TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Wednesday 13 February 2013

*** MÙA XUÂN DI LẶC

 
 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ

Theo truyền thống từ lâu đời của Tổ Tiên, từ nơi đô thành thị tứ, cho đến nông thôn xóm làng, vào ngày mùng một Tết Nguyên Ðán hằng năm, chúng ta cùng gia đình, thường hay đi chùa, lễ Phật tụng kinh, chí tâm cầu nguyện, chư Phật mười phương, thùy từ gia hộ, nhà cửa bình yên, gia đạo hạnh phúc, từ đầu năm chí những cuối năm. Ðồng thời chúng ta cũng gửi đến nhau những lời cầu chúc một năm tốt đẹp, vạn sự như ý, an lạc kiết tường. Trong nhà Phật, ngày mùng một Tết Nguyên Ðán đầu năm cũng là ngày vía đức Bồ Tát Di Lặc.

Chúng ta thường tụng: Nam Mô Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Nghĩa là theo kinh điển Phật giáo, Bồ Tát Di Lặc sẽ thành một vị Phật trong tương lai. Như vậy, lễ vía đức Bồ Tát Di Lặc ngày đầu năm, đối với mọi người, mang ý nghĩa hy vọng được vạn sự kiết tường, vạn sự như ý trong năm mới. Còn đối với những người tu học, ngày vía đức Bồ Tát Di Lặc còn mang một ý nghĩa trọng đại, đó là sự tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, quyết tâm quyết chí để chuyển hóa tâm trí, từ một phàm phu tục tử, đầy dẫy phiền não và khổ đau của ngày hôm nay, trở thành sáng suốt, giác ngộ và giải thoát của một vị Phật trong tương lai.

Nhân dịp đầu xuân năm nay, chúng ta hãy lắng lòng, dẹp qua một bên niềm ưu tư về những chuyện thăng trầm của thế sự, cùng nhau cố gắng tìm hiểu về đức Bồ Tát Di Lặc và những hạnh nguyện của Ngài, để áp dụng ngay trong cuộc sống của người Phật Tử tại gia, nhằm mục đích tạo được sự an lạc và hạnh phúc một cách trọn vẹn và thiết thực.

Theo quan niệm thông thường của dân gian, người ta thường kiêng cử đủ thứ chuyện trong ngày đầu năm mới, bởi vì cho rằng, chuyện gì xảy ra trong ngày đầu một năm sẽ "dông" suốt cả năm, nghĩa là chuyện đó sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt năm đó. Người ta coi hướng tốt để xuất hành, chọn những người "tốt tên tốt tướng" để mời đến nhà xông đất đầu năm, với niềm hy vọng được "hên" trọn năm, được tài lộc dồi dào suốt năm. Chẳng hạn người tên "Vinh" đi cùng với người tên "Quang", hoặc người tên "Tấn" đi cùng với người tên "Phát", hoặc người tên "Tài" đi cùng với người tên "Lộc" đến thăm, trong ngày đầu năm thì được lắm, tốt lắm, hoan nghênh. Còn như người tên "Quan" đi cùng với người tên "Tài", thì không được đâu. Ngày đầu một năm người ta kiêng cử không quét nhà, kiêng cử không khua chén đũa bát đĩa, với niềm hy vọng giữ được sự sung túc, an hòa trong gia đạo suốt năm.

Thực sự, ai ai cũng biết rằng những điều đó không đúng thực tế, người ta chỉ nghĩ và làm theo thói quen, theo phong tục tập quán, với niềm hy vọng được điều này điều kia, chứ không có căn cứ vào đâu cả, và nhất là không đúng với Chánh Pháp, nhưng cho đến ngày nay, vẫn còn không ít người cứ tin như vậy. Bởi thế cho nên, trong đạo Phật, chư Tổ chọn ngày mùng một Tết Nguyên Ðán là ngày vía đức Di Lặc và Phật Tử chúng ta thường gọi mùa xuân hằng năm là "Xuân Di Lặc", mang ý nghĩa "Xuân Hoan Hỷ", "Xuân Hy Vọng", hay "Xuân Hạnh Phúc". Ý nghĩa này hết sức tích cực, thâm trầm và lợi ích, chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu.
* * *
Trước hết, chúng ta được biết, hình ảnh của đức Di Lặc được thờ trong các chùa, trông rất khỏe mạnh, mập mạp, và gương mặt luôn luôn tươi cười một cách hoan hỷ. Ðặc biệt, chúng ta thấy có sáu đứa bé bám trên thân của Ngài. Ðứa thì móc mắt, đứa thì móc mũi, đứa thì móc miệng, đứa thì chọc lỗ tai, đứa thì moi rún, mà Ngài vẫn tươi cười, như không có chuyện gì làm cho Ngài phải phiền hà bực dọc hết trơn. Hình ảnh của sáu đứa bé chính là bài học tích cực, giúp chúng ta xây dựng được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính chúng ta và cho những người chung quanh, ngay trong hiện đời, ngay trong cuộc sống đầy phiền não và khổ đau này.

Có người còn gọi bức tượng đó là "Phật Hoan Hỷ". Ðầu năm đến chùa cúng vái Ngài để được "hoan hỷ" suốt năm. Nhưng cũng có nhiều người hiểu lầm cho đó là vị thần có nhiều con cái, để những ai muốn có con, hãy đến lễ lạy Ngài mà cầu xin! Cũng có nhiều người lầm lẫn với bức tượng khác của một vị thần to béo, miệng cười toe toét, có vẻ khoái trá, hai tay nâng một lượng vàng, đó chính là tượng thần tài, không liên quan gì đến Phật giáo. Sáu đứa bé bám vào thân của Ngài đó tượng trưng cho "lục tặc", tức là sáu tên giặc chuyên gây phiền não, gây rắc rối, gây bực dọc cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sáu tên giặc đó là những ai? Làm sao chúng có thể gây rắc rối cho cuộc đời của chúng ta được? Chúng ta cần nhận diện rõ ràng sáu tên giặc đó, mới có thể điều phục được chúng, để xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc, một cách tích cực hơn.
Chúng ta có lục căn, tức là sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Với hai con mắt, chúng ta trông thấy những hình ảnh nào dễ thương, hạp nhãn, thì sanh tâm đắm nhiễm, nhớ nhung, tham luyến, muốn chiếm đoạt làm của riêng mình; còn nếu trông thấy những hình ảnh khó ưa, xấu xí, thấy phát ghét, thì sanh tâm bực dọc, tức giận, bất an. Với hai cái tai, chúng ta nghe những tiếng êm dịu, tâng bốc, thì sanh tâm đắm nhiễm, ưa thích; còn nếu nghe những lời chỉ trích khó nghe, chạm đến tự ái, chạm đến bản ngã to lớn của mình, thì không kham nhẫn, nên sanh tâm sân hận, oán ghét, bất an. 

Với cái mũi, chúng ta chỉ thích những mùi hương thơm ngát, dễ chịu và ghét những mùi khó chịu, những mùi lạ không vừa ý, nên sanh tâm bực dọc, bất an. Với cái lưỡi, chúng ta chỉ thích ăn ngon khoái khẩu, hạp vị, mà không nghĩ đến sự đau khổ của các chúng sanh bị giết làm thịt; còn nếu không được ngon miệng, thì sanh tâm bực bội, gắt gỏng, bất an. Với cái thân tứ đại giả tạm này, nhưng vì mê lầm, chúng ta thường chấp là chính mình, chúng ta chỉ thích mặc đẹp và những xúc chạm vừa ý; còn nếu không được như ý, thì sanh tâm cau có, quạu quọ, tức tối, bất an. Quan trọng hơn cả với cái tâm ý lăng xăng lộn xộn, không một giây phút ngừng nghỉ, chúng ta luôn luôn suy tư, nghĩ tưởng lung tung, linh tinh lang tang, tính toán những điều gì có lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho tổ chức mình, luôn luôn khen mình khinh người.

Nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, khi "sáu căn" của chúng ta tiếp xúc với "sáu trần", mà tâm niệm khởi lên thế này thế nọ, trong kinh sách gọi là "sáu thức", tức là phiền não bất an dấy lên vậy. Trong trường hợp như vậy, lục căn của chúng ta chính là lục tặc, tức là sáu tên giặc, đã, đang và sẽ dẫn dắt chúng ta vào sanh tử luân hồi, nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác, sáu căn của chúng ta chính là cội gốc của sinh tử luân hồi. Người ta thường nói: "tam bành" (tham, sân, si) do "lục tặc" (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gây ra, chính là nghĩa đó vậy.

Tuy nhiên, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Sáu căn chính là cội gốc của sanh tử luân hồi và sáu căn cũng chính là cội gốc của giải thoát niết bàn". Tại sao vậy? Bởi vì, nếu lục căn của chúng ta, tức là sáu giác quan, gồm có: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân và ý, khi tiếp xúc với lục trần, tức là sáu trần cảnh bên ngoài gồm có: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp, mà không đắm nhiễm, không dính mắc, không sanh lục thức, thì chúng ta đâu có bị phiền não, trong lòng đâu có nổi "tam bành". Tức là chúng ta không tham, không sân, không si, dù vẫn thường xuyên tiếp xúc với mọi người mọi cảnh trong cuộc đời. Giữ gìn được như vậy tức là chúng ta được giải thoát khỏi phiền não khổ đau, sống trong cảnh giới Niết bàn an lạc vậy.

Mắt trông thấy hình sắc thì biết rõ ràng người nào là người nào, món này là món này, nhưng không khởi niệm thương hay ghét, ưa hay không ưa. Tai nghe thấy tiếng thì biết rõ ràng là tán thán hay phê phán, nhưng không khởi niệm khoái chí hay bực bội. i ngửi thấy mùi thì biết rõ ràng là mùi hương gì, nhưng không khởi niệm thích hay không thích. Lưỡi nếm vị thì biết rõ ràng là vị gì, nhưng không khởi niệm khen ngon hay chê dở. Thân xúc chạm thì biết rõ ràng là tốt hay xấu, nhưng không khởi niệm dễ chịu hay khó chịu. Tâm ý nghĩ suy thì biết rõ ràng là đúng hay sai, phải hay quấy, nhưng không khởi niệm kỳ thị, đố kỵ, so sánh, hơn thua, tranh chấp. Do đó, chúng ta đâu có bị kéo lôi, không có bị cột trói vào chuyện thương thương ghét ghét, chuyện đấu tranh tranh đấu, chuyện lặp đi lặp lại, chuyện nói tới nói lui, chuyện nói xuôi nói ngược, nghĩa là chúng ta đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau đó vậy.

Thí dụ như mắt trông thấy lượng vàng, trông thấy kim cương hột xoàn, mà chúng ta không nổi lòng tham lam, ham thích, muốn sở hữu nó, thì đâu phải khổ công khó nhọc, đi làm đầu tắt mặt tối, để mua sắm nó. Còn nếu bản thân, vốn đã lười biếng, không chịu làm việc, mà lại tham lam, muốn có lượng vàng, muốn có hột xoàn, thì còn khổ hơn, gấp muôn bội phần! Không phải là chúng ta không cần tiền để sinh sống, nhưng cổ nhơn có dạy: "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn". Nghĩa là người nào biết đủ thì lúc nào cũng thấy đủ và người nào biết nhàn thì lúc nào cũng thấy nhàn. Chỉ cần "biết" như vậy thì cuộc đời đã đủ quá rồi, đã nhàn quá rồi. Bằng như ngược lại, bao nhiêu mới gọi là đủ, chừng nào mới gọi là nhàn? Con người bận lo toan chuyện tranh danh đoạt lợi suốt cả cuộc đời, cho nên không bao giờ thấy đủ, chưa bao giờ thấy nhàn, chẳng kịp tỉnh thức thì đầu đã bạc trắng, thân đã mỏi mòn, không còn thời giờ để lo liệu sắm sửa hành trang, thì đã phải đi du lịch thế giới khác rồi!

Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy:
"Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. 
Bất tri túc giả thân xử thiên đàng diệc bất xứng ý".
Nghĩa là người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng lấy làm an lạc, vui sướng. Người không biết thế nào là đủ, dù thân có ở thiên đàng, tâm cũng vẫn không vừa ý! Chỉ cần "biết" như vậy thì cuộc đời an lạc và hạnh phúc hiện tiền! Bằng như ngược lại, dù có được cầu chúc tiêu diêu nơi miền cực lạc hay siêu thăng về cõi thiên đàng trên báo chí, cũng khó mà được lắm thay!

Thí dụ như tai nghe thấy tiếng khó nghe, mà tâm không chấp những lời vô nghĩa, thì chúng ta đâu có nổi lòng sân, và đâu có bị lôi vào vòng sanh tử luân hồi khổ đau. Trong kinh điển, Ðức Phật có dạy chúng ta là "y nghĩa bất y ngữ", tức là chỉ nghe theo những lời nói có nghĩa, mà không chấp những lời nói suông vô nghĩa. Nếu có người mắng chúng ta là đồ ngu, mà chúng ta nổi sân, cãi lại cho ra lẽ, thì quả là chúng ta ngu thật rồi, còn gì nói nữa. Nếu có người miệt thị chúng ta mất uy tín quá, mà chúng ta khiêm nhường chẳng thấy mình có uy tín gì để mà mất, thì bình yên quá! Những lời nói vô nghĩa như vậy khi đến nhĩ căn của chúng ta, tức là hai cái lỗ tai, cũng giống như gió thoảng mà thôi! Ðược như vậy, chúng ta sẽ sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc, không nghi.

Bởi vậy, có một bài kệ như sau:
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, (không dính)
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không. (không mắc)
Trơ trơ lẵng lặng cõi lòng, (vô niệm)
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân. (giải thoát)
Ngược lại, cũng có bài kệ như sau:
Mắt thấy sắc, thấy rồi thì dính, (dính) 
Tai nghe tiếng, nghe rồi thì mắc. (mắc) 
Tam bành lục tặc trong lòng, (loạn tâm) 
Nặng nề ta lọt vào vòng tử sanh. (phiền não)

Có người đến hỏi một vị thiền sư: Làm sao để được giải thoát? Vị thiền sư đáp:"Lục căn tiếp xúc lục trần, không sanh lục thức là giải thoát". Nghĩa là thường ngày, nếu chúng ta sống trong cõi đời này, sáu giác quan của chúng ta tiếp xúc với sáu đối tượng ở trần đời, mà không sanh tâm dính mắc, không sanh tâm loạn động vì tham sân si thì chúng ta sẽ được tự tại, giải thoát ngay hiện đời. Mắt trông thấy sắc, tai nghe thấy tiếng, mũi ngửi biết mùi, lưỡi nếm biết vị, nhưng mà đừng khởi niệm thương hay ghét, thích hay không thích, nếu như có khởi niệm rồi thì đừng theo. Như vậy chúng ta đâu có gì gọi là phiền não, sân hận hay bực dọc nữa. Từ xưa đến giờ, mỗi khi tâm khởi niệm, chúng ta liền theo đến cùng, theo từ chuyện đông sang chuyện tây, từ chuyện xưa đến chuyện nay, từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện hang cùng ngõ hẹp, từ chuyện xứ người đến chuyện xứ mình, từ chuyện người lớn đến chuyện trẻ con, từ đủ mọi thứ chuyện trên trần đời, để rồi than nhức đầu vì nhiều chuyện quá, than trời trách đất vì khổ thân khổ não quá!

Còn như sáu đứa bé luôn luôn chọc phá đức Di Lặc, mà Ngài vẫn tươi cười hoan hỷ như không có chuyện gì xảy ra. Nghĩa là "lục căn" của Ngài vẫn thường tiếp xúc với "lục trần", mà tâm của Ngài không sanh ra "lục thức", thì Ngài sống rất an nhiên, tự tại. Ðó là cảnh giới của những người "vô tâm", tức là những người không có tâm niệm lăng xăng lộn xộn, cho nên không có phiền não và khổ đau. Ðó là cảnh giới niết bàn ở ngay trong tâm trí của chúng ta hiện đời, chứ không phải đợi sau khi chết mới tiêu diêu nơi miền cực lạc, hay lên trên thiên đàng đâu đâu không tưởng.

Ðạo Phật chủ yếu chỉ bày phương pháp rèn luyện tâm, chuyển hóa tâm, từ vô minh trở thành giác ngộ, từ tà vạy trở thành chân chính, từ phiền não và khổ đau trở thành an lạc và hạnh phúc. Ðạo Phật được áp dụng ngay trong thực tế của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, giúp những người thiện tâm được sống bình an ngay tại thế gian này, chứ đạo Phật không phải chỉ lo cầu an cho người sống, cầu siêu cho người quá cố mà thôi. Hiểu được như vậy mới không phí phạm cả cuộc đời quí báu này!

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy: "Tâm cảnh không dính nhau là giải thoát". Nghĩa là chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, trong kinh điển gọi là "kiến văn giác tri", nếu tâm của chúng ta không dính mắc thì không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát. Thật là hết sức đơn giản. Lý lẽ tuy cao siêu, vi diệu, nhưng hết sức thực tế. Bất cứ ai cũng có thể làm được, không cần phải thờ lạy, cúng kiến, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, nghề nghiệp, xuất xứ, học thức, nam nữ, già trẻ, bé lớn, giàu nghèo, sang hèn.
* * * 
Tuy nhiên, nói như vậy thì hiểu như vậy, chứ còn thực hiện được cái chỗ "không dính", cái chỗ "không mắc", cái chữ "vô tâm", cái chữ "vô niệm", thì chúng ta cần phải có phương pháp tu để ứng dụng, để thực hành. Làm sao chúng ta có thể sống vui tươi, hạnh phúc suốt năm và cả đời như đức Di Lặc? Ðiều đầu tiên, chúng ta hãy can đảm nhận thấy rõ cuộc sống của chúng ta vui ít khổ nhiều, đừng tự dối mình gạt người, nhưng không bi quan yếm thế và cũng đừng sống trong phiền não, khổ đau bi thảm như trước đây nữa. Muốn được như vậy, chúng ta phải đảnh lễ Ngài với tất cả lòng thành kính và hướng tâm hồn học theo cái hạnh nguyện của Ngài, đặng tâm trí được an vui phơi phới, dù đang ở trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng vậy. Ðức Di Lặc tu theo pháp môn nào mà được tự tại như vậy? Ðó chính nhờ Ngài tu bốn hạnh "từ, bi, hỷ, xả", trong kinh sách gọi là "tứ vô lượng tâm", tức là bốn tâm địa rộng lớn thênh thang, không thể nghĩ bàn.

Với tâm từ, Ngài luôn luôn mang niềm vui đến với mọi người, bất cứ lúc nào, không phân biệt gì cả. Với tâm bi, Ngài luôn luôn cứu giúp những người đau khổ, những người bất hạnh, thương người như thương chính mình. Với tâm hỷ, Ngài luôn luôn vui vẻ, hoan hỷ với những việc lành, những hạnh phúc, những thành tựu của tất cả mọi người xung quanh, không có tâm ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm. Ngài luôn luôn nhớ câu: "Nam mô nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến bồ tát". Nghĩa là Ngài luôn luôn noi gương những vị bồ tát mà tất cả mọi người đều hoan hỷ khi gặp mặt. Với tâm xả, Ngài không bao giờ chất chứa trong lòng, trong kho tàng tâm thức, bất cứ điều phiền muộn nào, dù nhỏ đến đâu. Trái lại, Ngài luôn luôn tha thứ cho bất cứ ai gây phiền muộn, rắc rối cho Ngài. Ðức Di Lặc không bị bất cứ phiền não nào tác động, cho nên thân tướng mập mạp khỏe mạnh, tâm trí thanh thản, thảnh thơi thơi thới, nét mặt lúc nào cũng hoan hỷ vui tươi. Nếu chúng ta muốn được an nhiên tự tại, muốn được hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta phải noi gương Ngài để tu bốn hạnh "từ, bi, hỷ, xả" vậy.

Nếu có tâm từ và tâm bi, chúng ta sẽ biết thương yêu và thông cảm với tất cả mọi người, dù kẻ đó đang gây phiền não cho mình, đồng thời chúng ta sẽ giảm bớt lòng tham và lòng sân. Thí dụ như chúng ta giúp đỡ bất cứ ai điều gì, hay chúng ta nuôi nấng con cái của mình, bởi do lòng từ bi, thì chúng ta sẽ không cầu báo đáp, không nhớ công lao, không kể lể ơn nghĩa, với mọi người hay ngay cả với con cái trong gia đình. Do đó, ai cũng hoan hỷ khi gặp mặt, không ai cảm thấy khó chịu, sau khi thọ ơn của chúng ta.

Chúng ta thường có lòng từ bi với những loài vật nhỏ nhít như ruồi muỗi côn trùng, hay lớn hơn như gà vịt heo bò. Chúng ta không nở giết hại chúng, không nở ăn thịt chúng. Nhưng đối với những con người sống chung quanh, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, đồng đạo, đồng bào, đôi khi chúng ta không nhịn nổi một câu nói chạm đến tự ái hay một hành động xúc phạm đến danh dự của mình, dù vô tình hay cố ý! Lòng từ bi như vậy đó cần phải được xét lại! Cũng vậy, chúng ta thường có lòng từ bi với người chưa quen hay với người ở phương xa, lâu lâu gặp một lần. Nhưng chúng ta khó có lòng từ bi với những người ở gần chung quanh, khi họ nói lời nào mích lòng mình, làm điều gì trái ý mình. 

Khi chúng ta thấy một người làm việc phước thiện, như cúng chùa hay tặng hội từ thiện một số tịnh tài chẳng hạn, nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, nghĩa là vui theo với việc thiện người khác làm được, thì chúng ta cũng được phước báu như người đó. Tại sao vậy? Bởi vì, trong kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: 
 "Khi có người mồi ngọn đuốc được sáng rồi, nếu người khác đến mồi từ ngọn đuốc đó, thì ngọn đuốc sau cũng sáng như vậy, trong khi ngọn đuốc trước không giảm sáng chút nào".  

Cũng vậy, khi có người phát tâm làm việc phước thiện, thì tâm từ bi của người đó tăng trưởng, tâm tham lam bỏn sẻn của họ giảm bớt. Họ được phước báu, giảm bớt phiền não, lần lần tâm tánh của họ được thanh tịnh, cuộc sống của họ được an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, một trong tứ vô lượng tâm, vui theo với việc thiện của người khác, thì chúng ta giảm được tâm đố kỵ, ganh tị, tâm từ bi của chúng ta cũng tăng trưởng, và khi đủ duyên, chúng ta cũng sẽ làm việc thiện đó vậy. 

Còn đối với tâm xả, đó là chỗ hết sức cao siêu của người tu hạnh giải thoát. Muốn được giải thoát, muốn được tự tại, nhẹ nhàng bước ra khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi, nhứt định chúng ta phải tu hạnh xả. Nếu lục căn của chúng ta tiếp xúc với lục trần, đừng dính đừng mắc, cái gì cũng xả, cái gì cũng bỏ qua hết, thì chúng ta không còn gì để đem vào chứa trong kho tàng tâm thức của chúng ta hết. Lúc đó, chúng ta sống trong tự tại nhẹ nhàng, thảnh thơi thơi thới, không lo âu phiền muộn, không ưu tư lo lắng, không thấp thỏm phập phồng.

Do tâm từ bi, chúng ta làm được biết bao nhiêu việc phước thiện không mệt mỏi, và do tâm hỷ xả chúng ta vui vẻ bỏ qua hết, quên hết tất cả những việc đã làm, quên hết tất cả những việc bất như ý. Trong tâm thức của chúng ta không có bốn tướng "ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả". Tức là chúng ta không thấy có mình là người làm phước, có kẻ khác là người nhận lãnh và không nhớ, không để tâm đến những việc tốt chúng ta đã làm, đã cho, đã giúp đỡ bao nhiêu người khác. Như vậy chúng ta sẽ không cầu được báo đáp, không kể lể, không đòi hỏi bất cứ ai nhớ ơn chúng ta, thì chúng ta không có phiền não chút nào cả, nếu gặp phải những người không biết chuyện ơn nghĩa. Sách có câu: "Thi ân bất cầu báo", chính là nghĩa đó vậy.

Chúng ta sở dĩ bị sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, bởi vì chúng ta dính mắc quá nhiều. Chúng ta chẳng những không biết buông xả, trái lại, còn chứa nhóm quá nhiều thứ trong tàng thức, trong kho tàng tâm thức của chúng ta. Hôm nay, nhân dịp năm cũ sắp hết, để chuẩn bị chào đón năm mới sắp sang, theo thông lệ, chúng ta thường lo sửa soạn trang hoàng nhà cửa, và đồng thời mở cửa nhà kho, dọn dẹp cho sạch sẽ, sắp xếp cho ngăn nắp. Cũng vậy, để có được một mùa "Xuân Di Lặc", mang ý nghĩa "Xuân Hoan Hỷ", "Xuân Hy Vọng", hay "Xuân Hạnh Phúc", chúng ta không thể quên việc chăm sóc, dọn dẹp, sửa sang cho thực sạch cái "kho tàng tâm thức" của chúng ta.

Lục căn của chúng ta cũng như các bộ phận của cái máy quay phim, hằng ngày thu nhận không biết bao nhiêu là hình sắc, âm thinh, rồi đem chứa vào trong kho tàng tâm thức. Thỉnh thoảng hay lâu lâu, thậm chí đến mấy chục năm sau, đến lúc tuổi già, mang ra chiếu lại, để cười chơi hoặc để tức giận, như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua còn nóng hổi vậy. Mặc dù những diễn viên trong đó đã đi vào quá khứ từ lâu! Họ đã quên hết mọi chuyện, chỉ có chúng ta là còn nhớ quá kỹ, để lãnh đủ phiền não khổ đau. Nếu buông xả được, xóa được những cuốn băng trong kho tàng tâm thức, chúng ta sẽ trở nên con người vui tươi dễ chịu, lúc nào cũng hoan hỷ vui vẻ như đức Di Lặc vậy, nhứt thiết chúng sanh sẽ hoan hỷ kiến, không nghi.

Lúc đức Phật còn tại thế, có một người mang hai chậu bông đến cúng dường, với tâm mong cầu pháp môn tu giải thoát. Khi gặp mặt, Ðức Phật bảo buông, ông ta bèn buông tay trái, chậu bông rơi xuống đất. Ðức Phật lại bảo buông, ông ta bèn buông tay phải, chậu bông thứ hai rơi xuống đất. Ðức Phật lại bảo buông, ông ta bèn thưa: Bạch đức Thế Tôn, hai tay con đã buông hết rồi, đâu còn gì để buông nữa? 

Ðức Phật dạy: "Như Lai bảo ông buông lần thứ nhứt là bảo ông buông sáu căn, lần thứ hai là bảo ông buông sáu trần, lần thứ ba là bảo ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không còn nhiễm trước, tức thập bát giới không thành lập, thì ông được giải thoát". Lục căn, lục trần và lục thức nói chung là thập bát giới. Thập bát giới không thành lập có nghĩa là: lục căn tiếp xúc với lục trần không sinh ra lục thức! Thực là đơn giản!
* * *
Tóm lại, chúng ta cần lưu ý là đức Thích Ca đã đi tìm đạo, đã tu tập, đã chứng đạo và đã thành Phật dưới cội cây bồ đề, ngay tại thế giới ta bà này, từ 26 thế kỷ trước, lịch sử đã ghi lại rõ ràng. Và sau này, đức Di Lặc cũng sẽ hạ sanh ở thế giới ta bà này, để tu hành và sẽ thành Phật dưới cội cây long hoa. Nghĩa là mười phương chư Phật đều thành Phật ở ngay tại thế giới ta bà này, chứ không phải ở thế giới nào khác. Bởi vì ở các cõi thiên giới quá sung túc vật chất, chúng sanh ở đó ham vui, lo hưởng thụ quên tu, còn ở các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh thì quá khổ về vật chất lẫn tinh thần, nên cũng không tu được. Chỉ có ở thế giới ta bà này, con người có đủ thuận cảnh lẫn nghịch cảnh để tu hành, để thử thách và tiến đến chỗ giải thoát mà thôi. Chúng ta nên bình tâm xét lại những mộng tưởng về cõi Tây phương cực lạc, hay cõi thiên đường ở kiếp sau, để tích cực tu tâm dưỡng tánh ngay hiện đời, để khỏi uổng kiếp làm người trong muôn một. 

Chúng ta đã nghiên cứu và thấu hiểu một cách rất rõ ràng phương pháp tu giác ngộ và giải thoát, hay ít ra cũng đạt được an lạc và hạnh phúc hiện đời. Vậy chúng ta hãy bắt đầu cất bước lên đường làm hành giả kể từ mùa xuân năm nay là vừa. Ðược như vậy, chúng ta sống trên cõi đời này sẽ thấy nơi đây chính là cõi an lành tự tại, là một thế giới đầy tình thương yêu, đầm ấm. Thế gian này chính là cảnh giới của chư Phật, chư hiền thánh nhơn, chư thượng thiện nhơn, chứ không còn là cảnh giới của phàm phu tục tử nữa. 
Kính chúc quí vị được hưởng một mùa xuân Di Lặc, mùa xuân hy vọng, mùa xuân an lạc và hạnh phúc, mùa xuân miên viễn của tất cả chúng ta vậy. 

THƯ HỎI ĐÁP PHTQ 
From: Viet-News <sanewspaper@gmail.com>
To: 'PHAT-HOC TINH-QUANG CANADA' <cutranlacdao@yahoo.com>
Sent: Monday, February 11, 2013 2:34:10 AM
Subject: Kính Bạch Thầy Thích Chân Tuệ

Kính Bạch Thầy Thích Chân Tuệ
     Trong thời gian qua, NUTB đã phổ biến một số bài viết của Thầy được nhiều đồng hương phật tử đón nhận và coi đó như là kim chỉ nam, là những triết lý sống của nhà Phật.
     Gần đây nhiều đồng hương phật tử vẫn còn ưu tư một vài vấn đề, hy vọng Thầy có thể giải đáp được. Nhiều người vẫn còn lấn lấn về ý nghĩa của chiếc áo lam và chiếc áo nâu của người phật tử (hay cư sĩ).
   
  Vừa qua có một vị được gọi là "Hoà Thượng", đã ban tặng chiếc áo mâu cho một người phật tử. Điều đáng nói là vị phật tử này chưa hề khoát chiếc áo lam, thỉnh thoảng mới đi chùa, và hiện đang làm chủ nhà hàng.
     Nhiều người cho rằng, mặc dù ông ta không trực tiếp sát sanh nhưng cũng đã gián tiếp. Bởi vì nhu cầu hàng ngày của nhà hàng là không thể thiếu thịt cá. Như vậy khi khoát chiếc áo nâu vị ấy có sai phạm trong các giới luật của nhà Phật hay không? Riêng người ban phát cũng đã biết vị này đang làm ăn buôn bán mà vẫn cứ trao áo nâu cho họ, thì việc làm của vị "Hoà Thượng" này có đúng không?
    
 Nhiều dư luận cho rằng sở dĩ có việc này là vì hiện tại vị "Hoà Thượng" bị nhiều người chống đối vì quay lưng với giáo hội bên nhà (mặc dù có cùng danh xưng), đồng thời bảo lãnh nhiều sư sãi từ trong nước sang đây (không phải sư sãi của GHPGVNTN). Trong khi đó người chủ nhà hàng thì lại thường xuyên đóng góp tài chánh cho chùa (phải nói là khá hậu hỷ), đồng thời có uy tín đối với cộng đồng.
     Việc là như thế, vậy NUTB rất mong mỏi nếu có bài nào giải thích về ý nghĩa chiếc áo nâu đối với người phật tử (hay cư sĩ) thì xin Thầy gửi cho, để phổ biến cho đồng hương phật tử được rõ.
     Trước thềm năm mới, NUTB xin chân thành kính chúc Thầy thân tâm thường an lạc để đem đạo vào đời, dìu dắt chúng sanh.
Kính Bạch Thầy
Nguyễn văn Lộc
BBT NUTB
PHTQ Giải đáp:
Kính thưa Quí Ông Nguyễn Văn Lộc, BBT NUTB
Trước hết VP.PHTQ.CANADA trân trọng cảm tạ tấm lòng của quí BBT NUTB
và của riêng quí Ông.
Quí vị đã phục vụ độc giả đồng hương tại Úc châu với tấm lòng vị tha, đem ánh sáng
chánh pháp (an lạc và hạnh phúc) đến mọi người, không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng.
Các bài viết của VP.PHTQ.CANADA tuy mang hình thức PG - bởi do các nhà sư viết - nhưng
nội dung vượt qua những cố chấp thường tình trên thế gian để đến với tất cả mọi người biết
đọc tiếng Việt và hiểu tiếng Việt (có một số người không phải Người Việt Nam, nhưng biết tiếng Việt,
cũng thích đọc các bài viết này).

Đối với vấn đề áo lam hay áo nâu trong nhà Phật, thực ra không có qui định rõ ràng nào cả.
Nhiều người tưởng rằng áo lam thấp, áo nâu cao cấp hơn, và hành động của nhà sư đó có vẻ
"nịnh" vị Phật tử chủ nhà hàng, người có tiền và có thế lực đời. Việc gì trong đời cũng như trong chùa đều có 2 mặt: thị và phi (đúng và không đúng - sai)

1. Việc một thí chủ phát tâm cúng dường nhà chùa là đúng chánh pháp.
 Tuy nhiên, vị đó cúng dường với cái tâm nào?
- Thiện tâm (bất vụ lợi, không mong cầu, chỉ vì muốn giúp cho chánh pháp được phổ cập trong nhân gian)
- Bất thiện tâm (vụ lợi, rửa tiền, chạy bớt tội làm ăn gian dối, mua chuộc nhà chùa)
Từ đó, phước báu vô biên do tâm vô lượng, hay phước báu nhỏ nhoi bởi tâm nhỏ hẹp tương ứng.
Phước báo (đáp lại khi đã tạo phước báu trước đây) có công năng giúp người gặp may mắn,
được tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.
Do đó con người cần tu nhân, tích phước hàng ngày để khi hữu sự (gặp tai nạn, hay sự bất trắc),
mọi việc sẽ hanh thông. Đợi đến khi có chuyện vào chùa nhờ các sư tụng kinh chú cầu an là điều vô ích.
Tại sao vậy? Bởi nhà sư, nhà chùa cũng gặp đủ chuyện tai nạn, bất trắc, chứ đâu có bình yên mãi mãi.
Có khi nhà chùa bị cháy, hay nhà sư bị bệnh, rồi cũng chết như mọi người thôi.

2. Việc nhà chùa, nhà sư nhận của cúng dường là đúng chánh pháp. 
 Tuy nhiên, vị đó nhận với cái tâm nào?
- Thiện tâm (không đòi hỏi hay phân biệt người cúng là ai, tịnh tài bao nhiêu và phải giảng giải chánh pháp rõ ràng rằng: việc cúng dường này chỉ tạo phước đức - không có chút công đức nào)
- Bất thiện tâm (mê hoặc người đời qua các chuyện mê tín để làm tiền, lợi dưỡng, không có chánh pháp giảng giải, chỉ có mấy món vật phẩm tầm thường: xâu chuỗi, áo tràng, nịnh bợ, phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ ít tiền người lắm tiền)

Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC (Theo link)

3. Trước đây, VP.PHTQ.CANADA đã vạch rõ cho mọi người thấy một số người khoác áo cà sa nhưng không phải là nhà tu chân chính - dù họ sống trong trong chùa to, tượng lớn, chức vụ cao tột, ngồi ghế nạm rồng,
y áo như phường tuồng cải lương, thùng thình xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, đi đứng lọng che như vua quan thời phong kiến, tổ chức văn nghệ gây quỹ liên miên để xây tòa phương trượng, đem ca xướng vào gây náo động thiền môn, để có dịp thưởng thức. Một số sư trong nước ra, dù đã có chùa lớn, chính là bọn giả sư nằm vùng, bên Úc nhiều lắm. Tiếc thay, một số lớn tín đồ vẫn cúng kiến lễ lạy chúng, thực khó phân biệt giả chân.

Tóm lại, đối với vấn đề y áo trong nhà chùa, VP.PHTQ.CANADA sẽ có bàì viết dài hơn, chi tiết hơn. Ở miền Nam, áo tràng màu nâu dùng cho Tăng chúng, áo tràng màu lam dùng cho đại chúng cư sĩ, Phật tử tại gia hay các vị mới xuất gia và chư vị Ni chúng. Ở miền Bắc, các vị Phật tử, cư sĩ nam nữ và tăng chúng, ni chúng đều dùng áo tràng màu nâu. Cần phân biệt áo tràng tay hẹp bình thường dùng hàng ngày cho đại chúng nói chung với áo hậu tay rất rộng (màu vàng hay màu lam) chỉ dùng cho chư vị xuất gia khi đắp y hành lễ mà thôi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
Kính thư,
BBT.PHTQ.CANADA
CHỦ NHIỆM: TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
108-123 Railroad St., Brampton, ON, L6X-1G9, CANADA

xin hoan hỷ thăm viếng: