TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Friday 1 July 2011

*** SUY NGẪM PHẬT NGỌC LINH THIÊNG (PHTQ SỐ 13)


Phật Ngọc
Linh Thiêng


-        Thưa Thầy, tôi đọc báo tại Toronto, xin trích nguyên văn một đoạn như sau:

“Sau này, trong thế giới tâm linh, người ta thường tin rằng ngọc thạch chứa đựng nguồn năng lực linh thiêng phi thường, có thể giúp chữa lành bệnh và khiến cho tà ma yêu quái lánh xa. Ngọc thạch được chạm trổ điêu khắc thành những hình tượng chư Phật, Bồ Tát để người ta đeo nơi cổ, vừa làm đẹp, vừa bày tỏ niềm tin tưởng vào đấng thiêng liêng. Người viết đã từng nghe kể lại rằng ngọc thạch thường mang đến may mắn cho người đeo nó, cho nên rất nhiều phụ nữ thích đeo vòng cẩm thạch cũng như đeo mặt ngọc thạch khắc hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm”.
Đoạn văn ngắn trên được trích từ một bài viết dài 4 trang báo nhằm mục đích quảng cáo cho tượng Phật Ngọc Hòa Bình đang được triển lãm nhiều nơi. Tôi thắc mắc những điều quảng cáo như trên có đúng chánh pháp chăng, kính mong quí Thầy từ bi giải thích.


- Một bài viết đăng trên báo đời, thiệt báo hại quí vị thắc mắc và tìm hiểu, âu đó cũng là nhân duyên tốt để giúp người khác hiểu thêm chánh pháp.

Trong dân gian, nhiều người có niềm tin tưởng khác nhau, cho nên có nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau đáp ứng nhu cầu tâm linh đó.

Riêng trong đạo Phật, là đạo từ bi và trí tuệ, trong Kinh Kalama, đức Phật dạy rõ ràng như sau:

Đừng vội tin tất cả điều gì:
- ghi trong sách vở
- người xưa nói
- người bề trên nói
- người có thế lực đạo nói
- người có thế lực đời nói
- do tập quán, thói quen
- do nhiều người đồn đãi
- do nhiều người tin theo
*
Chỉ nên tin điều gì:
- đúng với chân lý,
- đúng với thực tế,
- có thể kiểm nghiệm được
- qua trí tuệ sáng suốt, thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người. 


Chúng ta là người tu học Phật nên dùng lý trí, trí tuệ sáng suốt để suy xét, suy ngẫm mọi sự việc xảy ra trong đời sống, chứ không mê tín, tin bừa, tin càn.

Chúng ta tôn thờ các hình tượng Phật, dù làm bằng chất liệu gì, với mục đích duy nhất là chiêm ngưỡng và lễ bái trong quá trình tu tập, để tôn kính, hành trì giới luật, noi theo phạm hạnh, và sống đúng theo lời dạy của đức Thế tôn. Các hình tượng vật chất cũng chịu theo qui luật “thành trụ hoại không”, khi duyên hết, các hình tượng cũng bị hủy hoại, không có gì gọi là thánh tượng, linh tượng huyền bí cả.
Nếu các hình ảnh thờ phượng của các tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả Phật giáo, có năng lực huyền bí, ly kỳ, chữa khỏi bệnh tật, thì chắc giờ đây, các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế phải giải nghệ và các cơ sở tôn giáo, chùa chiền biến thành bệnh viện, trạm xá, dưỡng đường, nhà dưỡng lão.

Bệnh tật hay bất trắc xảy đến trong đời chính là quả báo, do chính mình gây tạo nhân xấu trước đây. Để giải trừ, trước khi quả báo đến, con người cần biết tạo phước, tu tâm dưỡng tánh, ăn ở hiền lành, bố thí, làm việc phước thiện. Phước báu tạo được sẽ làm giảm bớt hoặc tiêu trừ quả báo, theo đời gọi là đoái công chuộc tội, hoặc là dành tiền tiết kiệm để trả nợ xưa vậy. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Đừng đợi đến khi quả báo xảy đến thì quá muộn, đành phải cam chịu hậu quả. Lúc đó, cầu an,  cúng kiến, dâng lễ, chỉ là hình thức hối lộ thần linh, chỉ là mê tín, không phải chánh pháp, phỏng có ích lợi chi, được gì?

Đạo Phật chủ trương: có thân bệnh, không tâm bệnh. Con người có thân, tất có bệnh tật, phải chữa trị bằng thuốc men. Ngày xưa, đức Phật vẫn dùng thuốc men, mỗi khi có thân bệnh. Giáo pháp của đức Phật là phương thuốc mầu nhiệm đối trị tâm bệnh, nếu con người khai mở trí tuệ, giác ngộ được cốt tủy của đạo Phật. Các chuyện linh thiêng huyền bí chỉ đưa tới mê tín và lường gạt xưa nay mà thôi!

Ngày nay, có người bị bệnh, hay có thân nhân ngã bệnh, lại vào chùa dâng sớ cầu an, tụng chú, tụng kinh cầu khỏi bệnh, trong khi nhà sư đang mang đủ thứ bệnh! Lại có người quảng cáo chuyên xem chỉ tay, bói bài, xem tướng, soi căn, bấm độn, hóa giải tai nạn, cầu an, tiên tri số mạng, theo yêu cầu của khách! Lại có người mượn áo cà sa, khoác lác chữa được tất cả các bệnh nan y, ung thư, bác sĩ bó tay, chữa qua điện thoại, trị qua email, chỉ cần tấm hình và ít tiền, chữa trị đường xa cho người bệnh ở tận bên xứ Việt Nam, dù họ đang ở Toronto, Canada!

Lại quảng cáo thêm, họ có thể cải đổi, giải trừ vận mạng xui xẻo, tai nạn, tật bệnh, làm ăn ế ẩm, duyên tình trắc trở, vợ chồng con cái xung khắc, mở luân xa 100%, dạy chữa bệnh cho bản thân và cho người khác, truyền linh quang nhân điện, năng lượng vũ trụ, phóng quang tam muội, cầu cho người bệnh, không hết thì chết, liền được vãng sanh tây phương cực lạc! Thiệt là mê tín, gạt gẫm trắng trợn ở thế kỷ 21, vậy mà vẫn có người tin, họ vẫn làm ăn không đến độ ế ẩm!

Những người tu Phật, khai mở trí tuệ, hiểu rõ nhân quả, nắm vững chánh pháp, giác ngộ chân lý, biết rõ tà pháp, hiểu thấu tà đạo, thấy ngay tà sư, tại gia tại chùa, không thể bị gạt, bởi những quảng cáo, lợi dụng hình ảnh, Bồ Tát Quán Âm, hay ảnh nhà sư, cổ đeo tràng hạt!


Nếu tất cả điều cầu nguyện, phát xuất từ tâm tham lam, sân hận, si mê của con người, đều thành tựu như ý, thì luật nhân quả không còn, thế gian này đại loạn.

Thí dụ như trong, hai cuộc thế chiến, quân đội hai phe, đối nghịch đều làm, thánh lễ long trọng, giáo phẩm cao cấp, đến ban phép lành, rải cho nước thánh, thành khẩn cầu nguyện, van xin thượng đế, giúp cho phe mình, tiêu diệt phe địch, hậu quả cả hai, te tua tơi tả, thê thảm vô cùng.

Thí dụ như có, người nổi sân hận, muốn kẻ thù mình, vắng mặt trên đời, cầu nguyện chí thành, với đấng thượng đế, toàn năng toàn quyền, linh thiêng huyền bí, nếu được thỏa mãn, chắc chẳng bao lâu, trên thế gian này, chỉ còn súc vật, vắng bóng con người, bởi lời cầu nguyện!

Người không kềm chế được cơn sân hận, oán thù, cầu nguyện không linh, bèn dùng vũ khí, mưu mô sát hại kẻ thù, gây nên tội ác, tạo thêm tội nghiệp!
Thí dụ như có người xem trên báo, các mẩu lời nguyện, cầu khẩn van xin, tin rằng sẽ được toại nguyện, như ý, đọc 9 lần, trong 9 ngày, thì cầu gì được nấy, bèn gắng đọc mỗi đêm, cả tháng trời cũng không thấy chồng ở tù trở về, để trồng cỏ tập hai!

Tóm lại, con người thường có tâm tham, sân, si, dù tại gia hay xuất gia, nhưng không biết kềm chế, đam mê danh lợi, duyên theo cảnh trần, ngày càng tạo thêm nghiệp chẳng lành, đến khi gặp quả báo: bệnh hoạn, trắc trở, rắc rối, tai nạn, thất bại, suy sụp, trở thành mồi ngon của những kẻ buôn thần bán thánh, lường gạt sự mê tín dị đoan, tiền mất tật mang, than trời trách đất, cũng đã muộn rồi!

Những người mang hình tướng nhà sư có bổn phận tu hành, học hỏi giáo lý, để hướng dẫn người hữu duyên không có phương tiện, không có thời gian nghiên cứu kinh sách, được hiểu rõ chánh pháp, chuyển hóa cuộc sống phiền não khổ đau thành an lạc hạnh phúc. Không chịu học hỏi giáo lý nên tu mù, lại chỉ dẫn người khác tà pháp, mê tín, lạc vào tà đạo, thiệt là tà sư, đáng trách! []

Ban Biên-Tập PHTQ


 PHẬT TÂM PHẬT TƯỚNG (PHẬT HỌC TỊNH QUANG 14)



PHẬT TÂM - PHẬT TƯỚNG


Trong các sinh hoạt hay nghi lễ của Phật giáo, các hình tượng chư Phật, chư Bồ Tát luôn luôn được tôn trí nơi trang nghiêm thanh tịnh nhất, để  mọi người chiêm ngưỡng, lễ bái, cầu nguyện và phát khởi tín tâm.

Các hình tượng được làm bằng bất cứ vật liệu nào, đơn sơ như gổ, đá, xi măng, thạch cao, hay quí giá hơn như vàng, bạc, đồng, ngọc thạch, đá quí, kim cương, cũng chỉ có giá trị vật chất, giúp cho việc hành lễ được long trọng, trang nghiêm, giúp cho người tu theo Phật tăng trưởng sức tinh tấn tu tập theo chánh đạo, hướng tín tâm ban đầu theo chánh tín và chánh kiến.

Giá trị tinh thần đích thực chính là Giáo Pháp của đức Phật.

Người tu theo Phật nương theo hình tượng chư Phật, để lễ bái, cầu nguyện, cúng dường, phát tín tâm tìm hiểu những lời dạy của đức Phật để tu tập và áp dụng vào trong thực tế đời sống hàng ngày.

Nhờ đó, người tu theo Phật mới thấy và cảm nhận được pháp vị mầu nhiệm thực tế của chánh pháp.  Từ đó, người tu theo Phật ngộ đạo, thoát khỏi cảnh vô minh, tà kiến, mê tín, dị đoan, không còn ngộ độc như bấy lâu nay.

Người tu theo Phật khi đã khai mở được trí tuệ bát nhã, khác với trí thức thế gian, sẽ thấy giáo lý đạo Phật rất hữu ích cho đời sống thực tế của mọi người, giúp con người vượt qua được những phiền não và khổ đau, không phân biệt là Phật tử hay không là Phật tử.

Nói một cách khác, một người không phải là Phật tử, không cần đi đến chùa lễ bái thường xuyên, không cần phải thờ lạy tượng Phật, nhưng luôn luôn thực hành lời dạy:

1. Không làm các điều ác.
2. Siêng làm các điều thiện.
3. Giữ tâm luôn thanh tịnh.

Người này sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc. Tiến thêm bước nữa, sẽ được giác ngộ và giải thoát.

Cho nên, chúng ta cần ghi nhớ: trong đạo Phật không có hình tượng nào gọi là linh tượng, theo nghĩa linh thiêng huyền bí, cầu gì được nấy, cũng không có hình tượng nào gọi là thánh tượng, theo nghĩa các vị thánh là bậc bề trên không ai đạt được, chuyên ban phước giáng họa.

Trong đạo Phật, chỉ có tôn tượng, theo nghĩa hình tượng để tôn thờ, lễ bái, noi theo gương tu hành và công hạnh cao quí, đáng tôn kính, để sống đời và tu tập đúng chánh pháp, hành đúng chánh đạo, cuối cùng là trọn thành Phật đạo. Cũng có những hình tượng gọi là bảo tượng, theo nghĩa hình tượng quí báu, vật chất và tinh thần, hoặc có giá trị theo chiều dài lịch sử.

Chúng ta nên biết: hình tượng làm bằng gổ, bằng thạch cao  không chịu được búa bổ; hình tượng làm bằng vàng, đồng, không chịu được lửa thiêu đốt. Các hình tượng dù bằng vật liệu nào cũng chịu qui luật vô thường: thành, trụ, hoại, diệt.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật có dạy:

Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.

Nghĩa là: Trên đời này, vật gì có hình tướng đều là hư vọng, nay hiện hữu, mai mất đi, không tồn tại vĩnh viễn.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật cũng dạy:

Nhược kiến chư  tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.

Nghĩa là: Qua hình tướng các tôn tượng chư Phật, nhưng không chấp tướng Phật Ngọc  Phật vàng, Phật đồng, hay Phật gỗ, ta mới thấy được, ngộ được Phật Tâm, Phật tánh Như Lai bằng trí tuệ bát nhã.

Bằng như mê tín chấp tướng, dù là tướng Phật Ngọc giá trị bạc triệu, hậu quả là ngộ độc bởi hoa mạn-đà-la, hay ánh sáng mạn-đà-la, hào quang 5, 7 màu, do các tà sư tuyên truyền bá láp, bán rao tà pháp, hưởng danh thu lợi.

Chúng ta thử xét qua vài trường hợp sau:

1. Các hình tượng Phật vĩ đại, rất cổ xưa ở xứ Afghanistan, được điêu khắc dựa theo triền núi đá, đã tồn tại hàng trăm năm, ngàn năm qua, nhưng vào năm 2001 chánh quyền Taliban đã dùng bộc phá, đại bác phá hủy hoàn toàn, mặc dù có lời can thiệp của Liên Hiệp Quốc, cũng như lời phản kháng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới.

2. Các hình tượng Phật được coi là linh thiêng được thờ trong các ngôi chùa danh tiếng của Phật giáo Tây Tạng, được bao nhiêu chức sắc, tu sĩ người Tây Tạng, cũng như khách thập phương, thờ cúng, lễ bái, nhưng vẫn bị tàn phá, hủy hoại trong trận động đất khinh khủng đầu năm 2010.

3. Tượng Phật Ngọc được đặt tên là hòa bình thế giới, hình thành do người Tây Tạng và đệ tử người Úc năm 2009, được đem triển lãm khắp các nơi có chùa người Việt, gây được phong trào cung nghinh và chiêm bái trong giới Phật tử người Việt và một số dân cư địa phương nơi triển lãm.

Tượng Phật Ngọc này, tuy có giá trị vật chất hàng triệu đô la, đem lại tín tâm và niềm hỷ lạc cho vô số người đến chiêm bái, cầu nguyện, nhưng vẫn cần sự bảo vệ của con người, tránh sự phá hoại của kẻ gian. Bằng cớ là tượng Phật Ngọc được triển lãm nơi nào, chùa viện người Việt phải, dùng tiền quyên góp từ Phật tử, ký giao kèo thuê mướn nhân viên an ninh (security gards) và mua bảo hiểm.

Con người phải bảo vệ tượng Phật Ngọc như thế, thì tượng Phật Ngọc chỉ có giá trị vật chất, chứ có linh thiêng gì đâu, có ai cầu gì được nấy đâu, các chùa viện triển lãm Phật Ngọc có bình an, có khá hơn chăng? - Hay là sau khi triển lãm xong, các chùa viện phải đối diện với bao nhiêu điều rắc rối, bất như ý, về tài chánh cũng như nhân sự, phải ngưng sinh hoạt tất cả các ban ngành, phải sám hối, thay đổi thời khóa buổi lễ hàng tuần đã quen 10 năm qua?

Tóm lại, người Phật tử chân chánh nên sống với Phật Tâm, nên có tín tâm và thực hành giáo lý thâm sâu vi diệu của đạo Phật trong đời sống hàng ngày mà thôi. []