https://phtq-canada.blogspot.com/2011/05/toi-nghiep-phat-hoc-tinh-quang-so-7.html
https://thuvienhoasen.org/a12023/17-toi-nghiep
https://phtq-canada.blogspot.com/2024/08/toi-va-nghiep.html
Thursday, August 22,
2024
TỘI & NGHIỆP
(Phật Học Tịnh Quang Số 7)
Tỳ-Khưu
Thích-Chân-Tuệ
Trên thế gian này, chúng ta từng chứng kiến
các cảnh phiền não khổ đau, nhiều hơn là bình yên vui sướng. Ngay trong cuộc
đời của chúng ta, những sự bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, cũng nhiều hơn
những việc vui vẻ, vừa ý, toại nguyện.
Cho nên, nhận định cuộc đời "khổ nhiều vui ít", đó là sự thực rõ ràng, nhưng trong chúng ta ít người dám mạnh dạn nhìn nhận. Con người vì mãi mê đấu tranh, vật lộn với cuộc sống hằng ngày, nên không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu. Có người không muốn nhìn nhận sự thực đó, tự kỷ ám thị, tự lừa dối mình, cho rằng cuộc đời là vui đẹp, là đáng hưởng thụ, với mục đích tạm quên đi những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống, không biết ngày mai mình sẽ ra sao, không biết làm sao cho đời bớt khổ, cho đời hết khổ.
Khi gặp hoàn cảnh khổ đau, khi có điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, con người chỉ biết than trời trách đất, hoặc trách cứ tổ tiên, trách cứ ông bà cha mẹ, ăn ở bất nhơn thất đức, cho nên cháu con mới ra nông nổi này!
Ðôi khi, có người chỉ biết đặt niềm tin nơi
đấng thiêng liêng nào đó, để cầu nguyện, van xin, khấn vái cho được tai qua nạn
khỏi, cho được bình an, mà không chịu tìm hiểu hư thực, không chịu tìm hiểu
Chân Lý, không chịu học hỏi Chánh Pháp, cho nên những người biết lợi dụng lòng
mê tín dị đoan dễ gạt gẫm, dễ lợi dụng, dễ sai khiến, hậu quả khó mà lường
trước được.
Thường thường khi thấy người nào gặp hoàn cảnh không may, gặp điều bất hạnh, bất như ý, đau khổ hoặc ngộ nạn, có người xúc động, tỏ lòng thương xót, thốt lên: "Tội nghiệp quá!". Ðiều này có nghĩa là khi ở trong trạng thái "tâm bình thường", con người ai cũng có sẵn "tâm từ bi bác ái", thấy người đau khổ thì động lòng trắc ẩn, xót thương.
Cũng trong trường hợp đó, người khác lại nói:
Ðáng đời chưa! Gieo gió thì gặt bảo! Làm tội thì phải đền tội! Cũng có
người nói: Nghiệp của họ nặng quá, nên họ mới khổ nạn như vậy! Hoặc có
người khác nói: Trời phạt họ đó! Những sự suy nghĩ như vậy do tập quán,
thói quen mà thốt nên lời.
Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu:
Tội là gì? Nghiệp là gì? Tội báo là
gì? Nghiệp báo là gì?
Làm gì mà phải "tội nghiệp"?
Làm sao cho hết "tội nghiệp"?
Làm sao "dừng nghiệp và chuyển nghiệp"?
* * *
Theo luật nhân quả, chúng ta biết rằng: "gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Thí dụ như gieo nhân là hạt cam, chúng ta sẽ được cây cam và gặt quả cam. Khoa học đã thí nghiệm và chứng minh điều này rõ ràng, không có gì đáng nghi ngờ cả. Nghĩa là làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, có lửa có khói, sinh sự sự sinh.
Tuy nhiên, cũng có thắc mắc: Tại sao có người
gieo thật nhiều gió mà chẳng thấy họ gặt bão, hay nói cách khác, những người đó
làm nhiều điều bất thiện, gây nhiều tội ác, mà tại sao họ vẫn bình yên, an ổn,
ăn nên làm ra, sống trong cảnh giàu có sung sướng? Trái lại, có người làm
thật nhiều việc phước thiện phước đức, như bố thí cúng dường, hùn công góp của
ấn tống kinh sách, quyên góp cho các hội từ thiện, xây cất chùa chiền, lập nhà
thương trường học, đắp đường xây cầu, mà tại sao chẳng thấy phước báo đâu, chỉ
thấy quả báo xấu, gặp nhiều nạn tai, gặp nhiều điều bất trắc, bất như ý, bất
toại nguyện?
Chúng ta biết rằng: có những hạt giống gieo trồng, thì gặt được quả sớm, nhưng cũng có những hạt giống gieo trồng xong, phải đợi một thời gian sau, hay một thời gian lâu sau, mới gặt được quả. Cũng vậy, có những việc chúng ta làm đời trước, đời này mới nhận kết quả hay hậu quả. Có những việc chúng ta làm đời này, đời sau mới có kết quả hay hậu quả. Do làm ác đời trước, nên con người gặp khổ đau đời này, chớ có oán hận, than trời trách đất, bởi lẽ "mình làm mình chịu", không có ông trời nào, thượng đế nào trừng phạt mình, một cách tùy tiện, một cách vô căn cứ cả.
Chúng ta thường có tánh đổ thừa kẻ khác, kể cả ông bà cha mẹ, đã tạo nghiệp, rồi cháu con phải lãnh hậu quả, chứ không bao giờ chịu nhìn nhận "chính mình đã làm", đã gây ra những lỗi lầm trong kiếp trước, cho nên kiếp này "chính mình gánh chịu".
Còn những việc phước thiện, phước đức mình làm trong đời này, vì quá ít quá nhỏ, chưa kịp có kết quả. Hoặc đôi khi việc phước thiện, phước đức đã có kết quả, đã làm cho nhẹ bớt đi những nạn tai, mà mình phải gánh chịu, chỉ tại mình không biết đó thôi. Nếu không biết làm những việc thiện tạo phước báu như thế, để bù đắp những tội lỗi đã gây ra trước kia, con người có thể đã gặp nhiều phiền não khổ đau hơn, nhiều tai nạn nặng nề hơn. Nếu việc phước thiện đã làm nhiều hơn tội lỗi đã tạo, chắc chắn con người được hưởng sự sung sướng, sự may mắn. Nghĩa là sự sung sướng, sự may mắn do phước báo chính mình đã tạo ra, từ nhiều kiếp trước hay kiếp này, chứ không do ông trời, hay thượng đế nào thương mình, mà ban cho cả.
Như vậy, chúng ta phải hiểu luật nhân quả được áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng có những quả báo nhãn tiền, tức là kết quả hay hậu quả có ngay trước mắt, gieo nhân đời này, gặt quả cũng trong đời này. Thí dụ như ăn trộm thì bị bắt, ở dơ thì sanh bệnh, làm biếng thì nghèo khó, đánh người thì người đánh, hại người thì người hại, kiện thưa thì tốn tiền, tiết kiệm thì có dư, chăm học thì đỗ đạt, siêng năng, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại, nếu không thành công thì cũng thành nhân.
* * *
Chúng ta thữ nghĩ xem: Tội là gì?
Tội lỗi là những điều bất thiện, những việc ác
do chính mình nói, chính mình làm, chính mình suy nghĩ, chính mình gây ra,
chính mình tạo tác, do thân khẩu ý của chính mình. Tội lỗi cũng do sự sai
khiến, xúi giục, chỉ dẫn, bày cách cho người khác làm, thi hành, thực hiện
những điều bất thiện, những việc ác. Tội lỗi cũng do sự vui mừng, tán
đồng, khen ngợi, khi thấy kẻ khác làm những điều bất thiện, những việc
ác.
Nghĩa là: "Nhược tự tác, nhược giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ", đều tội lỗi như nhau. Tại sao vậy? Bởi vì chính mình làm, chỉ bảo người khác làm, hay thấy người khác làm mà vui theo, những điều bất thiện, những việc ác, thì tâm của chúng ta đều bị náo động, đều bị hoen ố, đều ghi nhận chủng tử sanh tử luân hồi như nhau.
Ðạo Phật luôn luôn chú trọng đến "tâm", chính là cái "thực tướng" bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm của con người, chứ không quan trọng đến cái giả tướng khác biệt bên ngoài của mỗi người. Cái giả tướng khác biệt đó chỉ là cái thân tứ đại sanh diệt, nay còn mai mất, chúng ta đang mượn tạm, trong kiếp sống này mà thôi. Bởi vậy cho nên, đọc kinh điển của đạo Phật, muốn hiểu được pháp vô lượng nghĩa, pháp vô thượng thậm thâm vi diệu, chúng ta hãy tìm hiểu qua lăng kính của một chữ, đó là chữ: "TÂM".
Chư Tổ có dạy:
"Tâm tức Phật, Phật tức Tâm", chính
là nghĩa đó vậy.
Ðức Phật là bậc vô thượng y vương, vô thượng dược vương chuyên trị "tâm bệnh" của tất cả chúng sanh, chứ không phải "thân bệnh". Ðức Phật hiểu rõ tâm bệnh của tất cả chúng sanh, vì sao con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên Ðức Phật chỉ dẫn con đường thoát ly sanh tử luân hồi. Ðó mới chính là trọng tâm cốt yếu của đạo Phật.
Sách có câu:
"Tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm
diệt".
Bất cứ ai giải quyết được tâm bệnh, thì thân
bệnh có còn gì đáng nói nữa đâu. Cái thân tứ đại giả tạm này chỉ có tuổi
thọ một trăm năm hay hơn chút đỉnh là nhiều. Còn cái tâm bất sanh diệt
của tất cả mỗi chúng ta có tuổi thọ vô lượng mà Ðức Phật đã chỉ bày trong các
kinh điển thì ít người hiểu thấu!
Người nào chỉ hiểu kinh điển nhà Phật qua nghĩa đen: cầu bình an, cầu siêu sanh, là những người chỉ đứng bên ngoài cổng rào, chứ chưa vào được đến trong sân chùa, nói chi đến ngưỡng cửa nhà Phật. Người nào chỉ hiểu đạo Phật qua các hình thức cúng kiến, lễ nghi thường thấy, là người chưa hiểu đạo Phật là gì cả!
Thậm chí, có người đến với đạo Phật, vì muốn
cầu gì được nấy, muốn vạn sự như ý, muốn tùy tâm mãn nguyện, muốn buôn may bán
đắt, muốn nhất bổn vạn lợi, muốn thi đâu đậu đó, muốn sở cầu như nguyện, muốn
tình duyên may mắn, muốn đủ thứ chuyện trên trần đời, thì than ôi, đạo Phật còn
gì là Phật đạo nữa! Thật đáng thương xót! Thật đáng "tội
nghiệp" lắm thay!
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
"Nhất thiết duy tâm tạo".
Nghĩa là chúng ta nên biết tội lỗi nặng hay
nhẹ tùy theo tâm trạng, tâm tánh của con người khi tạo tác. Thí dụ như
một người nghèo khó đi câu con cá, để ăn qua ngày, tội nhẹ hơn người no đủ, đi
câu con cá vì thú vui. Con người vì si mê nên cảm thấy vui thích trên
sinh mạng của chúng sanh! Khi xưa, những người có quyền thế, xem việc
giết người, giết dân chúng hay giết tù nhân, như thú vui tiêu khiển. Ngày
nay, ở các nước gọi là văn minh, con người xem việc săn bắn thú vật như là môn
thể thao, coi cảnh đấu bò giết bò như là trò giải trí!
Thật đáng "tội nghiệp" lắm thay! Con người đang hưởng phước ở các xứ văn minh, lại tìm cách tạo tội tạo nghiệp vì vô minh. Một người giết một con thú dữ để tự vệ trong hoàn cảnh sợ hãi, tội nhẹ hơn một đứa bé tay cầm cây cầm roi, thi đua với các đứa bé khác, đánh đập một con gà, rụng lông tơi tả, máu đổ dầm dề, cho đến chết, một cách nhanh nhứt, để được khen thưởng, để được lãnh giải, trong cuộc thi do người lớn tổ chức!
Dĩ nhiên, kẻ chủ tâm cố ý giết người vì tư thù, vì quyền lợi, tội nặng hơn kẻ sát nhân trong cơn điên loạn, hãi hùng hay vô ý thức. Kẻ giết con vật lớn như trâu bò, tội nặng hơn kẻ giết côn trùng, con gián, con kiến. Giết người, giết con vật lớn, con vật có nhiều linh tánh hơn, tức nhiên, kẻ giết phải có chủ ý, dụng tâm, dụng công, dụng sức nhiều hơn, nên tội nặng hơn. Giết côn trùng, con gián, con kiến không do cố ý, không do thích thú, bởi vì con người không thể sống chung với những sinh vật này được, theo phép vệ sinh chung của xã hội, nên nhẹ tội hơn. Tuy nhiên, tìm giết vô cớ con gián, con kiến ngoài đồng, ngoài đường lại là chuyện khác.
Việc trộm cắp cũng vậy. Người trộm cắp
vì nghèo túng, phải giúp gia đình qua cơn đói khổ, vì tạm thời, không còn
phương cách nào khác, tội nhẹ hơn một kẻ cố ý chủ tâm dùng thủ đoạn, dùng luật
pháp, để chiếm đoạt tài sản, sang đoạt bản quyền của người khác, thưa kiện
người khác với mục đích kiếm tiền, muốn mình sung sướng, làm giàu nhanh chóng,
người khác thì đau khổ vì sạt nghiệp!
Việc nói dối để an ủi, giúp đỡ tinh thần người đang bị bệnh, người đang khổ đau, khủng hoảng, sợ hãi, không thể đem so sánh với việc nói dối để gạt gẫm người khác vì ích kỷ, vì tư lợi, vì thù oán hại người, vì muốn kết bè kết đảng.
Càng tệ hại hơn nữa vì tự ái, vì tự lợi, vì danh dự hão, vì chính nghĩa cuội, vì công lý một chiều, vì lẽ phải phiến diện, vì mê tín dị đoan, vì quá khích, có người đặt điều vu cáo vu khống, phỉ báng mạ lỵ người khác, lộng giả thành chơn, nước lã khuấy nên hồ, để ám hại người khác, viết bài đả kích, khen mình khinh người, lôi kéo phe phái, thì những người đó làm sao tránh khỏi luật nhân quả, làm sao thoát khỏi "lưới trời" lồng lộng, tuy thưa mà không lọt, tuy không thấy mà chẳng sai chạy! Trong nhà Phật, "lưới trời" đó chính là "quả báo" con người phải lãnh, vì các việc đã làm, đã nói, đã nghĩ, trước đây.
* * *
Chúng ta thường nghe nói đến chữ
"nghiệp" trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong đạo Phật, như là:
nghề nghiệp, tội nghiệp, nghiệp báo, nghiệp chướng, nghiệp nhân, nghiệp quả.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu: "Nghiệp"
là gì?
Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay
suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi
giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.
Nghĩa là: nghiệp do thân hành động, khẩu nói
năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp
và ý nghiệp.
Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện. Tuy nhiên, khi nói đến chữ "nghiệp", người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.
1) "Thân nghiệp" là những thói quen hành động, do thân
tạo tác hằng ngày. Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc
phước thiện, làm việc xã hội. Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật,
tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện. Cũng có người luôn luôn thích đánh
nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá,
đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển. Có người luôn luôn thích hút thuốc,
uống rượu, bài bạc. Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không
túng thiếu. Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa
kiện để thủ lợi. Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói
chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng
nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ
khoai!
2) "Khẩu nghiệp" là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi chanh chua chát khế, kinh khủng khiếp luôn! Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có người luôn luôn thích nói chuyện đạo lý, chuyện ích lợi cho người. Có người luôn luôn thích thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật. Có người luôn luôn thích an ủi, khuyên lơn, đem sự an ổn tâm thần đến cho người khác. Có người luôn luôn nói lời hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích trò chuyện.
Ðó là những người lựa lời mà nói cho người an vui, và đang tu theo hạnh Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay tu theo hạnh Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát. Cũng có người luôn luôn thích nói suốt ngày, không biết mệt, không ngừng nghỉ. Có người luôn luôn thích nói chuyện thị phi, chuyện thiên hạ, chuyện phải quấy, chuyện hơn thua, chuyện tranh chấp, chuyện kiện tụng, chuyện thưa gửi, chuyện phiền não, chuyện khổ đau. Có người luôn luôn thích văng tục, chửi thề, bới móc người khác, kê tủ đứng vào miệng người khác, móc họng cho người ói ra, mỗi khi khai khẩu, mỗi khi mở miệng. Có người thốt xong một lời, người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc uống thuốc nhức đầu, thậm chí ngất xỉu, hay giã từ luôn cõi đời. Có người thốt xong một lời, người khác phải đi tù, gia đình xào xáo, vợ chồng chia ly, lục đục, cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau, tiêu tan hạnh phúc.
Bởi vậy, chúng ta mới biết khẩu nghiệp nặng nề
biết bao, lời nói độc hại đến chừng nào, lời nói có khả năng hại người còn hơn
vũ khí. Ðó là lời nói của những kẻ "lựa lời mà nói cho người giết
nhau", hoặc là những kẻ "lựa lời mà nói cho người tiêu luôn"!
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng". Có người bèn áp dụng tu pháp môn "tịnh khẩu", suốt ngày không muốn nói bất cứ chuyện gì, với bất cứ ai. Tuy nhiên, bên ngoài phẳng lặng, mà trong lòng dậy sóng, thì cũng như không! Có khi nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên chở đạo lý. Có khi sự im lặng cũng đúng Chánh Pháp, cũng đượm nhuần đạo lý.
Cổ nhơn có dạy: "Ngữ ngôn đạo
đoạn".
Nghĩa là còn phải dùng lời nói, thì không thể
diễn tả được đạo lý một cách tột cùng, khi lên tiếng thì đạo mất rồi. Người
hiểu đạo là người có tâm cảm thông sâu sắc, không cần dùng lời nói, có thể thấu
hiểu mọi sự mọi việc một cách dễ dàng, không có gì ngăn ngại.
Trong kinh sách có câu: "Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì" chính là nghĩa đó vậy. Cũng có câu: "Ðạo bổn vô ngôn".
Nghĩa là gốc của đạo không thể dùng lời lẽ của thế gian mà diễn tả được. Ðạo là chỗ cứu kính tuyệt đối bất khả tư nghì, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn được. Ðó chính là chỗ im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật thời Ðức Phật còn tại thế, đó chính là sự lặng thinh của Nhị Tổ Huệ Khả, khi trình kiến giải lên Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vậy.
3) "Ý nghiệp" là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.
Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm! Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu? Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng? Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là "tội nghiệp" thay!
Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập
tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là
định luật trường cửu.
Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.
Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải "oán nghiệp" trước đây tiêu tan hay không?
Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người
mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên
cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi
đến đâu, sẽ kết thúc ra sao? Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt
những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì
ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại.
Chuyện này "nói ra thì dễ, làm được mới
khó". Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây
?
* * *
Bây giờ, nói về vấn đề: "dừng nghiệp và chuyển nghiệp". Chúng ta đã biết rằng chính ba nghiệp thân khẩu ý là động cơ dẫn dắt chúng sanh vào vòng trầm luân sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp. Cho nên, muốn thoát ly sanh tử luân hồi, con người phải biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Nghĩa là chúng ta phải dừng tất cả những nghiệp ác, nghiệp bất thiện, từ thân khẩu ý của mình, chuyển ba nghiệp thân khẩu ý bất thiện, thành ba nghiệp thiện lành. Ðó chính là trọng tâm tu hành của đạo Phật, chứ không phải những hình tướng bên ngoài, những nghi lễ rườm rà, những van xin cầu khẩn.
Người có nghiệp cờ bạc thì luôn luôn tìm tới các sòng bài bạc để vui chơi trong chốc lát, rồi sau đó đau khổ dài dài. Người có nghiệp hút thuốc thì đi đâu cũng luôn luôn để ý đến chỗ nào bán thuốc lá và giá cả ra sao. Người mang nghiệp nào thì sẽ bị dẫn theo con đường ấy, cũng như kim loại bị nam châm hút vậy. Con người khi chết đi, thân xác, danh vọng, của cải, thân bằng quyến thuộc, tất cả mọi thứ đều phải bỏ lại thế gian, chỉ mang theo cái "nghiệp báo" tái sanh kiếp sau. Chính cái nghiệp báo này là nguyên nhân làm cho chúng ta sung sướng hay đau khổ vậy. Khi biết được điều đó, liễu tri được điều đó, giác ngộ được điều đó, chúng ta cần phải tìm cách dừng nghiệp, tìm cách chuyển ba nghiệp bất thiện thành ba nghiệp thiện.
Trong kinh sách, Ðức Phật dạy pháp môn để dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Ðó chính là "Pháp Sám Hối". Người biết ăn năn sám hối mới thực là người biết tu chân chính, không cần phải có hình tướng như thế nào, chỉ cần chúng ta kiên trì, cố gắng tu tâm dưỡng tánh, đúng theo Chánh Pháp, thì đạt được kết quả mỹ mãn. Kết quả đó là cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời, kết quả đó là cảnh giới tây phương cực lạc hay thiên đàng sau này. Chánh Pháp không dành riêng cho những người theo đạo Phật hay bất cứ ai. Chánh Pháp là chân lý cứu kính mà bất cứ ai có "tâm bình thường" cũng có thể tìm hiểu được và thực hành được, một cách bất tùy phân biệt.
Nếu không có "pháp sám hối chơn thực" thì không có thánh nhơn trên đời, không có thiên đàng, hay cảnh giới tây phương cực lạc. Biết bao nhiêu bậc thánh hiền xưa nay có quá khứ bất thiện, xấu ác, gian tà, nhưng nhờ các ngài giựt mình tỉnh thức, qua được cơn mê, quày đầu hướng thiện, cho nên trở thành đại đức thánh nhơn. Bởi vậy, chúng ta noi gương các ngài, chỉ nên quán xét chính mình, không cần thiết phải bận tâm biết quá khứ của người khác ra sao. Người ta trước đây tạo nghiệp xấu thiệt, nhưng nay đã biết sám hối, đã biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp, còn mình thì sao, vẫn đi soi mói việc riêng của người khác để làm gì?
Trong kinh sách, Ðức Phật có dạy:
Tội tùng tâm khởi tương tâm sám. Tâm nhược diệt thời tội diệc vong.
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không. Thị tắc danh vi chơn sám hối.
Nghĩa là muốn tội lỗi thực sự không còn nữa, thì chúng ta phải tiêu diệt cái nguyên nhân chính gây ra tội lỗi, xúi giục mình làm bậy nói bậy nghĩ bậy, đó là vọng tâm lăng xăng, lộn xộn, loạn động, suy nghĩ, tính toán, suy lường, hằng ngày của chúng ta. Một khi đã thực tâm sám hối thì không còn tâm muốn làm, muốn nói, muốn nghĩ những chuyện bậy đó nữa. Mỗi khi vọng tâm khởi lên, xui khiến mình làm chuyện bậy, bất cứ chuyện gì lợi mình hại người, bảo mình nói lời bậy, bất cứ lời nào gây phiền não cho người khác, giục mình nghĩ ý bậy, bất cứ ý nghĩ nào khen mình khinh người, thì chúng ta phải nhận biết ngay, dừng lại, không theo.
Lâu dần, vọng tâm đó lặng đi rồi, thì tội lỗi cũng không còn gây ra nữa. Cũng giống như mỗi lần trong đầu nhớ tới bản nhạc nào quen thuộc, nếu chúng ta ư ử hát theo thì sẽ nhớ hoài nhớ lâu, còn nếu chúng ta không hát theo, thì ít lâu sau, sẽ quên bẳng đi, không còn nhớ nữa. Ðó mới thực là "chơn sám hối", tức là sám hối chơn chính, chơn thực, thực lòng vậy.
* * *
Pháp sám hối chơn chính có hai phần: Lý Sám Hối và Sự Sám Hối.
1"Sự Sám Hối".
Khi tâm của chúng ta còn mê mờ, chưa được giác
ngộ Chân Lý, chưa hiểu biết Chánh Pháp, chúng ta phải hành theo sự sám
hối. Nghĩa là đối trước tôn tượng chư Phật, chư Bồ Tát, chúng ta phải
hành lễ bái, tỏ bày sám hối, mong diệt nghiệp chướng, tội chướng, siêng năng
tinh tấn, mỗi tháng hai lần.
Mỗi lần như vậy, chúng ta đọc bài kệ như sau:
Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp. Giai do vô thủy tham sân si.
Tùng thân khẩu ý chi sở sanh. Nhứt thiết ngã kim giai sám hối.
Nghĩa là chúng ta đã tạo không biết bao nhiêu
ác nghiệp từ xưa đến giờ, đều do ba điều độc hại: tham lam, sân hận và si mê,
thể hiện qua ba hình thức: thân hành động, khẩu nói năng, ý suy nghĩ. Tất cả
những tội lỗi đó, những nghiệp bất thiện, những nghiệp ác đó, chúng ta đều
thành tâm thực lòng, ăn năn sám hối, quyết tâm chừa bỏ, không dám tái phạm, cố
gắng gìn giữ tam nghiệp thân khẩu ý cho được thanh tịnh.
Trong kinh sách có câu:
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, tức là: Trước bảo tọa thân con ảnh hiện.
Nghĩa là đối trước tôn tượng chư Phật, chúng ta hiện nguyên hình con người thực của mình, phản ảnh đúng nội tâm của mình, để thành tâm phát lồ sám hối, không che giấu bất cứ điều gì cả. Chúng ta có thể che giấu tội lỗi, che giấu tật xấu, đối với người đời, chứ đối với chư Phật, đúng ra đối với Phật Tâm của chúng ta, chúng ta chẳng thể giấu giếm bất cứ điều gì. Ngày xưa, để cho mọi người dễ hiểu, cổ nhơn giải thích đó chính là lúc chúng ta đứng trước gương chiếu yêu, trước diêm vương cảnh đài, bất cứ việc gì chúng ta đã làm, đã nói, đã nghĩ, trong suốt cuộc đời đều hiện ra hết tất cả.
2"Lý Sám Hối".
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhất thiết duy tâm
tạo". Nghĩa là muôn việc trên thế gian này đều do
tâm của chúng ta tạo ra tất cả. Tâm của chúng ta tạo ra thiên đàng.
Tâm của chúng ta tạo ra địa ngục. Thí dụ chúng ta phát triển các tâm
lượng rộng lớn, tốt đẹp như từ bi hỷ xả, tức là chúng ta phát triển cảnh giới
thiên đàng, cực lạc và sống an lạc trong cảnh giới đó.
Nếu chúng ta chấp chặt những thành kiến, định kiến, thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, thường kiến, đoạn kiến, phát triển những tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ, ganh tị, tham lam, sân hận, si mê, khen mình khinh người, lợi mình hại người, tức là chúng ta phát triển cảnh giới địa ngục và sống bất an trong cảnh giới đó vậy.
Sự sám hối ví như chiếc xe đạp. Nghĩa là
người chỉ biết sự sám hối thôi, không hiểu rõ lý lẽ, thì đường tu tiến
chậm. Ði chùa lạy Phật, tụng kinh bái sám, từ lâu lắm rồi, mà sao vẫn còn
bực mình nhiều chuyện quá, phiền não vẫn còn y nguyên, có khi còn nhiều hơn lúc
trước nữa.
Lý sám hối ví như động cơ. Nghĩa là người chỉ biết lý sám hối thôi, không chịu hành sự, thì đường tu cũng không tiến. Hiểu rõ lý sám hối và năng hành sự sám hối, nghĩa là "lý sự viên dung", lý sự đầy đủ vẹn toàn, thì đường tu tiến được rất nhanh, cũng như đi xe có gắn máy thì chạy nhanh hơn xe đạp vậy. Tu tiến có nghĩa là: giảm bớt phiền não và khổ đau, sống được cảnh giới an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời.
Dù theo bất cứ tôn giáo nào chăng nữa, thực ra vị giáo chủ cũng không thể ban phước cho chúng ta được bình an, sung sướng hay an lạc và hạnh phúc. Các ngài chỉ cho chúng ta bản đồ, chỉ cho chúng ta phương pháp, để chúng ta tự thực hành, tự đi đến cảnh giới an lạc và hạnh phúc mà thôi. Như vậy mới thực là chí công vô tư vậy.
Vì thế cho nên, những người có trí tuệ bát nhã, luôn luôn giữ gìn tam nghiệp cho thanh tịnh, tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, phát tâm bồ đề, tiến tu đạo nghiệp, chứ không phải chỉ biết cầu nguyện, van xin, cầu khẩn, khấn vái. Tại sao vậy? Bởi lẽ chẳng được lợi ích gì, chỉ thêm phiền não, vì cầu nguyện hoài mà không được đáp ứng gì cả!
Cầu không được, khổ là cái chắc.
Cầu bất đắc, tức khổ không sai.
Có nhiều cách tu, nhiều phương pháp, nhiều pháp môn để giúp chúng ta dừng nghiệp và chuyển nghiệp, cho nên Phật giáo có nhiều tông phái. Tịnh độ tông dùng câu niệm Phật, dùng cách quán tưởng, dùng thời khóa tụng kinh, để dừng tất cả các nghiệp. Mật tông dùng câu thần chú đà-la-ni để dừng tất cả các nghiệp. Thiền tông dùng pháp khán thoại đầu, dùng công án nhà thiền, hay dùng "pháp đối cảnh vô tâm", hay "pháp tri vọng", để dừng tất cả các nghiệp.
Dừng được một phần của "ba nghiệp",
chúng ta bớt được một phần "chướng nạn" của cuộc đời. Dẹp được
một phần "nghiệp chướng" của bản thân, chúng ta hưởng được một phần
cuộc sống an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời.
Thí dụ như bớt được chút lòng tham lam, chúng
ta bớt được chút khổ nạn, bởi vì tham thì thâm. Thí dụ như bớt chút lòng
sân hận, chúng ta bớt được chút phiền não nhức đầu, bởi vì sân thì sinh
sự. Thí dụ như bớt chút lòng si mê, chúng ta bớt được chút khổ đau, bởi
vì mê thì mất tiền, mất của, mất tất cả!
Ðến đây, chúng ta cần hiểu rõ, phân biệt rõ: thế nào là "tội và nghiệp", và thế nào là "tội báo và nghiệp báo". Sau một thời gian tu hành nào đó, khi tâm được thanh tịnh, ba nghiệp không còn, thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh, "tội và nghiệp" không còn nữa, bởi vì chúng ta không còn tạo nghiệp, không còn tạo tội. Do thành tâm sám hối, "tội và nghiệp mới" không còn tạo ra nữa, nhưng tội báo và nghiệp báo, nói chung là quả báo, từ "tội và nghiệp cũ" vẫn còn. Chúng ta đã tạo "nghiệp nhân" thì nhứt định phải nhận "nghiệp quả", không thể chạy đâu cho khỏi. Người đời thường gọi đó là "số trời đã định", hay "định mệnh đã an bài", hoặc "chạy trời không khỏi nắng", chính là nghĩa đó vậy.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Dù trốn lên non, xuống biển vào hang,
nghiệp báo đã mang, không ai tránh được.
Các bậc thánh thiện là những người đã thanh tịnh được tam nghiệp nên có cuộc sống an nhàn, tự tại trong nội tâm, trong tâm thức. Tuy nhiên, trên hình thức bên ngoài, chúng ta thấy cuộc sống của các vị giáo chủ, của các bậc thánh nhơn không phải là không có sóng gió, không phải là không có chuyện bất trắc xảy ra. Có khi các ngài vẫn bị vu cáo, nhục mạ, phỉ báng, xét xử, kết án và thậm chí, bị hành hình như những tội phạm hình sự. Tại sao vậy?
Bởi vì, các ngài tuy đã dứt hết các "tội
và nghiệp" đời này, nhưng tội báo và nghiệp báo, nói chung là "quả
báo", từ nhiều đời và nhiều kiếp trước vẫn còn, các ngài vẫn phải
trả. Các ngài, cũng như bất cứ ai, không thể đứng ngoài luật nhân quả
được. Chẳng hạn như: Vào cuối thế kỷ thứ ba, vị tổ thứ hai mươi bốn
là Aryasimha tuy đã đắc đạo, nhưng vẫn bị vua Kế Tân chém đầu. Vào đầu
thế kỷ thứ bảy, vị tổ thứ hai mươi chín, là Tổ Sư Huệ Khả, bị vu cáo và bị giam
đến chết trong ngục, thọ 107 tuổi! Tổ Bá Trượng Hoài Hải trong một buổi
thuyết giảng, có gặp một ông lão, nguyên là một vị Hòa Thượng, vì hiểu sai và
giảng sai luật nhân quả, cho là một khi con người đắc đạo rồi, thì không phải
trả quả báo, thoát ngoài luật nhân quả, cho nên phải bị đọa 500 kiếp chồn.
Chúng ta cũng thường hay nghĩ như vậy, cho là sám hối xong thì sạch tội và sẽ được bình an, không tai nạn gì nữa cả, không phải trả quả báo! Hiểu như vậy là sai! Chúng ta thường lầm lẫn "tội nghiệp mới" với "quả báo cũ". Chúng ta cần nên biết rằng chúng ta không thể nhờ bất cứ ai tha tội, xóa tội, miễn tội, gánh tội thay thế cho chúng ta được. Tại sao vậy? Bởi vì như vậy trái với luật nhân quả, lẽ công bằng và không hợp tình, hợp lý chút nào. Trong tam tạng kinh điển, Ðức Phật chỉ dạy rất rõ ràng vấn đề "tội và báo" này. Khi nào chúng ta không còn tâm si mê muốn quịt nợ, chúng ta sẽ nhận biết được dễ dàng hơn, thấu đáo hơn, không còn bị dối gạt, không còn lầm lẫn nữa.
Chúng ta thử xét thí dụ sau đây, để hiểu biết thêm về "tội báo, nghiệp báo, quả báo, và phước báo". Theo luật nhân quả, do hậu quả của tội lỗi đã làm, gọi là "nghiệp nhân", con người gặp những bệnh tật, những tai nạn, những bất trắc ở đời, gọi là "nghiệp quả hay nghiệp báo". Con người phải gánh chịu "quả báo hay tội báo" như vậy, ví như phải ăn một nắm muối. Phải ăn một nắm muối thì khổ biết là bao nhiêu. Nếu như con người có thể bỏ nắm muối vào tô nước rồi uống thì có lẽ dễ chịu hơn chút đỉnh. Nếu như con người có thể bỏ nắm muối vào lu nước rồi uống thì dễ chịu hơn chút nữa. Nếu như con người có thể bỏ nắm muối đó vào hồ nước lớn rồi uống thì chắc là câu chuyện không thành vấn đề nữa rồi.
Nắm muối bị bắt buộc phải ăn tượng trưng cho "tội báo, nghiệp báo, hay quả báo", do những tội lỗi chúng ta đã làm từ nhiều đời trước hay đời này. Nước trong tô, trong lu, trong hồ tượng trưng cho "phước báo" ít hay nhiều, chúng ta đã tạo được từ những việc làm phước thiện, phước đức, trong các đời trước hay đời này. Như vậy, nếu con người phải đền trả hoàn toàn đầy đủ những tội lỗi do chính mình gây ra, đời trước hay đời này, thì có khi phải tán gia bại sản, bệnh tật ngặt nghèo, nguy hại tánh mạng. Nhưng nhờ đã làm các việc phước thiện, nên có "phước báo" để bù đắp, cho nên hoàn cảnh khổ đau, tai nạn có thể được giảm bớt hay hóa giải đi. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Ví như con người có tiền tiết kiệm để dành, có thể đem trả, trừ bớt nợ hay trừ dứt nợ xưa vậy.
Bởi vậy, làm việc phước thiện, tạo phước đức, có phước báo, để tiêu trừ tội nghiệp là thái độ tích cực và hợp đạo lý, đối với bất cứ ai trên thế gian này, hơn là việc cầu nguyện thượng đế để xin xá tội, để chạy tội, hoặc đổ hết tội lỗi của mình cho thượng đế gánh giùm! Thật là thảm thương thay cho thượng đế do con người đặt ra, tưởng tượng ra, để gánh vác hết tội lỗi của nhân loại trên thế gian này!
Con người vốn hay muốn quịt nợ, muốn trốn tránh trách nhiệm, không sợ nhân chỉ sợ quả, không bao giờ nhìn nhận những việc sơ sót, sai trái, tội lỗi, lỗi lầm, chính mình đã làm, chỉ biết trách cứ người khác, đổ thừa tại người này, đổ thừa tại việc kia, không bao giờ dám nhận là "tại mình", không bao giờ chịu nhận là "lỗi tại tôi mọi đàng". Tại sao vậy? Bởi vì con người không hiểu thấu đáo, không biết tin sâu luật nhân quả vậy.
Tóm lại, trong kinh sách, Ðức Phật có dạy:
Tam nghiệp hằng thanh tịnh. Ðồng Phật vãng tây phương.
Nghĩa là nếu như lúc nào ba nghiệp của chúng
ta đều thanh tịnh, lặng yên, trong sáng, thân không sát sanh, trộm cắp, tà dâm,
khẩu không nói dối, không nói lời thị phi, không đâm bị thóc thọc bị gạo, không
xuyên tạc phỉ báng, không vu khống cáo gian, ý không còn tham lam, sân hận, si
mê, thì chắc chắn chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc hiện đời, sẽ cùng chư
Phật về cõi tây phương cực lạc sau này.
Những người không thấu hiểu lẽ này, nên nghĩ
là có thể "đới nghiệp vãng sanh", tức là còn mang nghiệp mà vẫn có
thể vãng sanh tây phương, nhờ vào câu niệm Phật A Di Ðà. Ðó là một sự suy
nghĩ sai lầm lớn lao của người tu đạo, không đúng Chánh Pháp.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: Tất cả
nghiệp chướng đều do vọng tưởng, nếu muốn sám hối, hãy ngồi tĩnh tâm
quán sát thực tướng. Nghĩa là khi quán sát thực tướng, nếu người nào biết
được tánh chúng sanh là tánh niết bàn thì người ấy cùng cực giải thoát.
Trong kinh sách có câu: "Phật và chúng sanh tánh thường rỗng lặng", hay: "Năng lễ sở lễ tánh không tịch", chính là nghĩa này vậy.
Xét cho đến ngọn nguồn, tội nghiệp đều do vọng
tưởng điên đảo mà sinh ra. Nhưng tâm vọng tưởng điên đảo ấy cũng như luồng gió
giữa chốn hư không, chẳng có chỗ nào trụ, chẳng có chỗ nào dính mắc.
Khi chưa thấu hiểu chân lý, mang mang mờ mờ mịt mịt, cho nên chúng ta mới gây tội nghiệp, nhưng lại chỉ thấy tội nghiệp của người khác. Ðến khi rõ lý lẽ, tất cả tội lỗi trước đây thảy đều tiêu diệt, bởi chúng ta đã thấy tội nghiệp của chính mình. Lúc ấy mới biết một cách rốt ráo, tất cả đều là không: không có tội lỗi gì để mà tiêu diệt, không có tội nghiệp gì để mà tạo tác, không thấy có nghiệp báo gì để mà gánh chịu, cũng không còn sanh tử luân hồi nữa vậy. [] llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll