TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday 1 June 2011

*** PHƯƠNG TIỆN CÚNG SAO GIẢI HẠN (PHTQ SỐ 15)



NGHĨ VỀ
"PHƯƠNG TIỆN" CÚNG SAO GIẢI HẠN ĐẦU NĂM


Tác Giả: VI NGỮ 


Sau Tết Nguyên đán thì có một cái lễ không kém phần quan trọng đó là Lễ Thượng Nguyên hay còn là Tết Nguyên Tiêu. Và đi kèm với nó là Lễ Cầu An cúng sao giải hạn. Có những chùa làm lễ này vào ngày mùng 8 tháng Giêng, có chùa làm ngày rằm. Đó có lẽ là phong tục lâu đời, và cũng chắc chắn không ai biết nó được “du nhập” vào đạo Phật từ lúc nào. Tôi đã đọc được những tài liệu nói về sao hạn này và biết đó là của Lão giáo. 


Tôi nghĩ khi mà đạo Phật bị ảnh hưởng mạnh Nho và Lão, thì đó là chuyện tất nhiên. Và giờ đây, đạo Phật đầy dẫy những ảnh hưởng “nghiêm trọng” từ Nho - Lão. Đạo Phật như một cây bồ đề mà toàn thân nó bị bám đầy cây cộng sinh tầm gởi. Đó là điều hiển nhiên mà ai cũng thấy. Điều quan trọng là chúng ta có dám nhìn vào sự thật không.


Thật vậy, bản chất của đạo Phật là Từ Bi và Trí Tuệ, hay nôm na là tình thương và hiểu biết. Căn bản của đạo Phật được xây dựng trên giáo lý như Tứ đế, Bát chánh đạo, Duyên khởI.


Trong đó, Duyên khởi được đề cập như một chân lý sống động. Chính Đức Phật đã từng tuyên bố “thấy được Lý Duyên Khởi là thấy được vạn pháp”. Vạn pháp sinh và diệt trong vũ trụ này đều theo những nguyên tắc duyên sinh và duyên diệt. Mỗi hữu tình đều có những nghiệp duyên riêng của mình và chịu sự tác động trực tiếp của nghiệp (karma) mình đã tạo ra; chịu sự dẫn dắt của nghiệp lực ấy. Nghiệp đó có thể là thiện hoặc bất thiện và nó đã được tạo ra trong quá khứ hay trong hiện tại. Đức Phật đã dạy: Hãy nhìn vào quả hiện tại mà biết nhân quá khứ. Hãy nhìn vào nhân hiện tại mà biết quả tương lai”.


Đó chính là nhân quả ba đời quá khứ - hiện tại - vị lai. Điều đó không ai có thể chối bỏ nếu biết nhìn bằng cặp mắt quán sát trí tuệ.
Theo “phương tiện giáo hóa chúng sinh”, hàng năm các tự viện đều tổ chức Lễ Cầu An đầu năm và thường kết hợp cúng sao giải hạn cho Phật tử. Có nơi thì gọi là Lễ Cầu An giải hạn, có nơi gọi tránh đi là Lễ Tiêu Tai Diên Thọ.


Phương tiện thì mỗi người một cách, nhưng chung quy vẫn là muốn “an tâm” cho chúng hữu tình. Chùa tôi cư trú cũng vậy, cũng làm lễ này cho những Phật tử. Trên bàn bày la liệt đèn xếp theo các ngôi sao chủ chiếu hay còn gọi là sao chiếu bổn mạng. Theo quan niệm dân gian thì con người mỗi năm chịu sự chiếu mạng của 9 vì sao (La hầu, Thổ tú, Thủy diệu, Thái bạch, Thái dương, Vân hớn, Kế đô, Thái âm và Mộc đức).


Trong 9 ngôi sao chiếu mạng ấy có 2 ngôi sao tương ứng cho 2 năm xui. Đó là sao Thái bạch: Thái bạch sạch cửa, sạch nhà. Ốm đau, bệnh hoạn cùng là tai ương. Và “Nam La hầu. Nữ Kế đô” nghĩa là: nam gặp sao La hầu, nữ gặp sao Kế đô thì năm đó xui. Những ai bị các ngôi sao đó “chiếu mạng” thì coi như năm đó xui tận mạng, nếu không đề phòng. Còn lại các ngôi sao khác “chiếu” thì xui ... ít hơn. Đó là chưa kể đến các “bát hạn”: Huỳnh tuyền, Tam kheo, Ngũ mộ, Thiên tinh, Tán tận, Thiên la, Địa võng, Diêm vương. Mỗi hạn đều có những tai nạn “vận hạn” khác nhau. Rồi năm “tứ hành xung”, năm “ngũ hành tương khắc”. Nhìn lại chẳng có năm nào hoàn toàn tốt đẹp 100%. Vậy những điều đó là sao? Nếu chúng ta có Chánh kiến và Chánh tư duy thì chúng ta cần mạnh dạn nhìn thẳng vào các phương tiện này.


Tôi nói việc này vì có mấy người Phật tử đã nói chuyện này với tôi và hỏi tôi quan niệm thế nào. Họ nói khi hỏi quý thầy thì có thầy tin chuyện ấy, có thầy phản bác, có thầy lấp lửng. Điều đó làm cho họ cảm thấy bối rối. Tôi nói quan niệm của tôi là:


Nếu tin theo Đức Phật thì tin tuyệt đối vào duyên khởi, tin vào nhân quả ba đời.


Ngoài ra còn có sự cầu nguyện Đức Phật bằng cách niệm danh hiệu Ngài và chư vị Bồ tát gia bị cho chúng ta bằng sự chí thành “cảm ứng đạo giao”, thì mình sẽ có một đời sống an lạc.
Tốt hay xấu đều do chính mình vì vận mệnh là do mình làm chủ.  Tất cả phải do mình tạo ra ngay đời này và giây phút hiện tại. Bởi trồng một cây cho trái đắng thì không thể đòi hỏi có quả ngọt được, đó là quy luật.


Để cuộc sống chúng ta có những thiện nghiệp và giảm đi những tai nạn do bất thiện nghiệp đã gây ra trong quá khứ thì chúng ta phải biết thực hành Chánh pháp. Đó là biết: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Những người đến hỏi tôi về vận hạn, tôi chỉ khuyên họ hãy tinh tấn niệm ân Đức Phật và Bồ Tát, thực hành giáo pháp, chịu khó bố thí và phóng sinh. Và hãy làm hết lòng chân thành chứ không phải chuyện qua loa, đối phó khi thấy run sợ trước những “lời phán”. 


Tôi được biết vào dịp đầu năm người ta thường đi lễ cầu xin, dâng sao, giải hạn. Một lá sớ trung bình vài chục đến vài trăm nghìn. Đó là chưa nói đến các VIP lập đàn riêng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Tôi có anh bạn Phật tử nói anh được các thầy cho biết năm nay sao Thái bạch chiếu mạng và lại là hạn “Thiên tinh mắc phải ngục hình”, khuyên anh nên dâng sớ giải hạn. Anh đã làm theo sự chỉ dẫn “cung tiến” viết sớ giải hạn vào rằm này tại một ngôi chùa lớn ở Saigon. Anh nói đã làm theo nhưng vẫn chưa an tâm nên hỏi tôi có làm gì thêm không.




Tôi nói đã tin vào việc cúng sao giải hạn, sao lại không an tâm mà còn bất an? Tôi hỏi tại sao không lấy tiền đó đi làm từ thiện hay đi phóng sinh? Tôi phân tích cho hiểu; nhưng có lẽ cũng khó mà “thủng” vì nó đã ăn sâu vào “thâm căn cố đế” của anh, cũng như những người dạng như vậy rồi. Vào mỗi dịp lễ hội, các phương tiện truyền thông trong nước cũng đã đề cập nhiều với ý “tế nhị” không đi sâu vào, vì dẫu sao cũng là lĩnh vực riêng của tôn giáo.


Tôi có quen một số anh chị em ở một công ty tại Hà Nội. Hàng năm, cứ sau Tết là làm lễ cúng sao giải hạn. Cả công ty “bầu đoàn lớn nhỏ” dắt nhau đi từ chùa này sang chùa khác, đình này sang miếu nọ để … dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Tất nhiên là họ cũng bố thí rất nhiều, phóng sinh rất nhiều. Và có lẽ, ở Hà Nội và các tỉnh lân cận thì chuyện này không có gì là lạ. Nó đã trở thành “máu thịt” của họ rồi. Như một số chùa được các tờ báo phản ảnh về số lượng người về lễ và dâng sớ giải hạn.


Trong Nam, ngoài Trung cũng vậy, nhưng ít hơn. Đạo Phật chỉ xem những việc ấy là phương tiện. Phương tiện trong một lúc nào đó thôi, chứ những chuyện ấy đâu phải là cứu cánh. Nếu các chùa cứ duy trì và phát triển hình thức ấy thì chắc hẳn không phù hợp với tôn chỉ của đạo Phật. Đạo Phật trí tuệ, lại bị “cột nhốt” vào những quan niệm và hành sự như vậy thì thật nghịch lý.


Tôi nhìn đạo Phật, rồi tự lựa chọn cho mình một con đường đi. Pháp do người hành đạo nói ra thì nhiều lắm. Mỗi người diễn dịch theo một cách, một quan niệm, trình độ, nhận thức. Sai - Đúng chỉ có người thực tập thật sự mới thấy điều đó. Với tôi, trước sau như một, tôi làm theo điều mà chư Tổ đã dạy: Hãy bỏ lớp vỏ cây mục ruỗng bên ngoài, chỉ lấy cái cốt lõi cây bên trong”. Cây bồ đề hơn 25 thế kỷ qua đã quá nhiều tầm gởi cộng sinh. Nếu không phá bỏ sự cộng sinh ấy thì nó sẽ chết mà chẳng có cách nào cứu chữa. Mạt pháp hay không chẳng phải lời huyền ký, mà do chính nghiệp chúng ta hành ngày hôm nay. Bạn nghĩ thế nào?


VI NGỮ