TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday, 24 October 2023

TÂM AN TỊNH

https://phtq-canada.blogspot.ca/2017/01/10-mau-chuyen-oi.html

Wednesday, 4 January 2017

10 MẨU CHUYỆN ĐỜI

LINK: https://phtq-canada.blogspot.ca/2016/11/cot-tuy-cua-ao-phat.html

Không hạnh phúc nào hơn an tịnh tâm

Mục đích cứu kính của đạo Phật là giúp đỡ con người giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải hàng phục tâm của mình và an trụ tâm của mình, phải nương nhờ chánh pháp,

học hiểu giáo lý và đem thực hành, áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.

Chư Phật và chư Tổ giảng giải tam tạng kinh điển cũng nhằm mục đích này mà thôi.

Chánh pháp được ví như chiếc thuyền, thường gọi là thuyền bát nhã, chở chúng ta từ bến mê, đầy dẫy những chuyện bất trắc, bất như ý, phiền não và khổ đau, qua đến bờ bên kia, được gọi là bờ giác ngộ và giải thoát.

Con người đạt được giác ngộ, giải thoát mọi khổ đau, trói buộc, dính mắc của chuyện thế gian, hàng phục được vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, tâm liền được an trụ.  Từ đó, tuy vẫn sống tại thế gian, nhưng tâm an nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên trước mọi sóng gió của cuộc đời.  Ngay đó, cảnh giới niết bàn hiện tiền.

Không hạnh phúc nào hơn an tịnh tâm.

Nếu như các cơ sở Phật giáo như chùa chiền, niệm Phật đường, thiền viện, trung tâm văn hóa Phật giáo, ngoài việc chăm lo phát triển tầm mức hoạt động, phát triển qui mô của cơ sở, ngoài các hình thức nghi lễ cần thiết của một tôn giáo, ngoài các phương tiện thiện xảo dĩ huyễn độ chơn giúp người sơ cơ, với tâm đại từ đại bi, tận tâm tận tình, tận sức tận lực, truyền bá chánh pháp, giảng dạy giáo lý, giúp đỡ mọi người sáng tỏ chân lý, thấu hiểu mục đích cứu kính của đạo Phật, cốt tủy của đạo Phật, thì thực là phước báu lắm thay, hạnh phúc lắm thay!

Người Phật Tử chân chính đến các chùa chiền, hay các cơ sở Phật giáo, chỉ nên cầu học Chánh Pháp, để tự mình cứu độ chính mình, theo lời dạy của chư Phật,  chuyển hóa phiền não thành bồ đề, loạn tâm thành an tâm, tâm phan duyên thành tâm thanh tịnh, không cầu bất cứ điều gì khác, nhứt là những điều chư Phật khuyên dạy nên bỏ, chẳng hạn như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, và các sự hưởng thụ sung sướng, cùng những điều mê tín dị đoan: dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, coi ngày tốt xấu, trai đàn bạt độ. 


10 MẨU CHUYỆN ĐỜI

Mẩu chuyện số 1
     Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng:
     - Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?
     Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp:
     - Con sẽ đi sang bên cạnh.
     Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, đổi góc độ để suy nghĩ, có lẽ sẽ hiểu ra rằng: Bên cạnh vẫn có đường.

Mẩu chuyện số 2
     Anh chồng nhà nọ tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi vằn thắn nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn. Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhịn nổi nữa, nói:
     - Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!
     Chị vợ nói:
     - Em mất công nấu nồi vằn thắn ngon là thế, mà nó lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ?
     Anh chồng nghe thấy thế, tức giận nói:
     - Bà xã, em nghỉ tay chút đi, để anh đánh nó!
     Bài học rút ra: Người ngoài cuộc, đều có thể bình tĩnh, người trong cuộc, ai có thể thong dong, bình thản? Bởi vậy, đừng vội đánh giá bất cứ ai, bởi vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ...

Mẩu chuyện số 3
     Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng. Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh. Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng. Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức! Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh thành khác nhau.
     Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế!
"Watch your thoughts, they become words;
watch your words, they become actions;
watch your actions, they become habits;
watch your habits, they become character;
watch your character, for it becomes your destiny."

Mẩu chuyện số 4
     Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói:
      - Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim.
      Anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ:
      - Cá đâu rồi em?
      Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh:
      - Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá.
      Bài học rút ra:  Bạn đối xử với tôi như thế nào, tôi sẽ đối xử lại với bạn như thế.

Mẩu chuyện số 5
     Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê. Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu... Còn tôi, lại đang nghĩ: Tôi có nên tuyển dụng cậu ta vào công ty của tôi không?
     Bài học rút ra: Bạn, có thể không học đại học, nhưng bạn, tuyệt đối không thể không phấn đấu.

Mẩu chuyện số 6
     Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng:
     - Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng.
     Anh bạn mỉm cười nói rằng:
     - Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?
     Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.

Mẩu chuyện số 7
     Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta. Thượng đế hỏi kẻ ăn xin:
     - Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?
     Kẻ ăn xin đáp:
      - Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!
     Thượng đế không hiểu, hỏi:
     - Tại sao lại muốn mua điện thoại?
     - Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin.
     Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi:
     - Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?
     Kẻ ăn xin nói:
     - Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được.
     Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói:
     - Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?
     Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng:
     - Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này.
     Thượng đế lấy làm vui mừng. Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu:
     - Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa.
     Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.
     Bài học rút ra: Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.

Mẩu chuyện số 8
     Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm che dù đi ngang qua. Người nọ nói:
     Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?
     Quan Âm nói:
     - Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ.
     Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa:
      - Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?
      Quan Âm nói:
      - Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có dù. Ngươi bị dính mưa, bởi vì không có dù. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là dù cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm cái dù!
      Dứt lời Quan Âm bèn rời đi.
      Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc. Người nọ hỏi:
      - Bà là Quan Âm sao ạ?
      Người kia trả lời:
      - Đúng vậy.
      Người nọ lại hỏi:
      - Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?
      Quan Âm cười nói:
      - Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.
      Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.

Mẩu chuyện số 9.
     Anh chàng nọ:
     - Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền?
     Ông chủ:
     - Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn.
     Anh chàng nọ:
     - Ông ăn cướp đấy à...
     Ông chủ:
     - Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ?
     Anh chàng nọ quyết đoán đưa ra 400 nghìn. Bước vào nhà tắm nữ liếc mắt nhìn, toàn là nam. Anh em trong nhà tắm:
     - Lại một thằng nữa tới!
      Bài học rút ra: Kinh doanh trước giờ không phải là dựa vào giá cả thấp, mấu chốt là dựa theo nhu cầu của khách hàng.

Mẩu chuyện số 10
     Một người cha nói với con của mình rằng:
     - Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?
     Người con nắm chặt tay:
     - Hơi mệt ạ.
     Người cha:
     - Con thử nắm chặt hơn nữa xem!
     Người con:
     - Càng mệt hơn ạ!
     Người cha:
     - Vậy con hãy buông tay ra!
     Người con thở phào một hơi:
     - Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!
     Người cha:
     - Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!
     Bài học rút ra: Buông tay mới nhẹ nhõm...
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương Texas USA
Bài viết dưới đây thực tuyệt vời.
Lời bàn: Cổ nhân có dạy: NHỨT THIẾT DUY TÂM TẠO. Nghĩa là: Mọi việc đều do tâm con người tạo nên. Tâm nặng. Việc nặng. Tâm nhẹ nhàng. Việc nhẹ nhàng. Nên nhớ rằng: KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN TÂM THANH TỊNH. vp.phtq.canada
Bài viết HÚ VÍA
Chị Bông đang đọc tin trên computer bỗng bị tắt ngang xương rồi màn hình tối đen như một người đang tỉnh táo khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra đột quỵ không biết trời trăng gì cả, từ trong computer phát ra tiếng kêu lạ làm chị Bông hết hồn, cố gắng làm mọi cách để mong “cứu” computer “work” lại nhưng không được. Chị hoang mang lo lắng vội ra phòng ngoài thông báo với chồng:

– Computer của em hư rồi anh ơi.

– Trời, bà thông báo cái computer bị hư mà mặt mày đau đớn như người ta thông báo tin người thân vừa từ trần.

Chị Bông rên rỉ:

– Chứ còn gì nữa, computer là người thân của em. Nếu nó bị hacker tấn công, bị virus hành hạ coi như tiêu đời.

– Ai tiêu đời, bà hay là cái computer?

– Là em đấy. Computer có thể mua cái mới nhưng bao nhiêu bài vở của em trong ấy chưa kịp save.

Chị Bông nghẹn ngào:

– Thà rằng hacker nó vào bank account của vợ chồng mình lấy đi một mớ tiền em cũng chưa đau khổ, chưa đau xót bằng những bài vở của em bị xóa sạch.

Anh Bông la làng:

– Ối trời ôi, bà nói cứ như bà đang là đại gia tiền rừng bạc biển, đồng tiền nhà mình là công lao dành dụm, mất một xu tôi cũng đau cũng xót mà bà cho mất khơi khơi vậy hả. Kiếm đồng tiền mới khó chứ những sáng tác của bà toàn là bịa đặt hay có ít thì xít ra nhiều, vẽ rồng thêm rắn vào có gì mà quý hóa. Mất bài vở thì viết lại.

Chị Bông giãi bày:

– Anh à, tiền mất thì em… bắt cả nhà mình nhịn ăn nhịn tiêu, thắt lưng buộc bụng coi như lấy lại được, còn những bài truyện bài thơ của em mất thì không ai có thể giúp em, em không thể nào viết lại được như lúc đầu vì những cảm xúc ấy đã qua đi. Anh không nhớ có những nửa đêm em mò dậy chỉ để ghi chép một câu thơ?

Anh Bông mỉa mai:

– Rồi hôm sau bà than thở mất ngủ, bài thơ đăng lên người ta khen xã giao được một câu còn mình thì chết sớm. Bà cả ngày ngồi ở nhà, lái xe chỉ quanh quẩn vài ba con đường trong thành phố, lỡ ra tới đường lớn là lạc lối về mà viết truyện làm thơ mãi tận chân mây cuối trời.

Rồi anh Bông ra ý kiến:

– Nhân dịp computer hư bà nghỉ viết luôn đi cho đỡ… cực khổ, đỡ mất ăn mất ngủ, mất cả thì giờ cả ngày ngồi “ôm” computer.

– Ngồi “ôm” computer là đam mê của em. Tuổi hưu tuổi già mỗi người có một thú đam mê, anh có muốn em mê casino không? Mê shopping không? Em mê computer là thú vui không tốn đồng nào.

Cái computer để bàn chị Bông rất yêu quý, nó không những là cầu nối cho chị Bông với bạn bè và thế giới xung quanh mà còn là người bạn tri âm tri kỷ cùng thức khuya dậy muộn, cùng mưa nắng bốn mùa với chị Bông những khi chị ngồi làm bài thơ hay viết câu chuyện đời. Bao nhiêu tâm tình chị Bông đã gởi gắm vào nó, lần này rất nhiều bài chị chưa kịp save vào “My passport” thì nó bỗng trở chứng hư hỏng. Chị Bông bèn dùng cái laptop để vào mail hỏi bạn bè gần xa về cái computer đang bị hư chỉ với một chủ đích là liệu các bài vở trong hardware có bị mất không? Có người trả lời làm chị Bông an tâm là khó bị mất bài lắm có người trả lời lửng lơ còn kèm theo “trách mắng” nếu máy bị virus là mất bài . Sao bài vở viết xong không save ngay để bây giờ lo cuống cuồng lên?!

Chị Bông vào hỏi ông “Gu Gồ” cũng không có câu trả lời rõ ràng vì không biết computer của chị bị hư hỏng thế nào..

Chị Bông lo xa hình như máy mình bị virus rồi, trước đó trong inbox của chị Bông thỉnh thoảng có xuất hiện vài email lạ, chữ ngoằn ngoèo Ả Rập, chị Bông đã cẩn thận delete hết rồi mà, hay là chị… lỡ tay bấm vào để virus len lỏi vào máy và nay nó tung hoành? Phải chi chị Bông bị virus tấn công, bị ốm đau thay cho computer chị còn đỡ lo lắng hơn.

Một ngày trôi qua là một ngày buồn lo, ăn không ngon ngủ không yên. Hôm sau chị Bông mang computer đến một tiệm sửa gần nhà nhất. Khệ nệ ôm cái computer vào tiệm, cái máy nặng và lòng chị Bông cũng nặng trĩu, ông chủ đang ngồi thảnh thơi vây quanh ông là hàng hàng lớp lớp computer cũ đang trưng bày, tiệm vừa sửa chữa vừa bán các phụ tùng và computer cũ. Chị Bông trình bày “căn bệnh” xong và hỏi:

– Ông xem giùm tôi có bị mất memories không.

Khách hàng thì lo lắng mà ông chủ tiệm thì tỉnh bơ:

– OK. Mai tôi trả lời.

Chị Bông năn nỉ:

– Ông xem xét ngay bây giờ và cho tôi biết đi…

– Sorry tôi đang bận.

Chị Bông cố nén bực mình nhìn quanh, tiệm vắng tanh như chùa bà Đanh, ông chủ cũng là người sửa computer đang ngồi ế thiu ế chảy mà cũng chảnh chọe.

Chị Bông đành ghi số điện thoại để mai ông chủ sẽ gọi lại khi sửa máy xong và ra về. Thế là thêm một ngày nữa chị Bông sống trong rầu rĩ bất an. Chị nghĩ đến những trang bài vở và thèm khát mơ ước được trông thấy những bài viết ấy vô cùng, y như người mẹ lo sợ đàn con yêu thất lạc và mong gặp lại từng đứa con của mình.

Trưa hôm sau ông chủ tiệm  gởi tin nhắn đã sửa xong đến lấy máy về. Chị Bông mừng rỡ vội lái xe đến tiệm.

Vào trong tiệm vẫn vắng tanh như ngày hôm qua, chị Bông vừa thương hại vừa cay cú nghĩ thầm lâu lâu mới vớ được một khách là mình chắc ông chủ sẽ tìm cách chém giá chặt đẹp lắm đây.

Ông chủ mở máy cho chị Bông xem thử, đầu tiên là chị Bông kiểm tra lại bài vở vẫn còn y nguyên rồi tới mọi thứ khác vẫn hoạt động như trước, Chị Bông vỡ òa niềm sung sướng, bây giờ chị Bông mới thoải mái mỉm nụ cười tươi rói với ông chủ:

– Cám ơn ông. Bao nhiêu ạ?

– 60 đồng.

Chị Bông giật mình, thật sự ngạc nhiên vì giá quá rẻ, chị nghĩ computer hoạt động lại bình thường và bài vở không bị mất, ông ấy đòi tiền công bạc trăm chị cũng vui vẻ trả ngay. Ông chủ người Mỹ này trung thực, không biết “trông mặt đặt tên”, không biết nhìn tâm lý khách hàng mà “chạc” tiền.

Mở bóp lấy tiền trả xong chị Bông không nén nổi tò mò, hỏi thăm ông chủ tiệm:

– Hôm nay chắc là ông rảnh hơn hôm qua nhỉ? Lúc nào tôi đến cũng chẳng thấy ai.

– Ngày nào tôi cũng bận rộn sửa chữa.

Thấy chị Bông ngơ ngác ông chỉ từng dãy computer và nói:

– 3 cái computer này chiều nay tôi sẽ giao, mấy cái kia đang chờ sửa, còn dãy computer kia là hàng cũ đã tân trang tốt để bán.

Vừa lúc ấy điện thoại của tiệm reo vang, ông chủ ra nghe là một khách hàng nào đó như để chứng minh cho lời kể của ông chủ. Thì ra tiệm đông khách và ông chủ luôn bận rộn chứ không ế như chị Bông đã đánh giá. Chị Bông ân hận đã nghĩ xấu cho người ta, bèn nói một câu lấy lòng:

– Lần sau computer của tôi  hư nữa, sẽ đem tới tiệm của ông.

Nói xong chị Bông càng…ân hận, tự dưng nói điều xui xẻo cho mình. Chị bèn… sửa lại:

– Không, không, từ giờ trở đi computer của thân nhân hay bạn bè tôi có bị hư hỏng là tôi nhất định sẽ chỉ họ tới sửa tiệm của ông.

Ông chủ hiểu ý chị Bông, cười cười:

– Tôi cũng không mong computer của chị hư nữa đâu. Chúc chị xài nó bền lâu.

Chị Bông ôm máy computer ra về, lần này thấy lòng nhẹ tênh và cái máy cũng nhẹ tênh. Thật hú vía.

Lát nữa về nhà trước hết chị Bông sẽ save ngay tất cả những bài vở từ lâu chưa save. Thế là yên tâm không sợ máy hư mất bài vở nữa và tiếp tục thú đam mê “ôm” computer mặc cho lời khuyên “vô duyên” của anh Bông.
















Nguyễn Thị Thanh Dương - Dallas , TX , USA 


llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll