Trong đạo Phật, có nhiều tông phái.
Trong mỗi tông phái, có nhiều hệ phái.
Trong mỗi hệ phái, có người tu trước, có người tu sau.
Mục đích của việc tu theo đạo Phật, chính là: Giác Ngộ và Giải Thoát.
Để đạt được mục đích cứu cánh này,
người tu cần phải buông bỏ
tâm cố chấp.
Tâm cố chấp sẽ dẫn đến tâm phân biệt.
Theo giáo lý, để tiến bộ, người tu cần phải nương theo pháp tứ y.
1. Y pháp bất y nhân.
2. Y nghĩa bất y ngữ.
3. Y trí bất y thức.
4. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
NẠN GIẢ SƯ & NỖI LÒNG TĂNG NI TRẺ
Giác Minh Luật
Người giả sư làm ăn trước chùa dịp
Xuân Đinh Dậu Ảnh Vũ Giang
Xuân Đinh Dậu Ảnh Vũ Giang
Hiện tượng giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khất thực, xin ăn, kéo
theo đó là các dịch vụ mê tín, bán bùa chú, xin xăm bói quẻ hiện nay tập trung
tại các đền, chùa,… trong dịp lễ hội, ngày rằm để xin tiền bố thí của khách hành
hương đã trở thành một vấn nạn nhức nhối, gây tổn thương đối với những người xuất
gia chân chính - xuất phát bởi những lý tưởng cao đẹp!
Tâm tình của “người
trong cuộc”
Có dịp đi ra đường
tôi đều đắp y theo truyền thống hệ phái Khất sĩ và nhiều lần đi bộ ngang qua
những con đường mà ngày nào cũng xuất hiện người giả sư khất thực, tôi lại “đón
nhận” ánh mắt dè chừng, thiếu thiện cảm của mọi người chung quanh (như chính
mình là người đang ăn xin và sẽ làm phiền đến họ).
Phần lớn những
người dân chưa hiểu nhiều về đạo Phật hay chưa có dịp đi chùa để hiểu biết đúng
về người xuất gia, thì người giả sư sẽ vô tình tạo nên cho số đông những khái
niệm không tốt về người tu. Tất nhiên, không thể trách người dân bởi thông qua
những hình ảnh mà họ bắt gặp thường ngày từ những người giả dạng “đầu tròn áo
vuông” để xin tiền, bán nhang, xem bói toán,... trên những cung đường hay tại
các đình đền, chợ búa.
Có lần tôi hướng
dẫn một nhóm Phật tử trẻ đi chùa lễ Phật vào ngày rằm đầu năm, nhưng khi bước
vào gần tới cổng đã thấy một nhóm “nhà sư” đắp y giống mình đứng xin tiền. Khi
ấy tôi vội nhanh chân bước vào trong sự ngượng ngùng, e dè và chợt thấy thương
kính vô cùng chiếc y của Phật mà mình đang mặc trên người, trong đó còn có sự tổn
thương tự đáy lòng khi nghĩ về những người mượn y Phật để làm xấu hình ảnh
người tu ngoài kia.
Đi vào bên trong
chùa lễ Phật xong, tôi bước ra sân trước để đứng chờ mọi người ra về thì có hai
mẹ con đi ngang qua, đứa bé vô tình chỉ tay vào tôi rồi kêu mẹ cho tiền ông sư,
thấy thế người mẹ vội lấy ít tiền lẻ ra và đưa cho tôi như một sự bố thí theo
lời yêu cầu của đứa con.
Khi ấy, tôi cảm
thấy áy náy vô cùng nhưng cũng kịp nhẹ nhàng từ chối, hướng dẫn vị đó là nên
đem vào chùa để bỏ thùng công đức. Tất nhiên, tôi biết trong tâm thức của đứa
bé lúc này đang hình dung tôi như những người giả sư đắp y ăn xin phía trước
cổng mà bé thường được mẹ hướng dẫn cho tiền khi có dịp đi chùa.
Nỗi lòng Tăng Ni
trẻ
Trò chuyện với các
thầy, các sư cô trẻ có cùng chung nỗi ưu tư về vấn đề này thì biết, các vị ấy,
mỗi người một câu chuyện cũng “dở khóc dở cười” như tôi, nhưng đáng để suy ngẫm
trên bước đường tu học thường ngày dưới sự tương tác giữa mình với xã hội hiện
nay.
Như thầy Thích
Thanh Đạo (du học Tăng tại Thái Lan) kể lại - vào Tết Nguyên đán cách đây vài
năm, thầy Đạo có dịp về thăm gia đình sau những năm tu học ở tu viện. “Khi đang
dùng bữa cơm chay thân mật với gia đình thì bỗng xuất hiện một “sư thầy” đang
mang trên người bộ đồ nâu, đầu cạo láng. Thấy thế, mọi người trong gia đình
không mấy vui khi bị làm phiền về việc “vị thầy” mời mọc mua nhang ủng hộ và xin
tiền lì xì”, thầy Thanh Đạo nhớ lại.
Khi vị khách đó vừa
đi, người thân quay sang thầy Đạo hỏi: “Ủa, ở chùa cực khổ đến mức phải đi xin
như vậy à?”.
“Lúc ấy, tôi cảm
thấy nghẹn lòng và buồn vô cùng khi có những thành phần không tốt đã lợi dụng
“chiếc áo xuất sĩ” để trục lợi cá nhân, với mục đích phục vụ nhu cầu cá nhân
nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của những người xung quanh, ngay
cả với người thân tôi - có người xuất gia như tôi”, thầy Thích Thanh Đạo chia
sẻ.
Hay câu chuyện cũng
của một Tăng sinh đang học tại Thái Lan là thầy Thích Chúc Tâm. “Khi còn là một
Tăng sĩ trẻ tại Đà Lạt, được thầy bổn sư gửi lên Sài Gòn để theo học tại trường
Phật học, trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi đất khách và khí hậu nóng gắt khó
chịu, tôi và vị sư cùng phòng quyết định đi kiếm mua cây quạt. Sau một hồi tìm
kiếm, chúng tôi dừng lại ở trước tiệm bán đồ điện tử, chủ tiệm lúc ấy đang ở
trong nhà xem truyền hình, tôi với gọi từ bên ngoài - Chú ơi - như ý để hỏi
thăm giá cả”, ĐĐ.Chúc Tâm kể.
Thầy Tâm hồi tưởng
tiếp - người bán đồ nhìn ra với ánh mắt và thái độ không vui, kèm theo đó là cử
chỉ vẫy tay bảo rằng “đi đi, ở đây không có gì cả, không mua gì cả” và họ vẫn cứ
tiếp tục xem truyền hình, không thèm để ý gì.
“Khi ấy, tôi khựng
lại, quay qua nhìn sư bạn mà khá ngỡ ngàng với sự “phản hồi” từ chủ tiệm như
thế. Thấy sư bạn ngại quá nên bảo tôi đi sang tiệm khác, nhưng tôi muốn đính
chính lại, nên gọi thêm lần nữa - Chú ơi! Thầy muốn mua quạt - thì họ mới ra tiếp
đón, tôi cũng nhẹ nhàng giải thích cho họ hiểu được thật-giả trong xã hội hiện
nay mà chú đã nhiều lần bị làm phiền rồi “ám ảnh” nghĩ ai trong hình tướng tu
sĩ cũng chỉ tới để quyên góp xây chùa hoặc bán nhang, thực chất là người giả sư
đi “hành nghề”.
Từ vài ví dụ rất
nhỏ trên trong bức tranh người giả sư vẫn hoạt động hàng ngày cũng như đang rộ
lên trong mỗi mùa lễ hội - có thể kết luận, đây là vấn nạn chứ không còn là vấn
đề bình thường, có thể cho qua, vì kéo theo đó là các hệ lụy ảnh hưởng trầm
trọng đến tâm tư và sự mặc cảm cá nhân của tu sĩ trẻ khi vô tình bị đối xử, bị
nhìn nhận thiếu thiện cảm mà nguyên nhân là từ các thành phần bất hảo, giả danh.
Thiết nghĩ, nếu
không kịp thời lên tiếng và ngăn chặn thì đến một ngày, hình ảnh của những
người xuất gia trẻ dấn thân vào đời sẽ bị mọi người hiểu lầm, ám thị rằng đấy
cũng là hình ảnh của sự đi xin tiền, xấu xí mà ai cũng dè chừng, tránh né chứ
không phải thiêng liêng như vốn dĩ...
Giác Minh Luật