TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 8 October 2013

*** SỐNG HẠNH PHÚC, CHẾT BÌNH AN


 
 
Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

TK THÍCH CHÂN TUỆ
Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An


Xưa kia, khi còn ở trong nước, đi ngang qua một địa phương, có người tự hỏi tại sao có quá nhiều nhà thờ, khoảng vài cây số lại có một nhà thờ trong khi dân chúng nghèo khổ? Bây giờ thì chùa chiền cũng mọc lên rất nhiều, không kém gì các nhà thờ xưa kia, mà có vẻ đồ sộ hơn, còn dân chúng nghèo thì vẫn nghèo. Cớ sao các vị tu sĩ không nhớ lại là khi đi tu, trong tâm chỉ xin Đức Chúa cho được hằng ngày đủ dùng, Đức Phật cũng dạy con người phải biết tri túc để sống đời an vui hạnh phúc.

Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng, du vi an lạc. Nghĩa là: Người nào biết đủ, tuy nằm trên đất, cũng thấy yên vui.  Khi đủ sống rồi thì người tu phải làm gì để giúp đỡ người nghèo khổ, người cầu học chánh pháp, người muốn giác ngộ và giải thoát. Như thế mới thể hiện được lời dạy của các Đấng Tối Cao về lòng bác ái, tâm từ bi, thương người như thể thương thân.


Ngày xưa Đức Phật, đã từ bỏ ngôi báu, cung vàng điện ngọc, với một bát, một cà sa, đi từng nhà này qua nhà khác để khất thực: «Nhất bát thiên gia phạn. Cô thân vạn lý du» (Một bát ngàn nhà xin cơm. Đơn thân muôn dặm độc hành).

Đồng thời Ngài cũng bố thí pháp để cứu độ chúng sanh.

Đây chính là điểm quan trọng nhất mà các tu sĩ nhất định nên làm, phải làm.  

Hình ảnh Đức Phật đi khất thực như thế đã cho chúng ta bài pháp thâm thúy nơi thân giáo của Ngài.

Vài người chưa kịp hiểu ý nghĩa cao thượng về pháp khất thực đã vội có tư tưởng và lời nói không hay.

Mỗi tu sĩ Phật giáo, nếu có cái nhìn sâu sắc, thì chính mỗi vị là một ngôi chùa di động vì trong họ có đủ Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Phật chính là tâm sáng suốt. Pháp chính là tâm chân chánh. Tăng chính là tâm thanh tịnh. Ba tâm đó nói chung mọi người đều có - không phân biệt tôn giáo - người tu sĩ cũng như người cư sĩ đều có. Họ chỉ cần tu tập, xây dựng vững chắc ngôi chùa trong bản thân thì ngôi chùa bên ngoài cũng có cơ hội hình thành. Nơi đâu cũng là đạo tràng, cũng là thiên đàng, cũng là niết bàn.

Ngôi chùa bên ngoài chỉ là phương tiện để hoằng pháp, chứ không phải là cứu cánh của người tu. Người tu - dù là tu sĩ hay cư sĩ - đi đến chùa là để học hiểu chánh pháp, đặng áp dụng trong đời sống thức tế hàng ngày, chứ không phải để cầu nguyện suông được vãng sanh cực lạc, mà chẳng tìm học và áp dụng những điều đức Phật dạy. Do đó, người tu sĩ nhận của cúng dường, bố thí từ nơi bá tánh, phải luôn luôn nhớ bổn phận tự tu, tự độ chính bản thân và giúp mọi người biết cách tu đúng chánh pháp, gọi là độ người, độ tha nhân.


Người xưa có nói tu thân rồi mới tề gia. Một tu sĩ tự độ rồi mới độ tha, phải là một vị thầy sáng suốt, chân chánh, thanh tịnh, phải là một vị minh sư, mới có thể đem đạo vào đời, giúp đời giảm thiểu phiền não khổ đau, gieo tình thương, an lạc, hạnh phúc vào vườn tâm mọi giới: «Minh sư hưng đạo». Tu sĩ còn là người lèo lái con thuyền bát nhã, cứu người thoát khổ, độ người thoát khỏi trầm luân, đưa đến bờ giác!
Người tu - tại gia hay xuất gia - cần nắm vững chánh pháp, để tự độ thân và độ tha nhân, không lầm tà pháp, không chọn tà sư và không lạc vào tà đạo.

Tu sĩ thời nay vẫn còn trầm luân trong biển danh lợi, đem đời vào đạo, đem văn nghệ vào sân chùa, đem hình ảnh lố lăng y áo sặc sở, ghế ngự như ngai vàng vào ngay chánh điện. Tu sĩ thời nay không lo nghiên tầm học hiểu chánh pháp, để giảng giải thuyết pháp, hay viết bài để truyền bá những lời dạy thực tế của chư Phật, chư Tổ. Họ chỉ trau chuốt giọng đọc, giọng tán tụng, cho du dương, trầm bổng, ê ê a a, lóc cóc leng cheng, tùng tùng xèng xèng, để hát hò như ca sĩ, ngay nơi chánh điện. 

Một lời giảng dạy chánh pháp không nói nổi, nhưng tu sĩ thời nay thao thao bất tuyệt khi cầm micro quảng bá quyên tiền xây thêm chùa lớn, xây phòng ở nguy nga cho vị trụ trì. Tệ hơn nữa các tu sĩ thời nay còn dám gạt gẫm bá tánh qua các tà pháp mê tín dị đoan như: chai nước trì chú trị bá bệnh, lạy tượng Phật ngọc cầu gì được nấy, tổ chức trai đàn bạt độ cứu hộ thai nhi, vãng sanh đủ loại cô hồn, vớt vong trên sông trên biển như vớt bèo. Tu sĩ thời nay còn dám mang các bộ mặt ma, các mặt nạ, các nick name, xuất hiện trên các diễn đàn xỉa xói, dè bĩu, mạ lỵ, phỉ báng người khác, dù người đó đang cố gắng truyền bá những điều hay, lẽ phải, những danh ngôn tư tưởng đẹp, những lời dạy tu hành trong nhà Phật.


Nếu một tu sĩ không lo tu tập mà chỉ đem lòng nghĩ đến chùa to, mơ tưởng tượng lớn, chê bai chùa nhỏ, xa rời tâm bồ đề ban đầu, chìm đắm trong dục lạc, tham vọng. Tu sĩ thời nay giảng dạy điều này, nhưng thực hành một điều khác, thân giáo không đi đôi với khẩu giáo. Tu sĩ thời nay thích tranh danh đoạt lợi, thích ngồi ghế lãnh đạo, ăn trên ngồi trước, mâm cao cổ đầy, kẻ hầu người hạ. Như thế chẳng hóa ra lãng phí cả cuộc đời xuất gia tu hành hay sao? Tu hành đâu tính tuổi già tuổi trẻ, đâu đếm mấy hủ tương chao để tranh hơn thua, tranh địa vị, chức vụ, ghế ngồi cao thấp. Tu hành cốt tủy nơi tuệ giác. 

Đức Phật ngày xưa giác ngộ ngay cội bồ đề năm 35 tuổi. Các vị tu sĩ khác dù già nua cũng chẳng giác ngộ, bỏ mạng nơi khổ hạnh lâm. Tu sĩ thời nay đua nhau lập tu viện to lớn, nguy nga như cung điện, tổ chức các loại lễ hội hàng năm, bày trò mê tín, để phô trương và thu tiền bá tánh. Dù 100 tuổi các lão tăng đó có ích lợi chi cho bá tánh, cho thiền môn, cho đạo pháp?

Các tu sĩ thời nay hành xử giống như ngụ ý của câu châm biếm Pháp «Fais ce que je dis, pas ce que je fais» (Hãy làm những gì tôi nói, không phải những gì tôi làm).

Trong đạo mà lời nói không đi đôi với việc làm cũng gây rất nhiều thất vọng, hoang mang cho những người có niềm tin nơi tôn giáo của mình! Tuy nhiên, con đường người tu đi mà thấy đúng, việc người tu làm mà mang lại an vui, hạnh phúc cho bản thân và cho người khác, được khen cũng tốt, bị chê không phiền. Người đời thường nói chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi (Le chien aboie, la caravane passe). 

Nhưng người biết tu tâm dưỡng tánh nên xem những người tạo thiện duyên (giúp đỡ phương tiện vật chất hay tinh thần) và những người tạo nghịch duyên (phê phán phỉ báng ngăn đường cản bước) đều là các bậc thiện hữu tri thức, tất cả đều giúp mình rèn luyện chữ nhẫn và thử thách tâm kiên cố. Được như vậy, con người sống hạnh phúc, chết bình an, không cần theo tôn giáo nào, cũng chẳng cần cầu nguyện thánh thần thiên địa chi cả. Con người biết tự làm chủ bản thân trước sóng gió cuộc đời ví như hòn đảo tự đứng vững trước phong ba bão táp vậy. []




Chuyện gì rồi cũng qua
Hơn thua phiền não mà
Biết tu tâm dưỡng tánh
Không còn người với ta

Chuyện gì rồi cũng xong
Phê phán thêm phiền lòng
Biết tu tâm dưỡng tánh
Muôn sự thảy đều không
 

&

Nên học hạnh của đất
Nhận chịu của thế gian
Thơm tho và hôi thúi
Hóa thành đóa hoa tươi

Người đời tặng tên đạn
Phê phán và phỉ báng
Biết tu tâm dưỡng tánh
Hóa thành đóa hoa tươi

&

Niệm Phật hay tọa thiền
Nên nhớ lời Tổ dạy
Nhứt định không tranh cãi
Gắng giữ tâm thanh tịnh

Ngày mai ai cũng chết
Ngày nay không tranh cãi
Muôn sự không còn mãi
Gắng giữ tâm thanh tịnh

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

 CHỮ TÂM QUA LỜI PHẬT DẠY
Kính thưa quí vị và các bạn,
Dù theo bất cứ tôn giáo nào, con người cần phải tu nhân tích phước,
cứu người giúp đời,
trong cuộc sống hàng ngày.
Phước đức đó sẽ cứu con người khi tai họa xảy đến.
Đừng đợi đến khi gặp nạn mới van xin, cầu khẩn, cầu nguyện thánh thần thiên địa.
Khi đó, không ai kịp cứu con người,
chỉ có PHƯỚC BÁO của chính con người cứu người đó mà thôi.
Đây là CHÂN LÝ không phân biệt tôn giáo.
Kính mời quí vị và các bạn xem video clip dưới đây:

Clip chỉ dài 3 phút đã truyền tải được hết thông điệp sâu sắc và
ý nghĩa về tình thương, lòng tốt bụng không toan tính của con người.
(Thi ân bất cầu báo)
còn gọi là "bố thí ba la mật" thì phước báo vô biên không thể nghĩ bàn
*
Clip "Giving" của True Move H, một công ty viễn thông của Thái Lan,
là câu chuyện ngắn đầy cô đọng về quy luật "nhân quả" của con người.
Sau khi được đăng tải vào ngày 11/9/2013 vừa qua, hiện clip đã thu hút được hơn 3 triệu lượt theo dõi với gần 35.000 lượt "like" và bình luận.

Clip mở đầu với cuộc cãi vã, giằng co giữa người phụ nữ bán thuốc
và 1 cậu bé được cho là "ăn trộm".
Vì mẹ ốm, nhà lại nghèo,
cậu bé buộc phải liều mình đi ăn trộm thuốc về chữa bệnh cho mẹ.
Dù biết rằng hành động ăn trộm là xấu, đáng lên án thế nhưng, đứng trước cảnh tượng đáng thương của một cậu bé hiếu thảo, người đàn ông tốt bụng đã mở rộng vòng tay không hề toan tính mua thuốc
và đưa cho cậu bé một chút thức ăn.

Nhiều năm sau đó, cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua
và người đàn ông cùng cô con gái tốt bụng ấy vẫn luôn dang tay giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ hay có hoàn cảnh khó khăn.

Thế nhưng, biến cố xảy ra khi vào một ngày, ông chủ cửa hàng ăn bị đột quỵ,
buộc phải nhập viện cấp cứu.
Viện phí cao tới mức cô gái trẻ buộc phải bán đi căn nhà của 2 cha con.
Tưởng chừng cuộc sống của 2 người từ đây sẽ thật khó khăn, chật vật
thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra.
Tấm lòng xưa kia của 2 cha con được báo đáp.
Cậu bé "ăn trộm" ngày nào giờ đã trở thành một vị bác sỹ tài ba.
Với tất cả tấm lòng, cậu thanh niên trẻ đã dốc sức nghiên cứu,
chữa trị cho ân nhân xưa mà không cần bất kỳ đồng viện phí nào bởi
"Viện phí ngày hôm nay đã được trả từ cách đây 30 năm".

Clip như câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại giúp người xem càng hiểu hơn
về quy luật "nhân quả" trong cuộc sống.
Với nội dung súc tích cùng lối diễn đơn giản, chân thực,
clip đã thực sự rung động hàng triệu trái tim trên thế giới.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -



 NGHIỆP THIỆN ÁC KHI LÂM CHUNG
HT THÍCH THANH TỪ 


Trong Sử 33 vị Tổ có kể về một vị Tăng Ấn Ðộ, tôi không nhớ rõ tên. Một hôm Ngài đi khất thực ngang qua nhà ông Trưởng Giả. Nhưng ông Trưởng Giả đi khỏi. Trong nhà có con chó chạy ra sủa to. Ngài nhìn nó và qưở: " Ngươi bị bệnh tiếc của mà trở lại làm chó, đã không biết còn sủa om sòm" Nghe nói vậy, con chó buồn bỏ ăn. Ông Trưởng giả về, thấy con chó cưng của mình bỏ ăn. Ông liền hỏi lý do và được người nhà kể lại: hồi sớm mai có vị Sa Môn đi ngang, nó thấy liền sủa. Rồi không biết ông ấy nói gì với nó, từ đó nó buồn bỏ ăn. Ông hỏi vị Sa Môn đó ở đâu và ông tìm gặp được Ngài. Với tâm rất sân hận, ông hỏi: Hồi sáng ông nói gì mà con chó của tôi nó buồn đến bỏ ăn?

Ngài bảo: Ông đừng nóng, để ta nói cho ông nghe. Con chó đó là cha của ông. Ông càng tức hơn, hỏi: tại sao con chó đó là cha tôi? Ngài nói: Nều không tin, ông hãy về tìm ngay giữa giường nơi cha ông khi xưa ngủ, mà bây giờ là chỗ con chó hay nằm , ông đào xuống sẽ thấy  ché vàng. Vì khi cha ông chết, không kịp trối trăn lại với ông, nên bây giờ tiếc của mới sanh trở lại làm chó để giữ của. Nếu không tin ta, ông về đào lên sẽ thấy.
        Khi ấy, vị trưởng giả không còn lớn tiếng với Tổ nữa, mà trở về đào chỗ Tổ đã chỉ. Qủa nhiên ông thấy có một ché vàng. Ông liền chạy tới xin Tổ cứu cha ông. Tổ khuyên nên đem của đó bố thí cho cha ông hết nghiệp. Trưởng giả nghe lời Tổ dạy liền đem ché vàng bố thí. Sau đó con chó chết.

        Như vậy, vì tiền của nên trở lại làm chó để giữ của, đó là điều đáng sợ. Nên ở đây, tôi nhắn 3 điều cấm kỵ trước khi lâm chung. Phật Tử phải nhớ đừng để bao giờ xảy ra. Tôi lập lại: điều thứ nhất là tâm sân giận, điều thứ hai là tâm oán thù, điều  thứ ba là tâm yêu tiếc, tức là yêu con, tiếc của. Nhớ đừng có 3 tâm đó mới khỏi đọa vào con đường khổ. Có 3 tâm đó là nguy hiểm
        Nếu khi sắp lâm chung mà khởi tâm thiện thì sẽ được điều lành, điều tốt. Tâm thiện là gì?
        - Ðiều thứ nhất, khi sắp lâm chung phát tâm bố thí, giúp đỡ người nghèo, kẻ bệnh, mình có phương tiện tới đâu phát tâm tới đó
        - Ðiều thứ hai, đối với người Quy Yrồi, thì phát tâm cúng dường Tam bảo, còn chưa Quy Y thì phát tâm Quy Y để tâm thiện tăng trưởng. Làm như vậy là đã hướng về điều thiện và sẽ đi theo con đường thiện.
         - Ðiều thứ ba là phát tâm phóng sanh nghĩa là cứu các con vật bị người ta bắt và sẽ bị giết. Mình cứu nó bằng càch mua lại đem thả, hoặc tìm cách nào cứu con vật không bị chết.
         Bố thí, cúng dường, phát tâm phóng sanh là tâm lành, nhờ phát tâm lành, tự nhiên lần lấn chúng ta sẽ đi theo con đường lành. Ðó là những điều tâm nên khởi khi sắp lâm chung
        
 Người Phật Tử biết tu, khi sắp lâm chung , cần phải biết ứng dụng Pháp Phật dạy, gìn giữ tâm mình luôn luôn đi đúng, không bị lệch lạc. Ðối với người tu Tịnh Ðộ thì chuyên niệm Phật, không quên. Lúc nào tâm mình cũng hướng về Phật không lơi lỏng, không nghĩ tới con, không nghĩ tới cháu, cũng không nghĩ tới tài sản gì hết. Ðược như vậy thì sẽ theo Phật không nghi ngờ. Ðó là điều thứ nhất.
         Thứ hai, đối với người không chuyên niệm Phật, mà thường hay xem Kinh sách thi phải nhớ một bài kệ. Chẳng hạn, nếu qúy vị thường tụng Kinh Kim Cang, thì phải nhớ một bài kệ, tức là: nhớ tới Pháp như nhớ tới Phật, niệm Phật vậy. Chúng ta nghiên cứu kinh điển, học Pháp của Phật thì phải nhớ Pháp, như tụng bài kệ sau đây trong Kinh Kim Cang:

                               Nhứt thiết hữu vi Pháp
                               Như mộng huyễn bào ảnh
                               Như lộ diện như điện
                               Ưng tác như thị quán

       Nghĩa là tất cả pháp hữu vi như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, như sương mai, như điện chớp, phải luôn luôn quán như thế. 
Chúng ta tụng mãi bài kệ này thì tâm chúng ta được trong sáng, không kinh hoàng khi sắp lâm chung. Ðó là trường hợp thứ hai.
      
Trường hợp người biết tu Thiền, tâm được yên tĩnh phần nào, thì nhớ lúc sắp lâm chung, mình hằng sống với tâm thanh tịnh, đừng chạy theo vọng tưởng điên đảo. Nghĩa là nhớ trong thân bại hoại này có cái không bại hoại. Nhờ vậy. chúng ta không kinh hoàng, không sợ sệt mà hằng sống với tâm bất sanh bất diệt của mình. Thân này chẳng qua là tướng hư ảo, có đó rồi mất đó chớ không bền. Chỉ cái thể chân thật của mình là thanh tịnh, không sanh không diệt muôn đời. Ðó là chúng ta biết tu.

        Trong ba trường hợp tôi kể trên, người tu niệm Phật thì chuyên niệm Phật, không nhớ chuyện đời, Người chuyên nghiên cứu Pháp thì nhớ bài kệ. Người tu Thiền thì nhớ ngay nơi mình có cái chẳng sanh chẳng diệt, hằng thanh tịnh, không có gì đáng sợ, không có gì đáng lo.
         Người biết tu nhớ được những điều ấy không bị mê muội, không có gì sợ hãi, ra đi êm ái nhẹ nhàng.
         Bây giờ tôi nói tới hậu sự, tức là việc sau khi mình chết. Nhiều vị nghĩ rằng, khi mình chết phải trối trăn lại với con cháu làm thế này, làm thế kia. Ðiều đó dư. Tại sao? Bởi vì thân này do tứ đại hòa hợp mà thành, chúng ta sống cũng mượn tứ đại mà sống, uống nước giúp cho thủy đại, ăn giúp cho địa đại, thở giúp cho phong đại v.v...Như vậy bốn đại đó nhờ vay mượn bên ngoài mà tồn tại
        Ðến khi chết là không vay mượn nữa thì trả về cho tứ đại. Tứ đại trả về cho tứ đại  thì chỗ nào cũng là tứ đại hết. Tại xứ người, tứ đại cũng là tứ đại, ở quê hương mình thì tứ đại cũng là tứ đại. Ðừng nghĩ bỏ thân ở xứ người là thiệt thòi. Thiệt thòi nhất là cái tâm, tinh thần của mình ra đi mà không sáng suốt, đó mới thật thiệt thòi, Còn thân tứ đại này bỏ ở đâu cũng được hết. Người ta hay nói, thân này là thân cát bụi, khi chết trả về cho cát bụi, chứ không phải trả về xứ mình thành vàng thành ngọc gì, cho nên đừng quan trọng nó.
        
Thân này để con cháu giải quyết bằng cách nào thuận lợi nhất thì tốt, mình khỏi cần dặn dò gì hết. Dặn dò bắt buộc nhiều khi làm con cháu phải lúng túng. Thí dụ nơi đó không có lò thiêu mà bảo phải thiêu, trong khi có đất chôn mà không chịu chôn. Hay ngược lại, chỗ đó không có đất chôn mà có lò thiêu, mình lại không chịu, nói thiêu nóng lắm, phải tìm đất chôn. Như vậy con cháu lo sợ không biết tìm đất đâu mà chôn, càng làm cực khổ cho người sống chớ không có ích lợi gì. Ðã là thân tứ đại, hoại rồi thì còn biết gì nữa mà sợ nóng, còn biết gì nữa mà đòi đem về quê hương. Biết chăng là cái tinh thần, là cái tâm của mình.

Do đó qúy vị đừng có lầm lẫn thân này trở về quê hương mới tốt. Nghĩ như vậy là sai lầm. Chính cái tâm của chúng ta, tâm lành thì đi tới chỗ tốt, điều đó mới quan trọng. Ðó là những lời nhắc nhở để qúy vị biết sau khi chúng ta có trăm tuổi không làm phiền hà con cháu. Tôi chỉ nói một phần ngắn cho qúy vị biết khi đau, bệnh, già và sắp lâm chung. Theo đó qúy vị có hướng lựa chọn, đừng bị tâm phàm tục làm cho mình đau khổ ngay hiện tại và kéo dài sau khi lâm chung. Ðó là những điều thiết yếu.
       
Mong rằng tất cả qúy Phật Tử nghe rồi, khéo ứng dụng để tự cứu mình, đó cũng là lời Phật dạy cho chúng ta thoát khổ.
                                          
                                  Thiền viện Thường Chiếu -  Năm 1996

Kính mời tham khảo 


Hạnh Bố Thí

THẬP ĐẠI NGUYỆN (10 điều nguyện lớn)

******************************

QUÍ VỊ MUỐN NHẬN TÀI LIỆU PHẬT HỌC & GHI TÊN MAILING LIST
Xin liên lạc:
VP. Phật-Học Tịnh-Quang Canada <cutranlacdao@yahoo.com>
*
Kính mời viếng thăm: