gõ mõ tụng kinh bắt đầu vang lên, báo hiệu lễ dâng sao giải hạn bắt đầu, do nhà chùa đầu tư hệ thông loa có công suất lớn cho nên ngồi trên này tôi nghe khá rõ.
Lúc đọc tên làm lễ theo danh sách dài dằng dặc cũng là gần 22h đêm rồi, đúng là uống nước trà bồm pha với nước chưa sôi nên tối đó, không riêng tôi mà các vị ngồi hạng thương gia đều phải vào nhà vệ sinh vài lần, riêng khoản phí xả thải này nhà đó cũng thu thêm được mớ tiền.
Đang gà gật bỗng vợ tôi kêu:
Ông mau xuống lấy lộc đi, nhanh không hết bây giờ. Ngó xuống sân chùa tôi thấy có kê một cái bàn khá dài và phủ miếng vải đỏ, trên đó cơ man nào là hoa quả để phát cho các phật tử: gọi là đem về thụ lộc.
Khi xuống đến sân chùa,
một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra, vì khuya rồi nên ai cũng muốn có lộc để còn về, thế là không ai chịu nhường ai, cảnh tranh cướp ngay sân chùa chả khác gì cảnh phá kho thóc của Nhật năm 1945.
Cố chen vào gần bàn để lễ mà tôi vẫn bị bật ra mấy lần vì biển người xô đẩy nhau. Ai lấy được lộc rồi phải nhanh tay cho ngay vào người, nếu không sẽ bị cướp mất. Có mẹ chen khỏe quá tụt cả váy mà không sao cúi xuống kéo lên được vì sự xô đẩy chen lấn.
Mất 15 phút mà tôi vẫn không sao len vào được, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cái bàn lộc ngay tầm tay nhưng đông quá, tôi bèn nghiêng người rồi thọc mạnh tay qua đám người xô đẩy.
Bàn tay tôi cũng tóm được một quả mềm mềm, tôi đoán là Thanh Long, vừa tóm vừa thu về mà không có được, tiếng la hét ầm ĩ khắp nơi.
Nghiến răng tôi giật mạnh một phát, thoáng nhìn thấy miếng vải lộc màu đỏ, tôi nhét vội vào trong người và lại sấp ngửa chen ra ngoài để về.
Thấy tôi đầu tóc xơ xác, mồ hôi nhễ nhại,
vợ tôi an ủi:
Một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần,
thôi thì mình chịu vất vả chút nhưng bù lại cả năm mọi việc hanh thông.

Khi nghe bà vợ hét ầm lên vì đĩa lộc, tôi ngó vào và giật mình. Hóa ra cái mà tôi tưởng miếng vải đỏ của nhà chùa lại là một nửa cái coóc xê ren đỏ của mẹ nào đó.
Thôi chết rồi, đến đây thì tôi hiểu ra. Cái mà tôi tưởng là quả thanh long và túm bằng được là cái gì rồi. Lúc đó quá hỗn loạn nên mọi tiếng la hét đều không nghe rõ được.
Chả hiểu sao tôi lại giật được nửa cái áo này nhỉ,
cứ nghĩ lại cảnh đó tôi thấy ái ngại quá.
Chắc tôi phải mua lễ tạ lỗi ngay, khổ thân mẹ nào hôm nay bị tôi bóp cho bẹp tí, chắc thù tôi cả năm.
Mô Phật, thiện tai, thiện tai.




Thư Phật Tử Ngô Phúc
Gởi
Thầy Chân Tuệ
10.2.2011
Kính Bạch Thầy,
Con tên Ngô Phúc, chữ nghĩa không biết nhiều, nếu có viết sai chính tả, mong Thầy thứ lỗi cho. Con có đôi lời tâm sự với Thầy, mong Thầy chỉ dạy cho.

Kính bạch Thầy, vợ chồng con từ hồi tuổi đôi mươi, đến nay, thường hay đi chùa lễ Phật, cúng dường Tam Bảo, đi du lịch đến nước nào cũng vậy, vợ chồng con sống rất hạnh phúc, có được bốn cháu, hai trai và hai gái rất ngoan. Cho đến một hôm, vợ chồng con đang hưởng thụ ở sau vườn, có hai ông cảnh sát đến gõ cửa và báo một tin buồn, là con trai út của con, đã đụng xe qua đời, vợ chồng con không tin, vì nó mới đi có khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng đó là sự thật.

Sau đó, vợ chồng con phải chấp nhận sự thật đau buồn đó và tìm hiểu về việc an táng và con có đến chùa mời Thầy tụng kinh cầu siêu cho nó, nhưng chùa ở Canada chỉ làm lễ theo cuối tuần, không làm lễ theo đúng ngày, cho nên con có nhờ người cháu ở Việt Nam đi chùa mời Thầy ở bển tụng kinh đúng ngày cho nó và Thầy ở bển có mời Thầy thập phương Tăng tụng kinh cầu siêu vãng sanh cực lạc, làm đúng 49 ngày, và thờ ở ba chùa. Và từ đó, vợ chồng con không còn thấy hạnh phúc nữa, và bắt đầu tìm hiểu về kinh sách. Vợ chồng con đi đến chùa, thấy người ta in kinh chú đại bi, kinh A Di Đà và CD thuyết pháp, giảng kinh v.v.. và có một Thầy ở Việt Nam gởi tặng cho vợ chồng con một quyển kinh đại thừa vô lượng thọ, trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác, và vợ chồng con có tụng hằng ngày cho đến hôm nay.

Con có đọc được cuốn sách Từ Bi & Trí Tuệ của Thầy, trong đó có nói dâng sớ cầu an, tiền mất tật mang, cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới, thì con thấy Thầy nói rất đúng, vì hằng năm, gia đình con thường đi chùa, cũng dâng sớ cầu an và cúng sao giải hạn, mà tai nạn xe cộ của con trai con, không giảm được phần nào, cũng phải mất mạng. Cho nên vợ chồng con rất hoan hỷ và mong Thầy chỉ dạy thêm về vấn đề cầu siêu, con nghe nói, người mất trong vòng 49 ngày, nếu có người tụng kinh trai giới, cúng dường Thập phương Tăng, tụng kinh cầu siêu vãng sanh nơi cực lạc cho người đó, thì người đó sẽ được siêu thoát và vãng sanh tây phương cực lạc, có đúng như vậy không, mong Thầy chỉ dạy.

Và sau đây là con xin thưa với Thầy về vấn đề, chú đại bi, trong kinh sách có nói, nếu ai đọc tụng chú đại bi mà không linh ứng, thì chú đại bi không được gọi là đại bi thần chú. Nhưng trong sách Từ Bi & Trí Tuệ 15 của Thầy, lại nói là, nếu cầu nguyện mà được linh ứng, (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo, như vậy có nên đi chùa không, có nên thờ cúng tại gia không, và hằng ngày tụng kinh cầu vãng sanh tây phương cực lạc có được linh ứng không, con mong Thầy chỉ dạy. Và sau đây con xin gởi tấm chi phiếu 150đ Canada xin thỉnh Bộ sách Cư Trần Lạc Đạo, trọn bộ 3 tập, xin Thầy hoan hỷ gởi cho, nếu có dư, xin được cúng dường ấn tống Tập san. Thành thật cám ơn Thầy và chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Con  
Ngô Phúc
(Mississauga, Canada)