TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 1 August 2011

*** THÚ VUI TRỒNG CÂY

TÁC GIẢ: NGUYỄN VĂN NHỰT


Có những người thích trồng cây từ nhỏ, còn tôi thì không. Hồi còn ở Việt Nam , mỗi lần ba tôi kêu ra vườn giúp một tay để phụ tưới nước hay nhổ cỏ thì tôi xem đó là một điều cực hình. Lúc đó tôi còn nhớ má thường trách ba tôi:
-“Ông trồng mấy thứ quỷ đó mà bán được bao nhiêu tiền!”
Tôi hoàn toàn đồng ý với má tôi về việc ba tôi ra làm vườn chẳng được bao nhiêu tiền. Hơn nữa, dù trời nắng hay trời mưa và  ba tôi không lo cho sức khỏe của mình mà dùng quá nhiều thời gian loanh quanh sau vườn. Lợi nhuận có xứng đáng với công sức và thời gian mà ba tôi đã tiêu phí hàng ngày không!? Bây giờ, dù ở Mỹ với số tuổi “Cổ lai hy” là tuổi của ba tôi lúc đó ở VN, tôi lại thích trồng cây. Tối ngày cứ ở ngoài sân. Hết trồng cây nầy lại trồng cây khác. Chỗ nầy không hợp, dời đi chỗ khác. Bứng cây nhiều lần quá, bà xã nói:
-Cây mà anh cũng không để cho nó yên thân. 
Đời người ai cũng có sở thích riêng. Tôi không biết có phải sở thích của tôi là trồng cây hay không, hay là thích hưởng không khí trong lành bên ngoài. Hay là thích thú với cảnh vật thiên nhiên. Thích đầu óc được thoải mái, tránh tạp niệm trong đầu, Hay là thích trồng cây để học hỏi thêm về Nhân Sinh Quan của Vũ Trụ?Bà xã hỏi: Tại sao trước cổng trồng trúc và đào, có ý gì không?
Tôi giải thích càng rằng trúc đào trước ngõ là có âm có dương. Vì trúc là tượng trưng cho người quân tử. Còn đào tượng trưng cho thục nữ.
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hiếu cầu.
Bà xã nhìn cây rồi hỏi tiếp:
Vậy tại sao anh trồng có một cây trúc mà có tới 2, 3 cây đào?
Thật sự tôi không biết giải thích sao cho ổn thỏa, tôi nói rằng ở Mỹ thì một trúc một đào, còn ở Á Đông mình thì một trúc có 2,3 cây đào tốt hơn.
Bà xã tôi không cần suy nghỉ đã trả lời: Em thích ở Mỹ hơn.
Cái thú của trồng cây là vừa trồng vừa suy ngẫm nhiều chuyện mà đọc trong sách vở đã có từ lâu, bây giờ mới nghiệm chân gía trị của nó.
Người tiêu thụ có thể ăn mà không thể phân biệt được một hột gà nhân tạo và một hột gà thật. Không phân biệt được những hạt đậu nhân tạo và những hạt đậu thật. Các khoa học gia có thể làm giả tất cả, cây, cành, hoa, lá …và có thể làm đẹp hơn, ăn được, uống được và có thể ngon hơn. Nhưng chắc chắn một điều là các khoa học gia không thể đem gieo trồng được.
Hột gà nhân tạo không thể đem ấp mà nỡ thành gà con. Hột đậu nhân tạo không thể nào làm nẩy mầm lớn lên thành cây đậu được. Con người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể thay thế bàn tay của tạo hóa mà tạo ra mầm sống, tạo ra  sinh vật được. Tạo hóa đã an bày mọi vật, mọi sinh vật đều phát triển theo một định luật “Tiến Hóa” của Vũ Trụ.
Tôi còn nhớ trong sách có ghi: “Theo định luật tiến hóa thì tất cả vạn vật đều tiến hóa theo thời gian trong môi trường tự nhiên.” Thí dụ nước, một thời gian sẽ có rong rêu. Rong rêu sau một thời gian sẽ có cây cỏ. Từ cây cỏ sẽ có các cây lớn hơn…Thuyết nầy đã bị các khoa học gia phản đối. Họ cho rằng nước không thể nào sanh ra rong rêu được. Họ minh chứng rằng nếu nước được khử trùng thật sạch. Đậy thật kín không cho không khí lọt vào thì nước chỉ là nước. Các khoa học gia đúng. Thí nghiệm đúng. Nước không thể nào sanh ra rong rêu được.
Nhưng các nhà binh vực cho định luật tiến hoá thì họ phản đối và cho rằng các thí nghiệm khử trùng và đóng kín là phản với thiên nhiên. Họ yêu cầu làm thí nghiệm trong môi trường tự nhiên, làm thế nào mà nước không có sanh ra rong rêu thì các khoa học gia sẽ đúng. Kết luận, các khoa học gia công  nhận rằng trong không khí đã có rất nhiều mầm sống. Tuỳ theo môi trường, nước, ánh sáng, nhiệt độ…..các mầm sống sẽ sanh ra, lớn lên và phát triển. Cũng như nhân không thể sinh quả nếu không có duyên. Suy ra duyên là nước, là nhiệt độ, là độ ẩm, là ánh sáng, là ….
Nếu trồng cây mà ý thức được là bảo vệ màu xanh của trái đất, thì trồng cây cũng là góp một tay giúp cho sự tiến hoá của vũ trụ vậy. Thật là vui thú. Có nhiều người đến nhà tôi khuyên không nên trồng các cây có trái ở phía trước nhà.
Tại sao? Nhiều lần tôi hỏi tại sao thì họ giải thích là ông bà Việt Nam tin như vậy. Nhiều người là Phật Tử thì giải thích:
-Trái là quả. Hái trái là gặt quả. họ sợ trồng cây có trái trước nhà là sợ bị quả báo.
Tôi vui vẻ mĩm cười:
-Gieo nhân nào sẽ có quả đó. Trồng cây thì phải biết nó sẽ có trái chớ, có gì mà sợ?! Tôi tiếp- Thiếu nợ thì phải trả. Nợ mà sợ phải trả thì đâu phải là người tốt nữa. Được trả nợ là điều may mắn, là việc nên làm. Có trả nợ thì từ từ mới hết nợ.
Ăn trái hay gặt quả không quan trọng. Với tôi, trồng cây quan trọng hơn. Người Phật Tử nhìn tôi dò hỏi.
Tôi nói ra ý của tôi.
-Tôi đã tiếp xúc nhiều người, trong đó cũng có nhiều người là phật tử. Họ quan niệm rằng đời mình do tu nhiều kiếp, làm nhiều việc thiện nhiều đời rồi bây giờ mới được qua Mỹ, tha hồ mà hưởng phước, tha hồ mà hưởng thụ.

Theo tôi hưởng thụ như là ăn trái, rồi sẽ hết, dù cho đời nầy chưa hết thì biết đâu đời sau, đời sau nữa sẽ không còn. Như vậy mình cứ trồng- Trồng cây tốt, trồng càng nhiều càng tốt, tốt cho tương lai. Khi mình ăn một quả ngon thì nên biết rằng mình đã mất đi một trái, vậy khi ăn một trái thì nên trồng thêm một hoặc nhiều cây .
Người phật tử lúc nầy gật đầu: “ Gieo nhân tốt thật sự quan trọng hơn hưởng quả lành, đúng thế”
Khi trồng cây, tôi cũng không nghỉ rằng chính tôi sẽ ăn trái. Trồng là vui vẻ mà trồng. Thích thú mà trồng chứ không phải mục đích là muốn ăn trái. 

Người phật tử nghe nói gật đầu khen: “Thiện thay, thiện thay. Cũng như làm phước là làm phước chớ đừng nghỉ đến phải được đền ơn”.
 Tôi nói với người phật tử : Khi gặp một việc, tôi không nghỉ mình đang hưởng cái quả, mà tôi nghỉ là tôi đang gieo cái nhân. Có như vậy thì tôi càng cố gắng làm nhiều việc thiện hơn. Cố gắng làm cho mình tốt hơn.
Người phật tử hỏi tôi có phải là Đạo Phật không?
Tôi trả lời:
Phật trong tôi, nhưng tôi chưa phải là Đạo Phật. vì tôi biết “Tôn giáo thì nhiều, nhưng chân lý chỉ có một. Nói cách khác: “Không Tôn Giáo Nào Hơn Chân Lý”
Khi trồng cây tôi chứng nghiệm rằng: “Chân Lý Không Đâu Xa, Mà Ngay Trước Mặt” Chân Lý Ở Khắp Mọi Nơi.
Hãy quan sát loài rau má, rau húng. Nó có thể mọc dễ dàng bằng cách chúng ta lấy thân cây ghim xuống đất, lấy ngọn ghim xuống đất. Thậm chí chúng ta cuốc bằng mặt đất, một thời gian sau thì lại mọc lên nhờ rể từ dưới đất. Có nhiều chậu đất tôi để lên cao. Rể không thể tới, cành lá càng không thể lên cao, vậy mà vẫn có rau má, rau húng mọc. Thì ra do hột theo gió bay mà mọc ở khắp mọi nơi. Tôi lại quan sát thật kỷ rau má, rau húng, đúng là nó có hột. Thật khó thấy. Suy ra luật nhân quả xảy ra theo rất nhiều hình dạng nhiều trạng thức khác nhau, tùy duyên và tùy nghiệp.
Cây rau cần khi rụng hột. Có hột mọc ngay lên cây con . Có hột cả năm mới lên cây con. Tôi không muốn trồng rau cần nên nó vừa mọc lên cây con bao nhiêu thì nhổ bỏ bấy nhiêu. Vậy mà rất nhiều năm vẫn còn nhiều hột ẩn tàng dưới đất lại mọc lên. Đến nay gần 10 năm mà vẫn còn mọc. Suy ra luật nhân quả, khi gieo nhân, có nhân sẽ cho quả liền trước mắt, có nhân thì một thời gian sau mới có quả.
Vậy đừng hỏi tại sao người tốt, làm nhiều việc thiện mà vẫn nghèo, mà vẫn khổ. Vì cái nhân đang gieo chưa thành quả mà người đó đang hưởng cái quả mà cái nhân trong quá khứ đã gieo.
Khi nhìn một bông hoa đang hé nụ, một nhành non vừa đâm chồi. Nhứt là một trái non vừa tượng hình. Mình thấy tương lai của cây thật tươi sáng làm mình cũng vui lây. Chỉ nhìn một chiếc lá. Những đường gân như những mạch máu trong cơ thể con người. Lưu thông nhựa nguyên và nhựa luyện để nuôi cây.
Cơ thể con  người cũng như một cái cây. Cũng cần nước, không khí và ánh sáng để sinh tồn và phát triển. Dù là động vật hay thực vật cũng cần ánh nắng mặt trời. Ánh sáng Thái Dương là nguồn sinh lực cho tất cả vạn vật. Có nhiều loại cây, loại hoa nếu thiếu nắng thì sẽ không có trái, không có hoa. Đám cỏ đang xanh, nếu chúng ta để một vật gì lên trên, không cho ánh sáng vào. Chỉ cần năm ba ngày là nơi đó cỏ sẽ trở thành màu vàng úa.

Trồng cây, một điều rất quan trọng là phải nhổ cỏ (Cỏ ví như là tư tưởng xấu). Nếu không nhổ cỏ thì cây trồng bị cỏ lấn áp làm cây sẽ không lớn và có thể sẽ bị chết. Khi nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Dù chỉ còn một chút rể. cỏ cũng dễ dàng mọc lại, Cuộc sống hàng ngày cũng vậy, những ý niệm xấu (như cỏ) thật nhiều, phải từ từ tiêu diệt nó mới làm được việc thiện . Cái xấu và cái tốt đối nghịch nhau. Cái xấu thường là nhiều và thắng thế hơn cái tốt. Ông bà thường nói: “Làm người thì khó, làm chó thì dể”.
Hãy xem mãnh đất là cái tôi. Mãnh đất muốn trồng cây chớ không phải để cỏ hoang mọc. Nếu có cỏ hoang vừa mới mọc là phải nhổ liền. Cũng  như có một tư tưởng xấu thì phải dùng ý chí khắc phục ngay. Công việc kiểm soát tư tưởng xấu phải thường xuyên và liên tục thì cái tôi thật sự = Chân Ngã mới mong chóng lớn, nếu không Cái Tôi Trần Tục= Phàm Ngã sẽ là mãnh đất đầy cỏ hoang. Bởi vì trong ta có hai cái Tôi. Cái Tôi Thật Sự và cái tôi trần tục. Vậy hãy làm theo Cái Tôi Thật Sự và đừng để Cái Tôi Trần Tục cám dỗ.

Cuộc sống hàng ngày chúng ta bị Cám Dỗ quá nhiều và không nên lúc nào cũng dùng câu “Thân Bất Vị Kỷ.” để ngụy biện. Phải biết rằng Cái Tôi thật sự là Chân Ngã, là Phật Tâm - Phật Tánh đã có sẳn trong tôi.  Còn những cám dỗ, những tư tưởng xấu là kẻ thù của chân ngã. Nó muốn kéo chân ngã xuống, cũng như là loài cỏ hoang lúc nào cũng phát triển mạnh  và làm cho cây trồng không sống tươi tốt được. Tóm lại Chân Ngã , Chân Tâm là muốn đi lên còn Phàm Ngã, Dục Vọng là muốn kéo ta xuống.

Cái lợi khi trồng cây:
*Bớt đi tánh làm biếng: Dù không phải thức khuya dậy sớm để đi ra đồng làm ruộng làm vườn nhưng cũng phải tưới nước, bón phân, nhổ cỏ . . . .như vậy chúng ta sẽ trở thành người siêng năng hơn.
*Học thêm tánh Nhẫn Nại: Không phải trồng xuống là có kết quả liền, phải đợi. Có những cây không thể chịu khí hậu lạnh, ban đêm phải đem vô nhà, ban ngày lại đem ra cho có ánh nắng ấm.
*Học hỏi từ thực vật và động vật = Vạn vật đồng nhất thể. 
*Hòa mình với thiên nhiên: Với gió mát, với dưởng khí rất tốt từ cây thở ra nó giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của chúng ta, làm cho thân tâm thêm an lạc.
Khi nhìn hoa lá tốt tươi, cây xanh trỗ nụ. Ta sẽ tạm quên hết mọi chuyện tranh đua ngoài đời. Mọi tạp niệm cũng tạm ngưng. Hòa mình với thiên nhiên ta không còn phân biệt cái ta và ngoại cảnh. Ta đã họp nhứt cùng thiên nhiên. Vũ trụ và ta chỉ là một. Đó là cái Ta Chân Ngã. Phật Tâm, Phật Tánh trong ta tự nhiên sẽ sống mạnh.
Kết luận, việc trồng cây phải thực tế. Biết cách trồng chưa đủ mà phải thực hành. Phải trồng cây, cũng như muốn hết đói phải ăn. Nhờ người khác ăn, mình không thể no được. Mình không thể van xin cầu khẩn ơn trên cho mình no nếu mình không ăn. Mình không thể cầu trời khẩn Phật ăn thế cho mình để mình no. Không ai ăn thế cho mình. Dù rằng trước mặt mình có nhiều trái chín, mùi thơm thật hấp dẫn và cả  thức ăn ngon, nhưng không ăn là đói. Trong Đạo Phật có một câu rất chí lý: “Phật Pháp Không Phải Là Triết Lý Suông, Mà Phải Thực Hành.”.
Tu Hành- Tu phải đi đôi với Hành. Không ai có thể TU cho mình được. Đức Phật chỉ đường cho mình đi. Không ai đi thay đi thế cho mình được. Nếu mình không tự đi thì biết bao giờ mới  tiến bước được.
Tu không bao giờ trễ, nhưng đừng nên hẹn vào ngày mai.
Trồng cây càng sớm càng tốt. Không trồng thì đừng mong có cây.

Nguyễn Văn Nhựt- Mùa trồng cây 2011
(NGUỒN PHẬT HỌC TỊNH QUANG)