TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday, 1 February 2012

*** SUY NGẪM VỀ SỰ TỤNG KINH SIÊU THOÁT (PHTQ SỐ 18)


Kính Thầy,
Xin Thầy hướng dẫn và chỉ dạy cho chúng con. Khi có tang không có Tăng Ni, người nhà có được phép tụng kinh hay không ? Nếu được phép tụng thì bận áo tràng hay đồ tang?
Có người nói là không được phép ngồi trước bàn Phật. Nhiều nơi cũng như Thầy biết, vì tiền tụng có khi hơi hơi mắc, nên có những ban hộ niệm đi tụng được mời, bao luôn từ tụng thất cho đến chôn cất, nhưng không thù lao hay tiền xăng cộ. Có khi tang chủ không biết nấu đồ chay, ban hộ niệm bao luôn, nhưng không tính tiền. Như vậy có đúng hay không ? Vì cả một tấm lòng thành chúng con đến với người ta, chúng con xem như là người thân của mình trong tiền kiếp, chứ không phải lại để cho họ mang ơn, hay khen ngợi. Con xin được Thầy chỉ dẫn.
A Di Đà Phật
Pd Trí Việt
CN.29.1.2012
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
Kính quí ĐH,
VP.PHTQ.CANADA xin giải đáp ngắn gọn các thắc mắc của quí ĐH như sau:
1. Khi gia đình có tang, chính các thân nhân tang quyến chân thành tụng kinh cầu nguyện là tốt nhất. Mặc áo tràng màu lam, nâu hay mặc đồ tang cũng đều được cả. Tất cả hình thức bên ngoài không quan trọng. Điểm quan trọng là tâm chân thành hướng về mười phương chư Phật cầu xin gia hộ cho người thân vừa quá vãng và hồi hướng công đức cho khắp pháp giới chúng sanh (mở rộng tâm từ vô biên thì phước báo vô lượng).

2. Không cần mời thỉnh các ông bà thầy cúng đám, tụng đám - dù tại gia hay xuất gia - với giá cả cắt cổ. Các vị này thường hay bày vẻ đủ điều tà pháp, làm ra vẻ linh thiêng huyền bí để làm tiền, làm phiền tang gia. Họ tụng mướn kiểu đó, ê a ngân nga lóc cóc leng cheng lùng tùng xèng như phường hát dạo, chẳng có tâm thành vị tha, chẳng vị chánh pháp, chỉ vì hầu bao, tranh giành cơm gạo, cho nên chẳng có công đức gì, chẳng ích lợi chi!

3. Đối với các Ban Hộ Niệm: nếu quí vị đến giúp tang gia với tấm lòng chân thành, vị tha - bất vị danh lợi thì quá tốt, đáng tán thán. Tuy nhiên, việc làm của quí Ban Hộ Niệm không thể thay thế, không thể so sánh với pháp sự của chư vị Tôn đức chân tu thực học. Hơn nữa, không nên phán quyết người này được vãng sanh, hay không được vãng sanh, bởi đó là tà pháp; không nên cùng nhau vỗ tay reo hò vui mừng ngay trên thân xác, chúc tụng rằng người quá cố đã vãng sanh, trông man rợ quá! Có một nhà sư, quái đản như điên, vô cùng lập dị, chùa ở bên Đức, tuyên bố như sau: «chia vui đám tang, chia buồn đám cưới».
Việc tang chế cần nên tiết giảm tối đa các hình thức nghi lễ rườm rà, tốn kém, chỉ có tác dụng phô trương thân thế, phô trương sự hiếu để giả dối. Việc cần làm thực sự là chí tâm cầu nguyện cho người quá cố được vãng sanh về cõi tịnh độ, cõi thiện lành, qua các thời tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức, bố thí cúng dường, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời.
Giáo Lý Đạo Phật là phương tiện độ sanh, độ thân nhân của người quá cố được giác ngộ, hiểu rõ luật nhân quả, lý vô thường qua các nghi thức tang lễ. Các thân nhân tang quyến và bằng hữu nên giác ngộ chân lý này và phát tâm tìm hiểu chánh pháp, để chuyển hóa đời sống tâm linh, để đạt an lạc hạnh phúc và giải thoát phiền não khổ não ngay trong cuộc sống và giải thoát sanh tử luân hồi. Đây mới chính là cứu cánh của các hình thức nghi lễ trong đạo Phật đúng theo chánh pháp.
Tóm lại, việc tang lễ trong Phật giáo nhằm mục đích chính là an ủi thân nhân và giảng giải chánh pháp. Nên giác ngộ sự thật là: nhà sư còn chưa biết khi chết có siêu hay không, làm sao cầu siêu cho người khác được.  Nhà sư chân tu thực học cần hướng dẫn cho quần chúng Phật tử giảm thiểu những lễ nghi ma chay tốn kém để "chuyên tâm nguyện cầu". 
Nên nhớ: ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Đó là chân lý.
Tập san PHTQ.CANADA (TỪ BI & TRÍ TUỆ) số 19 (Đại Lễ Phật Đản 2012)
sẽ có các bài viết giải thích cặn kẻ thêm quan điểm chi tiết về vấn đề này, để mọi người an tâm và không còn bận tâm, hay phiền não khổ đau qua các tang sự,  qua việc quá coi trọng cái thân xác tứ đại, cái nắm tro tàn hay nấm mộ, mà quên đi phần chính là tâm linh của người quá cố cũng như của những người còn sống trên thế gian.
Kính mong quí ĐH vạn sự cát tường và cư trần lạc đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
VP.PHTQ.CANADA
Kính mời tham khảo bài viết theo link:

CHIA VUI ĐÁM MA CHIA BUỒN ĐÁM CƯỚI
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/06/chia-vui-am-ma-chia-buon-am-cuoi-phtq.html

PHẢI ĐẦY ĐỦ TRÍ TUỆ MỚI MONG VÃNG SANH
http://phtq-canada.blogspot.com/2012/02/phai-ay-u-tri-tue-moi-mong-vang-sanh.html
Nhân đám ma nghĩ về sự siêu thoát
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Ngày ông nội tôi mất là một ngày khó quên. Tôi nhớ rằng có một đội kèn đến và thổi những bài não nề, ai oán, buồn đến nát lòng. Mỗi đoàn vào viếng đều là những âm thành não nùng. Rồi mỗi con, cháu trả tiền cho người thổi kèn để bác ấy ca những bài âu sầu, bi thảm, ai oán, xót thương. Đại loại: Tại sao ông chết, ông bỏ lại cháu bơ vơ thế này ư. Ông chết rồi thì cháu biết sống với ai. Ới! ông trời ơi, sao ông bất công thế, bắt ông tôi phải chết. Ông chết chắc cháu cũng chết theo mất thôi”. Ngày đó tôi chưa là Phật tử!Trong đám tang khi đó mọi người thi nhau khóc. Khóc từ lúc ông chuẩn bị mất đến trong lúc làm lễ, lúc nhập quan, lúc đưa tang và lúc chôn cất. Nhiều người gào khóc, lăn cả ra đất. Thím tôi còn  khóc lăn ra ruộng, bê bết bùn đất. Hàng xóm và dân làng khen con cháu ông bà tôi tuyệt vời, thương ông và rất có hiếu!
Khi quan tài hạ xuống người ta giục tôi khóc.
Mấy bác hàng xóm bảo:
- “Sao thằng này không khóc. Khóc to lên xem nào”.
Tôi lúc đó chỉ biết nghĩ:
- “Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm khác nhau. Tôi thương ông tôi để trong lòng, cần gì phải gào lên như thế”.

Sau này đến dự các đám tang khác ở Thái Bình, quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác ở đồng bằng bắc bộ, đều thấy cảnh khóc lóc thảm thê, kèn đám ma ai oán. Đám tang luôn là sự âu sầu và ảm đạm não lòng. Kèn trống thâu đêm suốt sáng. Có nhiều đám còn thuê người đến khóc mướn. Cho thật âu sầu và thảm thương. Có như vậy người ta mới cho rằng có hiếu. Các đám ma ở quê tôi còn được làm cỗ rất to. Giết lợn, gà, vịt, chó, mèo và ăn uống linh đình. Cá nhân tôi chưa bao giờ ăn cỗ nhà có đám tang bởi thấy thế không ổn. Tang chủ đang buồn, bên này thì ăn uống, mâm nào cũng có rượu bia và nâng cốc!
Sau này học Phật tôi mới biết 2 hủ tục kia rất tai hại.


Thứ nhất khi khóc lóc thảm thiết thì vong hồn không siêu thoát được. Nếu người thân cứ khóc, cứ thương, cứ níu kéo thì người mất cứ bám víu vào cuộc sống hiện tại và kết quả là tạo một ái kiết sử mới, tạo một dây xích trói người quá cố lại với chúng ta. Ta tưởng rằng thương người thân, giúp người thân nhưng thực ra chúng ta đang làm hại mà không biết. Sinh tử là lẽ thường. Sống chết là quy luật. Đành rằng người thân mất đi là đau xót nhưng nếu chúng ta hiểu được luật nhân quả, hiểu được về luân hồi thì nên cầu nguyện để người mất được ra đi thanh thản. Chính việc giúp người thân ra đi thanh thản mới là cách yêu quý họ đúng nhất. Chỉ có việc bình an, tụng kinh, niệm Phật hay nhắc nhở người thân thanh thản ra đi là cách tốt nhất để họ siêu thoát hay tái sinh vào những cõi lành.

Tôi còn chứng kiến cảnh những người con tranh nhau lay thân bố, khi bố sắp mất, hỏi xem bố có cất tiền ở đâu không, có ai nợ bố không để đi đòi. Cá biệt có trường hợp bắt bố phải chia đất, phải viết di chúc rõ ràng trước khi chết. Thật là tội nghiệp! Người cha chết không nổi.
Nói về cỗ bàn khi chết cũng vậy. Đám cưới mở tiệc lớn và sát sinh đã rất không tốt rồi, đằng này đám tang mà sát sinh thì thật là nguy hiểm. Cỗ tiệc chỉ là việc làm che mắt thế gian, là việc khoe khoang của người sống rằng con cháu có hiếu. Kỳ thực cỗ bàn và sát sinh, nhất là vào lúc nhà có người mất, tạo nghiệp ác không chỉ cho người quá cố mà cả những con cháu và những người sống. Tôi thiết nghĩ, nếu có ăn uống trong ngày tang lễ nên thật thanh đạm và tốt nhất là ăn chay.

Bà nội tôi đã 97 tuổi. Thật diễm phúc là bà vẫn khỏe. Tuy nhiên chắc bà cũng không sống thêm được bao năm nữa. Về quê tôi bàn với bố mẹ rằng khi bà mất nên tránh chuyện khóc lóc, kèn trống thê lương, tránh cỗ bàn linh đình.
Bố mẹ tôi là Phật tử, biết đến Phật pháp, có tham gia các khóa tu, có ăn chay và tin Phật. Tuy nhiên bố vẫn nói “Để xem đã con ạ. Còn các bác các cô chú và hàng xóm láng giềng nữa”. Tôi thầm nghĩ, đến nhà mình còn khó thay đổi hủ tục đến vậy thì làm sao có sự thay đổi lớn trong xã hội, làm sao các vong linh khi mất có thể siêu thoát được. Phải làm gì bây giờ? []



Nhiều nơi tang lễ tốn kém, không đúng pháp
Không chỉ có ở miền núi xa, ánh sáng Phật pháp không tới, người dân bị thầy cúng mụ mị, mà ngay ở Saigon, thậm chí ở hải ngoại, cũng có tình trạng tổ chức tang lễ tốn kém, phi chánh pháp. Cụ thể là việc mời những thầy tụng đám mướn, hát mướn, khóc mướn, mê tín dị đoan, trái với nhân quả.

Việc tang lễ trong Phật giáo nhằm mục đích chính là an ủi thân nhân và giảng giải chánh pháp. Nên giác ngộ sự thật là: nhà sư còn chưa biết khi chết có siêu hay không, làm sao cầu siêu cho người khác được.

Nhà sư chân tu thực học cần hướng dẫn cho quần chúng Phật tử giảm thiểu những lễ nghi ma chay tốn kém để "chuyên tâm nguyện cầu". Nên nhớ: ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Đó là chân lý. []

BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG

SUY NGẪM 

Hiện tại con người đang thừa kế những gì đã làm ngày trước (hay kiếp trước).
Con người hưởng quả lành, chính do đã gieo nhân lành.
Con người lãnh quả báo xấu chính do đã gieo nhân xấu.

Mình làm mình chịu.
Mình làm mình hưởng.
Đó là chân lý tối thượng.[]


Những gì con người làm ngày nay, con người có quyền thừa kế ở ngày sau.
Làm tốt, thừa kế chuyện tốt.
Làm xấu, thừa kế chuyện xấu.
Nhân nào quả nấy.
Thật là hợp lý, công bằng, khoa học, vô tư.
Con người làm chủ cuộc đời mình.
Không do số mệnh, không do ông Trời,
không thể đổ thừa cho ai hết. []


Không có cái gì xấu hoàn toàn. Mỗi kinh nghiệm là một bài học. Ta có thể là thủ phạm làm điều ác trong một kiếp nào đó nhưng cũng có thể là nạn nhân trong một kiếp khác. Và cứ như thế, con người sống từ đời này qua đời khác cho đến khi nào họ học được bài học.
Mỗi một kiếp người là một lớp học để trở thành Chân Thiện Mỹ. Muốn lên lớp, hay muốn ở lại? Mọi chuyện trong bàn tay quyết định của con người.
Hiểu như vậy, còn chấp gì tử sinh?
Chừng nào đi thì đi. An nhiên & Tự tại.
Tử sinh không còn là đại sự.
Nếu tử sinh nhẹ như lông hồng thì chuyện buồn vui hờn giận mỗi ngày còn cần gì để tâm cho mệt? []


Thường thường ai cũng thắc mắc:
- Tôi từ đâu tới đây?
- Đến đây để làm gì? Mục đích của đời sống là gì?
- Chết rồi tôi sẽ đi đâu? Tại sao?


Có nhiều người không thể một sớm một chiều mà tìm được lời giải. Họ cần phải trải qua nhiều biến cố nữa trước khi thấy cái nghiệp của mình. Cho đến khi mình thấy được, hiểu được cái nhân từ đời trước, mình mới có thể giải quyết giải quyết cái quả của đời này.
Nếu một người muốn sẵn sàng tha thứ, muốn quên hận thù cũ thì người đó đã được một sự chuyển hóa tâm linh cao và có thể hóa giải được.
Nhưng nếu người nào nói ra rằng:
"Đừng nói đến chuyện tha thứ những quân dã man đó.
Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.
Tôi thù ghét họ".
Thì đừng tìm cách giúp họ tha thứ vì tâm họ chưa sẵn sàng. []



Có phải chính mình tự quyết định,
tự chọn đời sống của mình không?

- Đúng vậy. []


Chính con người tự chọn con đường mình đi, dễ dàng hay chông gai là cũng do mình. Một khi con người nhận chân được sự thật đó và chấp nhận mục đích của đời sống hiện tại thì hoàn cảnh chung quanh có thể thay đổi.
Nếu một người biết nhận trách nhiệm của mình thì người đó có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Còn những kẻ ngu muội không biết nhận trách nhiệm của mình mà cứ đổ lỗi cho người khác thì họ chưa sẵn sàng thay đổi. []


Có thể nói rằng: "Nếu chị thật tình thương yêu và muốn cải hóa chồng thì chị không nên dùng giọng lời gay gắt với chồng mà nên bộc lộ tình thương, ăn nói dịu dàng thì ông ấy sẽ thay đổi". Có nhiều bà nghe lời và đã thành công. []



TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
CUTRANLACDAO@YAHOO.COM

Kính mời xem bài "Nguồn Gốc của Khổ Đau" theo link:
http://phtq-canada.blogspot.com/2011/09/nguon-goc-cua-kho-au-cu-tran-lac-ao-tap.html