TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 2 July 2013

*** 5 ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA ĐẠO PHẬT

Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

5 Điểm Quan Trọng của Đạo Phật
(Trích Tập san Phật Học Tịnh Quang Số 22 - Trang 26)

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Phật-Học Tịnh-Quang Canada

Năm nay, dương lịch 2013, Phật lịch 2557, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 2637 Ðức Phật Thích Ca đản sanh, vào ngày rằm tháng tư (15 - 4) âm lịch, nhằm ngày 24-5-2013, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử và tìm hiểu ý nghĩa thâm trầm của ngày lễ trọng đại này. 
Ðức Phật Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ, được gọi là Thái tử Tất Ðạt Ða (hay Sĩ Ðạt Tha), con của đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia. 

Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh song thân lập gia đình với Công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sanh Thái tử La Hầu La.  Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử trong nhân gian.  Từ đó, Ngài luôn luôn trầm tư mặc tưởng, muốn tìm phương tự độ và cứu giúp chúng sanh thoát khỏi cảnh trầm luân sanh tử, cho nên Ngài lìa bỏ hoàng cung, lên đường tìm đạo giải thoát.  Sau 6 năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già, và 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề, tâm trí thanh tịnh, Ngài hoát nhiên giác ngộ, thành Phật, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vào năm Ngài được 35 tuổi.  Sau đó, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp, đem chân lý giác ngộ giải thoát giảng dạy cho mọi người trong 45 năm ròng rã, và Ngài thị tịch, nhập niết bàn, năm 80 tuổi tại khu rừng ta la song thọ.

Toàn bộ lịch sử của Ðức Phật Thích Ca từ ngày đản sanh, đến thành đạo và nhập niết bàn, cũng như toàn bộ giáo lý của Phật giáo, không phân biệt tông phái, nêu lên những điểm quan trọng như sau: 

1) Mọi người trên thế gian đều có thể trở thành một vị Phật, một bậc sáng suốt giác ngộ, không phân biệt dân tộc, nam nữ, xuất xứ, đẳng cấp, trẻ già, thời đại, đã có gia đình hay chưa, nếu người đó biết phát tâm tìm hiểu và tu tập theo đúng Chánh pháp, theo đúng bản đồ tu học.  Do đó, có hằng hà sa số các vị Phật, từ quá khứ, đến hiện tại và vị lai, chứ không phải chỉ có một vị Phật duy nhất làm giáo chủ là Ðức Phật Thích Ca, còn tất cả các loài chúng sanh khác đều phải thờ lạy theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực.  
Đây chính là điểm nổi bậc của giáo lý đạo Phật vậy.

2) Ðức Phật không phải là vị thần linh hay thượng đế tưởng tượng chuyên ban phước ra ơn hay giáng họa trừng phạt.  Cho nên những ai cúng kiến, tin tưởng, thờ lạy Ðức Phật theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực, dù ở chùa hay ở nhà, đều không đạt được những ước muốn như ý.  Bởi vậy, cúng kiến nhiều thì buồn phiền nhiều, tin tưởng nhiều thì thất vọng nhiều, xin xỏ nhiều đau khổ nhiều.  Trái lại, những người sống đúng theo tinh thần những lời dạy của Ðức Phật, dù tại gia hay xuất gia, dù có thờ lạy Ðức Phật hay không, cũng đều được an lạc và hạnh phúc hiện thời, giác ngộ và giải thoát mai sau. 
Đây chính là điểm chí công vô tư của giáo lý đạo Phật vậy.

3) Từ trước thời Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này, cuộc đời vẫn thường đầy dẫy những sự đau khổ, bất trắc, đấu tranh, lừa đảo, chứ không phải chỉ có thời hiện tại mà thôi.  Do đó, giáo lý của đạo Phật thường được ví như chiếc thuyền, gọi là thuyền bát nhã, tức là thuyền từ bi & trí tuệ, giúp đỡ con người vượt qua bể khổ, sông mê, lướt qua bát phong của cuộc đời, đến bến bờ giác ngộ và giải thoát.  Ðức Phật vẫn sống ngay trên thế gian này, vẫn gặp bao nhiêu khổ nạn của cuộc đời, nhưng tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, không cần phải đợi đến lúc về tây phương cực lạc hay thăng lên thiên đàng! 
Ðây chính là cốt tủy của giáo lý đạo Phật vậy.


4) Ðạo Phật là một tôn giáo, cho nên cũng có những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện, cốt để giúp đỡ những người đang đau khổ trên thế gian này tìm đến với đạo, trong những bước ban đầu.  Nếu như con người, dù tại gia hay xuất gia, đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, cứ đứng ở đó bao nhiêu năm trời, cho rằng như vậy là đủ rồi, không chịu bước thêm bước nữa, thì đau khổ vẫn hoàn khổ đau, có khác chi bao nhiêu người khác đâu? Bước đó chính là: phát tâm học hỏi, tìm hiểu Chánh pháp, xem Ðức Phật dạy những gì, để có thể áp dụng trong cuộc sống thực tế hằng ngày, đạt an lạc và hạnh phúc, thêm nữa đạt được: giác ngộ và giải thoát. 
Ðây chính là chánh kiến và chánh tín của giáo lý đạo Phật vậy.

5) Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhứt là Lễ Phật Ðản, đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau của cuộc đời.  Và mục đích quan trọng hơn hết là:  Hãy bước vào cửa đạo, chứ không phải chỉ bước vào cửa chùa rồi thôi, hay vẫn cứ đi lang thang, lòng vòng bên ngoài, bằng lòng với các hình thức cúng kiến, lễ lạy, các buổi văn nghệ xổ số, các cuộc hành hương thương mại, các cuộc vận động in sách cầu vãng sanh lưu xá lợi, kêu gọi đóng góp tạo chùa to tượng lớn, mà không quan tâm việc tu học, không lo việc tu tâm dưỡng tánh, không biết đến Chánh pháp là gì? 
Bước vào cửa đạo nghĩa là: phải biết tu học theo lời Ðức Phật dạy trong các kinh sách, để đạt giác ngộ và giải thoát, chứ không phải là: không chịu học hỏi, chỉ biết tu mù, bảo sao làm vậy, nói sao nghe vậy, người trước làm sao, người sau y vậy, chẳng hiểu ý nghĩa, nhiều điều hết sức, mê tín dị đoan!
Ðây chính là mục đích cứu cánh của giáo lý đạo Phật vậy. []      

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Ban Biên-Tập Phật-Học Tịnh-Quang Canada


MUỐN NHẬN TÀI LIỆU THÔNG TIN PHẬT HỌC
& GHI TÊN MAILING LIST
Xin liên lạc:  VP. Phật-Học Tịnh-Quang Canada <cutranlacdao@yahoo.com>
 
PHẬT HỌC TỊNH QUANG KÊU GỌI ẤN TỐNG KINH SÁCH
 
Văn Phòng Phật Học Tịnh Quang trân trọng kêu gọi
quí vị thân hữu, đạo hữu hảo tâm gần xa hùn phước
và giúp đỡ việc ấn tống kinh sách hữu ích cho quí Phật tử tại gia tu học trong năm 2013.
 
Tập san PHTQ 23 (Đại Lễ Vu Lan) đang được biên tập và sẽ phát hành miễn phí vào tháng 8-2013.
Quí vị muốn nhận tập san qua bưu điện xin ủng hộ cước phí $10/ 1 quyển, gửi về địa chỉ sau đây.
 Quí vị khắp nơi, phát tâm góp bài, đóng góp ý kiến, khởi tâm bảo trợ, hùn phước ấn tống, cúng dường tịnh tài, tùy duyên thỉnh sách, qua thư bưu điện,
không qua điện thoại, hoan hỷ liên lạc:
 
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ,
108 - 123 Railroad St., Brampton, ON, L6X-1G9
 
Trân trọng thông báo,
Ban Biên Tập
PHẬT HỌC TỊNH QUANG CANADA

 TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 23 (LỄ VU LAN 2013)

Phật lịch 2557, ngày 9-5-2013
Số:2385- PHTQ.CANADA/ VP.

PHẬT HỌC TỊNH QUANG THÔNG BÁO THUYẾT PHÁP
Chùa Chánh Giác Toronto (CHING KWOK TEMPLE) sẽ tổ chức một khóa
giảng pháp vào mùa hè năm nay với chi tiết như sau:

1. Địa điểm: Chùa Chánh Giác 300 Bathurst St., Toronto (South of Dundas St.W.)

2. Ngày giờ: 10 giờ đến 12 giờ trưa Thứ Bảy
Thứ Bảy 20-7-2013, Thứ Bảy 27-7-2013, Thứ Bảy 3-8-2013 và Thứ Bảy 10-8-2013

3. Đề Tài: TỊNH TU KHẨU NGHIỆP (Phật Pháp Ứng Dụng Trong Đời Sống Thực Tế Hàng Ngày).

4. Phụ trách thuyết giảng: Tỳ-khưu Thích-Chân-Tuệ, Chủ-Nhiệm VP.PHTQ.
Kính mời Quí Phật Tử tham dự đông đủ.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA

 
THƯA HỎI PHẬT PHÁP

From: nha khanh
Date: 2013/6/17
Subject: Hũ hài cốt là con tin trong chùa
To: Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ  

KÍNH CHUYỂN VÀ KÍNH XIN GÓP Ý
Hũ hài cốt là con tin trong chùa
Đúng hay sai ? nên hay không nên ?

Những người Việt sinh sống ở hải ngoại, đối với những gia đình đã ổn định đời sống, khi có người thân qua đời nếu chọn chôn cất tại các nghĩa trang với những thảm cỏ xanh, hoa nở tươi tốt, để người thân đến thăm viếng trong những dịp lễ New Year, Father’s Day, Mother’s Day, Vu Lan, Tết Nguyên Đán, cũng rất là hay và đẹp. 

Cho nên, với câu hỏi là nên chôn (địa táng) hay thiêu (hỏa táng) cha mẹ khi qua đời thì câu trả lời là điều đó còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhất là quan niệm cá nhân về sự sống và chết của con người. Phật Giáo không chủ trương hỏa táng cũng như địa táng. Vì thế việc chọn lựa này là do quyết định của người qua đời, lúc còn sống đã để lại di chúc. Nếu không thì người thân trong gia đình nên bàn thảo để có quyết định chung, tránh sự tranh cãi. Dù thiêu hay chôn thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh.

Khi tứ đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi tái sanh sang cõi khác. Những trò hề hộ niệm được vãng sanh hiện nay cũng khá phổ biến, bởi do con người không hiểu rõ chánh pháp, dễ bị gạt gẫm. Sau khi hỏa thiêu, thân xác người chết không còn là gì nữa. Vấn đề được đặt ra là có nên chôn tro cốt xuống đất, hoặc gìn giữ để thờ cúng tại nhà, tại chùa, hay đem rải xuống sông biển. 

Đạo Phật dạy rằng xác thân chỉ là sự duyên hợp của vật chất, gọi là tứ đại, bao gồm: đất, nước, gió, lửa.Sau khi chết, những thứ này lại trở về với đất, nước, gió, lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của người qua đời, là người thân mà con người thương yêu. Con người nên kính trọng, tuy nhiên, không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này, không nên sống mãi với quá khứ.  Một số người thích thờ cúng tro cốt tại chùa hay tại nhà. Một số người khác lại đem chôn, hoặc đem tro cốt rải xuống biển, hay xuống sông, hay rải xuống rừng, hay một nơi nào đó theo ý muốn. 

Con người ai ai cũng phải chết, và đi đầu thai qua kiếp khác, hoặc thiên đàng hay địa ngục, đều do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, con người đã làm ra khi sanh tiền. Chính con người quyết định kiếp sau đầu thai chốn nào, cõi nào, lành hay dữ, tịnh độ hay ác đạo, chứ không phải do thượng đế hay thần linh nào khác - cũng không do các ban hộ niệm cầu vãng sanh tào lao hiện nay rất nhiều. 

Con người quyết định đời sống kiếp này và kiếp sau bằng các hành động qua thân, khẩu, ý hàng ngày, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống hiện tại. 

Là Phật tử chúng ta đừng nghĩ rằng để tro cốt ở những nơi thiêng liêng như chùa chiền, người quá vãng sẽ được an toàn, được nghe câu kinh tiếng kệ và không bị nghiệp lực lôi kéo. Khi còn sống, con người không chịu nghe kinh kệ, không chịu tu tâm dưỡng tánh, khi chết rồi, các hủ tro biết nghe, biết tu hay sao? Thiệt là nằm mơ khi còn trời sáng. Mấy nhà sư còn sống sờ sờ cũng vẫn bị nghiệp lực lôi kéo - nếu đạo lực không vững mạnh. Việc để tro cốt trong chùa không có ý nghĩa gì hơn là sự biểu lộ niềm kính trọng và thương yêu của người thân đối với người đã khuất. Chấm hết.

Hũ tro cốt là con tin trong các chùa:

Câu hỏi: 
Hiện nay, một số người giàu, có nhiều tiền, muốn báo hiếu cho thân nhân của mình, nên đến các chùa có diện tích đất rộng, bỏ tiền ra mua một miếng đất để xây một cái mồ, rồi đưa xác thân nhân về chôn cất ở đó, hoặc gửi tro vào tháp hài cốt trong chùa. Nhà chùa gặp cơ may này làm giàu, tính giá rất cao cho những người cần nhà chùa làm lễ cầu siêu độ cho các vong linh. Các người này họ rất hoan hỷ được đưa thân nhân về chùa “nằm trong đất chùa, được nghe kinh, được theo Phật”.
Kính thưa Thầy, ý nghĩa của việc làm nầy thật sự là thế nào đối với người quá vãng, với thân nhân của họ và đối với nhà chùa? Chúng con xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Câu trả lời:
Đó chỉ là tín ngưỡng trong dân gian, cho rằng người chết được chôn trong đất chùa hoặc gửi nắm tro tàn trong tháp hài cốt thì hằng ngày linh hồn sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Khi còn sống con người theo tổn hữu ác đảng, tạo bao ác nghiệp. Lúc chết thì linh hồn người đó chịu theo Phật hay sao? Nếu con người thực sự muốn báo hiếu, trước hết nên tự mình tu tâm dưỡng tánh, sau đó nên lo lắng, chăm sóc, hướng dẫn việc tu hành cho cha mẹ, khi còn hiện diện trên trần gian này. Khi cha mẹ qua đời thì nên đem tài sản của cha mẹ bố thí, cứu người giúp đời và hồi hướng công đức và phước đức cho cha mẹ.

Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh - nhưng không học hiểu chánh pháp - khiến cho con người không còn sáng suốt, theo tà pháp, nên nghe quí thầy, quí cô trong chùa, bảo sao làm vậy chứ không có suy nghĩ chín chắn. Quí thầy quí cô này cũng ngu dốt, u mê, đời trước bảo sao, đời sau làm vậy, chẳng rõ chánh tà khác nhau ra sao. Các tăng ni không học hành dẫn dắt theo bao nhiêu người khác đọa lạc - tai hại vô cùng là chỗ này. Đầu tàu lạc đường, hay trật đường rầy, cả đoàn tàu không đến được mục tiêu mong muốn. Bởi vậy bọn trọc đầu đọa lạc dưới địa ngục nhiều hơn người có tóc, chính là nghĩa đó vậy.

Sự tin tưởng thiếu thực tế, không trí tuệ của một số người đã làm giàu cho các chùa và biến các chùa thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi chốn tu hành của tăng ni và cư sĩ nữa. Chùa nào hiện giờ cũng xây tháp hài cốt, khi có thân nhân chết, người ta đem thiêu xác, gửi vào chùa. Khi gửi nắm tro tàn như vậy thì phải tốn bao nhiêu tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất nhiều hằng năm. Nếu thân nhân không cúng dường tiền thì hũ hài cốt ấy sẽ bị dẹp vào chỗ khuất lấp. Còn ai cúng dường tiền nhiều thì hũ hài cốt sẽ được để trên chỗ sang trọng trong tháp. Nhiều chùa hiện giờ lấy hài cốt làm con tin, để làm tiền người thân một cách phi nhân nghĩa, thiếu đạo đức. Tháp hài cốt là núi tiền, các lễ trai đàn bạt độ mê tín là những mẫu ruộng mầu mỡ xài hoài không hết. 

Có nhiều thầy chùa cạo tóc có tiếng là đi tu, nhưng không học hiểu chánh pháp, không rành giáo lý, chỉ lo mua bằng thượng tọa, trèo lên hòa thượng, học tổ chức các lễ trai đàn bạt độ, các lễ vớt vong trên sông trên biển như vớt bèo, các lễ phóng sanh nhưng hại vật, các lễ rải tro trên sông cho người chết được giải thoát. Các loại lễ cúng này hét ra bạc, khạc ra vàng. Thiệt là các trò gạt gẫm của bọn giặc thầy chùa.

Ví dụ: Nhà chùa muốn làm một việc gì thì nhắm vào gia đình của những người, có gửi hài cốt, hoặc chôn cất người thân trong đất chùa. Họ kêu gọi những người nầy đóng góp làm từ thiện, hoặc xây cất chùa, hay bất cứ việc gì trong chùa cần. Nghe kinh được siêu thoát về Cực lạc, Thiên đàng đâu không thấy, mà chỉ thấy những người còn sống phải gánh một gánh nặng của tôn giáo mê tín.  Cho nên chùa nào có đất rộng làm nghĩa địa hoặc xây tháp hài cốt là chùa đó giàu to, giàu không mất sức lao động chút nào cả. 


Thầy chùa nào biết luyện giọng, biết làm lễ mang màu sắc linh thiêng huyền bí, bẻ tay giậm chân, mặc y áo như kép cải lương rực rỡ xanh đỏ tím vàng, la la, hét hét, ợ ợ, ngáp ngáp, trợn trợn, chui vô màn vô mùng, đứng trên bục cao quơ quơ, rắc rắc, thì người ngu u mê càng tin tưởng và cúng tiền càng nhiều, bởi lẽ ai ai cũng có người thân đã qua đời. Mọi người đều thấy tệ nạn lừa đảo hiện giờ trong các chùa rất lộ liễu, kể cả các hàng gọi là lãnh đạo cao cấp của các giáo hội trong và ngoài nước. Nhà chùa vô hình, vô tình đã biến nơi tu hành thành nơi nhà mồ nghĩa địa, nơi thực hiện sự mê tín của dân gian, gạt gẫm, lừa đảo bá tánh u mê.

Trong lúc con người còn sống mà còn chưa hiểu biết được Cực Lạc, Thiên Đàng ở đâu? Có hay không có? Huống là người chết, nằm trong hũ tro còn nghe thấy được những gì? Nếu người chết rồi quả thật nghe kinh và được sanh về Cực Lạc Thiên Đàng, thì người sống tu hành làm gì cho cực khổ. Khi còn sống, con người cứ lo tạo nhiều tiền nhiều của, bất chấp thiện ác. Khi chết, người đó dặn thân nhân, thỉnh mời hàng trăm thầy chùa, hàng trăm ông cha đến cầu siêu, cầu hồn thì khoẻ quá. Sống ngon chết tốt như vậy ai mà không ham chớ.
Đó là những tệ nạn trong chùa - không phải chính là Phật Giáo - mọi người nên cảnh giác các mánh khoé lừa đảo này. Phật giáo là những giáo lý dạy NGƯỜI SỐNG, ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ giải thoát, quay đầu hướng thiện (đáo bỉ ngạn) - chứ không dạy con người đợi đến lúc nằm trên giường bệnh mới biết niệm Phật, đợi nằm trong quan tài, trong nấm mồ, trong lò thiêu, hay nằm trong hủ tro, mới chịu nghe kinh kệ. Tất cả đã quá muộn màng. Tất cả là do con người gạt gẫm nhau thôi. []

BBT.VP.PHTQ.CANADA



Thứ Ba 18.6.2013
Kính thưa quí vị,
Người đời thường muốn lưu giữ những kỷ niệm của người thân đã quá vãng.
Những lễ giỗ kỵ, những hũ tro cốt, những nấm mồ thường được quan tâm đặc biệt.
Thời gian trôi qua, những sự quan tâm này cũng phai dần, cho đến khi không còn nữa.
Thực ra, con người nên thức tỉnh khi thấy một người quen biết hay không quen biết chết.
Nhất là khi trong gia đình có người thân qua đời, con người nên thức tỉnh rằng:
nhứt định có ngày nào đó chính mình cũng sẽ chết.
Không có ai tồn tại vĩnh viễn trên thế gian này,
dù là vua chúa hay thường dân, thánh nhân hay phàm nhân,
dù là các vị giáo chủ các tôn giáo hay chức sắc, giáo phẩm cao cấp đến bực nào.

Thêm nữa, khi có người chết đi, những người còn lại tiếc thương cầu mong, cầu nguyện cho người ra đi được về cõi lành (niết bàn hay thiên đàng).
Đó chỉ là niềm tin theo tôn giáo - không có thực.  Tại sao?
Cầu mong hay cầu nguyện chẳng lợi ích gì - khi người chết đã tạo bao nhiêu nghiệp bất thiện, nghiệp ác khi còn sanh tiền.
Các thầy chùa các ông cha cũng đọa lạc như bao nhiêu người khác - nếu tạo nghiệp ác khi mang áo nhà tu mà không phải chân tu. Nghĩa là quí vị đó chuyên gạt gẫm người đời qua các hình thức cúng kiến, cầu nguyện cho bảy đời cha mẹ người ta. Một đời còn chưa chắc được huống là nhiều đời. 

Tóm lại, con người nên thức tỉnh khi thấy tang sự hay có tang sự. Con người nên lập tức thức tỉnh, lo tu tâm dưỡng tánh. Ngưng các việc bất thiện, việc ác đã hay đang tạo qua thân, khẩu, ý. Nên làm các việc thiện, cứu người giúp đời. Tùy theo tôn giáo mình đang theo, tìm hiểu và thực hành giáo lý, thành tâm hướng đến chân thiện mỹ. 

Tất cả những hình thức hay nghi lễ tôn giáo là do người đời đặt ra, rồi người khác lợi dụng, chẳng có giá trị gì cả. Đừng quá bận tâm hay khổ tâm vì những chuyện vô ích đó. Con người phải tự lực tu sửa thân tâm cho được nhẹ nhàng, khinh an. Tâm phải sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh. Được vậy, con người sống hạnh phúc, chết bình an.
KHÔNG CẦN CẦU NGUYỆN cũng siêu thoát.
Kính thư,
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
VP.PHTQ.CANADA (cutranlacdao@yahoo.com)

Kính mời viếng thăm
 
 THƯA HỎI PHTQ


From: Van Phuong Duong
To: chan tue thich <cutranlacdao@yahoo.com>
Sent: Monday, July 1, 2013 12:53:03 PM
Subject: cư sĩ tại gia có nên cung cháo cho cô hồn không?

Kính bạch Thầy,
mỗi một Thầy nói một lối, Thầy này thì bảo nên cúng cháo cho các cô hồn, vì họ không bà con, không nơi nương tưạ.
Thầy thì nói cư sĩ không nên cúng chỉ có chùa mới cúng.
Có Thầy thì nói, cúng ở chùa thì độ ma ở  chùa,  còn nhà quý vị, nếu thành tâm cúng thì giúp cho cho vong hồn nơi quý vị cư trú.

Bạch Thầy xin Thầy hướng dẫn chỉ dạy cho các phật tử hiểu để tùy nghi ứng dụng.
Nếu được phép cúng, thì cúng như thế nào, nghi thức cúng ra sao. (bài văn cúng)
thức ăn cúng gồm có cháo (12 chén nhỏ) bánh, kẹo, đèn cầy, nhang, 3 chum nước và còn gì nữa
cúng vào giờ nào ( sau 12 giờ trưa hay giờ nào....)
nhà ở chung cư, không có hành lang (bancông) cúng trong nhà được không?
mỗi tháng cúng bao nhiêu lần. khi không ở nhà cả tháng thì sẽ xảy ra việc gì không?
vì nhiều nơi hay xảy ra những chuyện kỳ lạ v.v.
kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy.
 a di đà phật
đệ tử  trí việt

Kính quí ĐH.
Chuyện cúng cháo là chuyện trong chùa.
Có chùa cúng - nhưng có chùa còn không cúng.
ĐH bận tâm làm gì?
Thời gian nên tận dụng lo tu học và tu hành.
Còn quá nhiều điều để tâm trí vào hơn là chuyện cúng cháo.
Thầy Cô ngày nay có đủ hạng - chỉ cần cạo đầu là thành thầy chùa!
- không nên thần tượng ai, cũng chẳng nên vội nghe lời ai.
Tóm lại, chuyện giữa đàng đừng mang vào cổ cho nhọc thân tâm.
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA


THỜ TRO CỐT ÔNG BÀ CHA MẸ Ở ĐÂU? 

Kính thưa Cô,


Em có thắc mắc về việc giữ tro cốt của ông bà, em không biết mình có được giữ, thờ tro cốt ông bà  trong nhà không? Em hay đi chùa nhưng không nghe quí Thầy giảng về vấn đề này. Kính nhờ Cô giúp em.

Như Cô biết lúc sau này, chính quyền ở Việt Nam có nhiều chương trình xây cất mới, họ giải tỏa hết những khu nhà ở gần Saigon để xây cao ốc hay phóng đường v.v... Mồ mả ông bà em từ đời ông cố, ông sơ, ông bà nội, cô chú đều chôn chung trong một miếng đất của ông bà để lại ở Lái Thiêu, Bình Dương, nay thì phải đào mồ lên đem đi hết.

Trước đây chị em và đứa em trai ở Việt Nam cũng theo bà con cùng nhau mua sẵn mấy lô đất trong chùa gần nhà để sau này có nằm xuống thì nằm trong đất chùa, tốt hơn nghĩa trang công cộng của chính phủ quy hoạch ở xa.  Vì ước muốn của phần đông Phật tử muốn được chôn trong đất chùa, nên lúc sau này ở Việt Nam nẩy sinh phong trào xây chùa. Bán đất chùa cho người ta xây mồ mã, tính ra có lời lắm, mà không lo bị phá sản như những công việc làm ăn khác.

Sau khi nghe tin có lệnh giải tỏa, chị của em ở Việt Nam có đến chùa hỏi thăm coi giá cả một lô đất nhỏ đủ chôn mấy hủ tro cốt ông bà là bao nhiêu. Nhà chùa đòi khoảng năm ngàn mỹ kim. Cô thấy quá mắc không?  Em thấy tốn tiền quá, nên đề nghị chị em đem tro cốt ông bà về nhà thờ.  Chị nói, chị có hỏi Thầy ở chùa. Thầy nói, không được đem tro cốt về thờ ở nhà. Hoặc là thờ ở chùa hoặc đem rải trên sông, trên biển. Chị em giải thích, mình tôn kính ông bà, tro cốt là bảo vật cuối cùng của ông bà mà đem bỏ trôi sông trôi biển, đau lòng lắm.  Em cố gắng gởi tiền về để chị lo cho trọn chữ hiếu.

Em thắc mắc tại sao không được đem tro cốt ông bà về nhà thờ. Mình đã rước vong linh ông bà về nhà thờ, mời ông bà về đón Giao thừa và ngày giỗ mỗi năm. Tại sao không được thờ tro cốt ở nhà? Mình đâu có đem tro cốt của cô hồn vô nhà đâu mà sợ vong linh cô hồn vô nhà? Hay là mấy ông Thầy muốn moi tiền?

Chị em còn nói, Thầy khuyên chị em nên đem luôn mồ mả ba má đang chôn ở nghĩa trang công cộng ở Bình Dương về chùa thờ luôn, để mỗi ngày ở chùa có tụng kinh, vong linh người quá cố có thể nghe kinh kệ, theo đó mà tu thì tâm được nhẹ nhàng, sớm siêu thoát hơn ở trên nghĩa địa chật chội với nhiều người. Chị em giải thích cho Thầy nghe, mấy chị em hùn tiền xây hai nhà mồ cho ba má đẹp lắm. Tự nhiên đập phá đem tro cốt về chùa thì không ai  bằng lòng. Thầy nói, mồ mả mà xây đẹp quá sẽ làm cho vong linh người quá cố lưu  luyến, cứ ở trong cái nhà mồ đó mãi, không siêu thoát, không tốt. Có đúng như vậy không Cô?

Lúc sau này em thấy chùa nào ở Mỹ, nếu có đất rộng cũng xây một tháp Địa Tạng rất nguy nga, có nhiều tầng, bên trong có nhiều ngăn nhỏ đủ để một hộp tro cốt.  Giá một ngăn rất là đắc, giá cao thì chỗ tốt, giá thấp thì chỗ khuất lấp.  Sau này mỗi lần giỗ hay có lễ lớn Phật Đản, Vu Lan, Ngày Tết v.v… con cháu đến  chùa làm lễ cầu siêu thì phải đóng thêm tiền.  Nhờ lòng hiếu thảo của con cái mà bây giờ có nhiều nguời đầu tư xây chùa. Chùa mọc lên như nấm. Ở Cali trên một con đường mà có sáu chùa. Họ chỉ cần  mua một căn nhà cũ, có đất rộng, rồi mời một Thầy từ Việt Nam qua trụ trì.  Thầy có học Phật pháp hay không, không cần thiết, Thầy dạy gì Phật tử nghe nấy.

Em thỉnh thoảng có đọc kinh sách, hồi còn tại thế Phật khuyên người xuất gia sống đơn giản, chỉ có một bát, ba y.  Còn bây giờ em thấy các sư mang hia, đội mão, y phục màu sắc rực rỡ như trong phim tàu TamTạng thỉnh kinh. Thầy đi thì có che lọng, không biết có phải Đạo Phật nay đã thay đổi để thích ứng với nhu cầu thần thánh hóa các sư?

Em muốn  báo hiếu cho ông bà cha mẹ, nhưng không muốn mê tín.  Kính nhờ Cô giải thích cho em rõ.
Diệu Tâm.
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Tuyết Mai Trả lời thư Diệu Tâm:

Tôi xin chia sẻ với em một vài ý kiến về việc giữ tro cốt. Theo tôi hiểu thì con người có hai phần: Thân và Tâm. Thân là kết hợp của tứ đại, khi con nguời chết thì thân tan rã trở về với cát bụi, còn vong linh thì theo nghiệp lực thọ sanh. Chôn hay thiêu, giữ tro cốt ở đâu không quan trọng. Nếu con cháu dư dả, đem tro cốt người thân gởi ở chùa thì cũng tốt.  Em coi tiền mua một chỗ trong tháp tro cốt, tiền cúng mỗi khi có giỗ, lễ lộc trong chùa v.v… như cúng dường Tam Bảo, giúp nhà chùa có phương tiện tài chánh để điều hành chùa, phát triển đạo pháp trong dân gian là điều tốt.  Có tro cốt người thân ở chùa, em siêng đến chùa, sẽ có cơ hội gần Phật pháp. Em ăn một bữa cơm chay, gặp bạn lành, nghe Thầy giảng một bài hay, suy ngẫm rồi phát tâm tu tập, làm lành lánh  dữ, thì đó là điều tốt. Còn như em phải chạy nợ để có đủ tiền mua một chổ trong tháp tro cốt, và phải đóng đủ thứ tiền cho chùa với ước mong vong linh người quá cố sẽ nghe kinh kệ, sớm siêu thoát thì tôi không tin đây là sự thật.

Hiện nay, một số người giàu, có nhiều tiền, muốn báo hiếu cho thân nhân, nên đến chùa, bỏ tiền ra mua một miếng đất để xây một cái mồ, rồi đưa xác thân nhân về chôn cất ở đó, hoặc gửi tro vào tháp hài cốt trong chùa. Nhà chùa tính giá rất cao, nhưng nhiều  người rất hoan hỷ được đưa thân nhân về chùa “nằm trong đất chùa, được nghe kinh, được theo Phật”.

Thật ra đó  chỉ là tín ngưỡng trong dân gian, cho rằng người chết được chôn trong đất chùa hoặc gửi nắm tro tàn trong tháp hài cốt thì hằng ngày linh hồn sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Theo tôi nghĩ, nếu lúc còn sống họ làm nhiều tội ác, mà khi chết con cháu đưa vô chùa họ  được lên cõi cực lạc thì thật là không công bằng.  Theo luật Nhân Quả, nếu muốn được về cõi cực lạc con người phải tu tập lúc còn sống. Con cái muốn báo hiếu, trước hết nên tự mình tu tâm dưỡng tánh, sau đó nên chăm sóc, hướng dẫn, tạo phương tiện cho cha mẹ tu hành, khi còn hiện diện trên trần gian này.

Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh - nhưng không học hiểu chánh pháp - nhiều  người không sáng suốt, nghe quí thầy, quí cô trong chùa, bảo sao làm vậy chứ không biết suy nghĩ chín chắn. Sự tin tưởng thiếu thực tế, không trí tuệ của một số đông người đã làm giàu cho các chủ chùa và biến các chùa thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ nữa. Chùa nào hiện giờ cũng có xây tháp hài cốt, hay dành phòng giữ tro cốt.  Khi có thân nhân qua đời, người ta đem thiêu xác, gửi tro vào chùa. Khi gửi nắm tro tàn như vậy thì phải tốn nhiều tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất nhiều hằng năm.

Người đời thường muốn lưu giữ những kỷ niệm của người thân đã quá vãng. Những lễ giỗ kỵ, những hũ tro cốt, những nấm mồ thường được quan tâm đặc biệt.  Thêm nữa, người thân mất đi, những người còn lại tiếc thương cầu mong, cầu nguyện cho người ra đi được về cõi lành, do đó có niềm tin tôn giáo, có lễ cầu nguyện, cầu siêu. Nhà chùa cử hành những lễ này là để đáp ứng như cầu tín ngưỡng, tâm linh của Phật tử. Sự thực thì  nếu lúc sống người thân đã tạo bao nhiêu nghiệp thiện, nghiệp ác gì thì sau khi chết họ sẽ thọ nhận những quả thiện hay quả ác họ đã gây nên.

Tất cả những hình thức hay nghi lễ tôn giáo là do người đời đặt ra, rồi nhiều người khác lợi dụng, chẳng có giá trị gì cả. Em đừng quá bận tâm hay khổ tâm vì những chuyện vô ích đó. Con người phải tự lực tu sửa thân tâm cho được nhẹ nhàng, khinh an. Tâm phải sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh. Được vậy, con người sống hạnh phúc, chết bình an. Vì vậy nếu không có khả năng thì em không cần gởi tro cốt trong chùa cho tốn nhiều tiền, em nên để dành tiền cứu độ chúng sinh, giúp người khốn khó, tạo nhiều phước đức, nhân lành thì không cần cầu nguyện, cầu siêu gì cũng siêu thoát.

Chúc em thân tâm thường an lạc
TUYẾT MAI


 


CHUYỆN TU HÀNH



-  Tôi có nghe giảng:



Người nào vãng sanh thì mừng cho người đó, người còn ở lại cứ tiếp tục lặng lẽ niệm Phật để chờ ngày mình vãng sanh. Nhiều lắm! Người vãng sanh nhiều đến nỗi chư Tổ còn dám nói rằng: "trăm người niệm Phật trăm người vãng sanh, ngàn người niệm Phật, ngàn người vãng sanh, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh".



... nhiều vị Tổ, vị nào cũng nói vậy cả. Các Ngài đều dạy: chỉ cần tin tưởng cho vững, tha thiết cầu nguyện vãng sanh, rồi chân thật trì danh niệm Phật thì ai cũng được phần vãng sanh.  Tu Tịnh thì mục đích chính là hết báo thân cầu được vãng sanh về Cực lạc quốc.

           

Kính mong quí Thầy từ bi cho biết: các điều trên có thực chăng, có nên tin chăng, có đúng Chánh pháp chăng, hay đó chỉ là phong trào, cổ xúy cho người đời nhầm lẫn giữa lòng tin và lòng tham, tu ít muốn nhiều, thậm chí không biết tu là gì, chỉ cần niệm Phật vang rân, um trời, khàn tiếng, thì chắc được vãng sanh sao?



BBT.PHTQ.CANADA 

GIẢI ĐÁP:



-  Trong Kinh Kalama, đức Phật có dạy rằng: chớ vội tin những gì người khác nói, dù đó là bậc bề trên, là giáo chủ, là lãnh tụ, là giáo hội trung ương tối cao, dù đó là điều được ghi trong kinh sách, dù đó là điều được nhiều người tin theo.



- Chỉ nên tin điều gì trải qua lý trí sáng suốt, cẩn trọng suy xét thấy khi thực hành điều đó sẽ đem lại lợi ích cho bản thân và cho mọi người chung quanh.



Chánh pháp của đạo Phật giúp đỡ con người giác ngộ được chân lý và giải thoát phiền não khổ đau. Chân lý là điều đúng với tất cả mọi người trên thế gian, không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng.



Mình làm tốt mình hưởng. 

Mình làm xấu mình chịu. 

Gieo nhân nào gặt quả nấy. 

Gieo gió thì gặt bão.

Sinh sự thì sự sinh.



Hiểu sâu, tin sâu lý nhân quả, 

con người sẽ giảm bớt phiền não khổ đau rất nhiều.



Khi gặp chuyện bất trắc, bất như ý xảy ra, mình biết ngay rằng mình đang gánh chịu hậu quả của việc xấu ác mình đã làm trong đời này, hay trong kiếp trước, chứ không phải do thượng đế trừng phạt vô duyên cớ, cho nên khỏi cần hối lộ, cúng kiến lễ vật, vô ích!



Do đó, để giảm bớt phiền não khổ đau, con người cần phải tích cực tu tâm dưỡng tánh, tích phước tích đức, gieo nhân thiện lành, để hưởng quả phước báu mà người đời thường gọi là gặp may mắn. Đồng thời, tránh làm điều xấu ác, tránh nghĩ điều xằng bậy, tránh nói lời sai trái. Làm khổ não người khác tức là gieo nhân bất thiện, ắt sẽ chịu quả chẳng lành.



Tu theo đạo Phật, dù theo pháp môn nào, thiền tông hay tịnh tông, mục đích chính yếu là: làm cho tâm thanh tịnh, không phải tâm mong cầu điều này điều khác.



Còn tâm mong cầu cho bản thân, 

còn tâm tham lam, 

khó gặp chánh pháp.



Khi được tâm thanh tịnh, 

tương ưng tâm chư Phật, 

tức đắc cảnh giới niết bàn thanh tịnh, 

không phải mong cầu.



Muốn tâm được thanh tịnh, nhứt định con người phải tránh điều ác, phải làm điều lành. Việc tu tâm dưỡng tánh phải được thực hành suốt đời này. Thực hành như vậy nhưng kết quả sẽ tùy theo mức độ tu tập. Đâu thể nào khẳng định, người nào niệm Phật cũng đều vãng sanh. Đó là tà kiến.



Biết bao nhiêu người niệm Phật vang rân trầm bổng, tại chùa cũng như tại gia, mỗi tuần hoặc mỗi tháng một buổi, ngoài ra chẳng học hiểu lời chư Phật dạy trong kinh điển, không tu tâm dưỡng tánh, tham sân si kiêu mạn phiền não đầy dẫy, thậm chí tu sĩ trụ trì còn nổi sân trong buổi lễ, tại chánh điện, ngay sau thời niệm Phật, thử nghĩ làm sao tất cả đều  được vãng sanh như ý. Người giảng tà pháp như thế, dù là tu sĩ hay cư sĩ, cũng là tà sư dẫn dắt người khác vào tà đạo. []



BBT. PHẬT HỌC TỊNH QUANG CANADA



 

Sống đời vui đạo
(Sống trong tương đối - Vui với tuyệt đối)

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn. Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.



Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.



Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!



Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!



Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.



Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.


Kính thư,
BBT.PHTQ.CANADA
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm
Tập san Từ Bi & Trí Tuệ




THƯ CỦA PHẬT TỬ ĐOÀN THỊ THẮM (PD DIỆU HỒNG)

Kính gởi Thầy Thích Chân Tuệ.
Kính Bạch Thầy,

Con đi Vancouver mấy tháng nay con mới về. Con nhận được thông báo của Thầy, Thầy thuyết pháp ở Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto. Con rất tiếc vì con về Toronto quá trễ, con mong Thầy thứ lỗi cho con.
Con đã nhận được Tập san Từ Bi Trí Tuệ mà Thầy đã gởi cho con, con rất cám ơn Thầy.
Qua các bài viết của Ban Biên Tập Phật Học Tịnh Quang hay những bài viết của Thầy, con đọc rất dễ hiểu, con tự soi bản thân con, điều nào con đã thực hiện được, điều nào con chưa thực hiện được, con sẽ dốc lòng tu tập.

Trong những bài viết của Thầy như: Bát Phong (ở số 18), Bát Nhã Tâm Kinh (19), Phúc Tuệ Song Tu (20) con đọc vô cùng thấm thía những lời Đức Phật dạy.

Kính Bạch Thầy,

Con là người tu tại gia, trước những sóng gió cuộc đời, đã có lúc lòng con điên đảo.
Nhưng qua bài Bát Phong Thầy viết đã cho con hiểu được: Những cơn gió mát của mùa hè được hưởng, những cơn gió giá buốt của mùa đông phải chịu. Rồi những cơn bão tố cuồng phong cũng phải nghị lực bình tâm đón nhận. Nên con đã tự xác nhận cho mình: Niềm vui - Nỗi buồn và Sự Khổ đau, cũng phải chịu đựng chấp nhận vì: Một kiếp con người.

Bài Bát Nhã Tâm Kinh, con đã đọc đi đọc lại nhiều lần để thấm nhuần những điều Phật dậy. Con sẽ áp dụng vào đời sống hàng ngày để con tu tập. Con mong sẽ thực hiện theo 4 câu thơ mà Thầy đã viết trong tựa đề của bài Bát Nhã Tâm Kinh, để con được “Thoát ly phiền não cuộc đời an vui” như Thầy viết.

Kính Bạch Thầy,
Chị em chúng con có chút xíu tịnh tài thành tâm kính gửi đến Phật Học Tịnh Quang, con kính mong Thầy giúp chúng con.
Con kính chúc Thầy cùng Ban Biên Tập Phật Học Tịnh Quang luôn mạnh khoẻ, mãi mãi là nơi nương tựa tinh thần của các Phật Tử chúng con.

Con,
ĐOÀN THỊ THẮM (Diệu Hồng)



Kính quí Đạo Hữu Diệu Hồng Đoàn Thị Thắm,

Trước hết, Ban Biên Tập Phật Học Tịnh Quang kính lời cảm ơn quí Đạo Hữu đã thăm hỏi và cầu chúc sức khoẻ, nhất là những ý kiến rất thẳng thắn và sâu sắc, đầy đạo vị.
BBT.PHTQ. luôn luôn cân nhắc từng lời, từng chữ, từng câu, từng bài, từng trang sách được chọn đăng để đem lại những lợi ích thiết thực cho mọi người, tại gia cũng như xuất gia, biết cách áp dụng lời đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày.

Đạo và đời ví như hai mặt của một đồng tiền: không giống nhau nhưng không tách rời được. Đời có nhiều phiền não khổ đau, người đời cần học đạo để giác ngộ giải thoát. Nếu người đời chỉ biết cầu nguyện suông thì được an tâm tạm thời lúc gặp sự bất trắc, bất như ý, chứ không dứt hẳn căn nguyên, cội nguồn của sự đau khổ trên thế gian này.

Đạo có nhiều triết lý sống cao siêu mầu nhiệm, nếu người đời biết cách áp dụng vào trong thực tế đời sống hàng ngày, tại gia cũng như tại chùa. Chứ kinh điển chỉ để trên bàn thờ hay để trong tủ kính khóa kỹ thì có ích chi cho nhân thế. Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền tập, hay các phương pháp, pháp môn khác, chỉ là hình thức thực hành trong việc tu tập. Như thế rất cần thiết, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Người đời cần quan tâm tìm hiểu nội dung kinh điển, ghi lại lời dạy của chư Phật, chư Tổ và nhất là biết cách áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Vì bon chen suốt đời trong cuộc sống, đấu tranh giành giựt danh và lợi trong đời và ngay cả trong chùa, cho nên con người xa lìa cội nguồn đích thực, xa lìa bản tâm bản tánh vốn sáng suốt (Phật), chân chánh (Pháp) thanh tịnh (Tăng).
- Phật Pháp Tăng Tam Bảo bên ngoài (hình thức).

- Tâm sáng suốt, Tâm chân chánh, Tâm thanh tịnh chính là Tam Bảo Tự Tâm (nội dung).

Giáo lý đạo Phật dạy cách tu tập diệt tâm tham (được tâm chân chánh), diệt tâm sân (được tâm thanh tịnh), diệt tâm si (được tâm sáng suốt). Tham sân si chính là nguồn gốc của phiền não khổ đau.
Với quan điểm “Phật Pháp Tại Thế Gian”, bài viết này chính là áp dụng “Pháp Môn Bất Nhị” cao siêu trong đạo Phật, mầu nhiệm nhưng không khó hiểu, còn gọi là Pháp Môn Không Hai. Bất nhị là không hai (2), nhưng chẳng phải là một (1).

Chuyện đời luôn luôn có hai mặt: thiện/ác, đúng/sai, hơn/thua, được/mất, khen/chê, vinh/nhục, sướng/khổ, phải/quấy, thị/phi, tốt/xấu, ngay/gian, thân/thù, thương/ghét, hên/xui, trắng/đen. Đồng tiền, bàn tay hay tờ giấy luôn luôn có hai mặt không thể tách rời được.

Tâm con người luôn luôn có hai trạng thái: thật (gọi là chân tâm) và hư (gọi là vọng tâm). Người đời thường bị phiền não khổ đau, bởi do chạy theo vọng tâm. Còn gọi là tâm giả, tâm hư, luôn thay đổi: lúc thiện (vừa lòng), lúc ác (mích lòng); lúc khen, lúc chê, lúc tốt lúc xấu.

Nếu con người dựa theo giáo lý, biết sống với tâm thật (chân tâm), biết tự làm chủ tâm mình, không chạy theo những xúi giục của vọng tâm (tham lam, sân hận, si mê), thì an lạc hạnh phúc trong tầm tay, phiền não khổ đau không còn nữa.
 Cũng ví như mặt biển chỉ là một, nhưng có hai trạng thái khác nhau:

1. Sóng to khi có gió lớn (ví như vọng tâm).
2. Mặt biển thái bình bao la êm lặng (ví như chân tâm)

- Khi sóng to gió lớn, tầm nhìn không xa được (ví như con người nổi tâm tham, mất chân chánh, nổi tâm sân mất thanh tịnh, nổi tâm si mất sáng suốt)

- Khi sóng êm biển lặng, tầm nhìn thấu tận chân trời, trông xa hiểu rộng (ví như con người dẹp được tham, sân, si, tất nhiên sống được với chân tâm - sáng suốt, chân chánh, thanh tịnh, về đến quê hương đích thực, chứng được tam minh lục thông).

Vài hàng đơn sơ BBT.PHTQ kính giải thích nội dung một bài viết nơi Tập san Từ Bi & Trí Tuệ. Quí ĐH nên phát tâm tìm hiểu thêm về Pháp Môn Bất Nhị (Pháp Môn Không Hai) trong các bài viết của Bộ sách Cư Trần Lạc Đạo (3 tập) hay các bài viết trong các Tập san Từ Bi & Trí Tuệ.

BBT.PHTQ.CANADA chân thành kính chúc quí ĐH cùng bửu quyến thân tâm an lạc, tinh tấn tu tập cho đến giác ngộ và giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật
BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG



 Kính mời tham khảo thêm những bài viết:
CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
SUY NGẪM VỀ TỤNG KINH SIÊU THOÁT
 PHẢI CÓ TRÍ TUỆ MỚI MONG VÃNG SANH
MUỐN TU THÌ PHẢI HỌC
PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN